Đây là thông tin được Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hải Nam đưa ra tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM vào chiều 22/2.
Ông Nguyễn Hải Nam cho biết, hiện tình trạng hai bệnh nhi nghi ngộ độc Botulinum đã cải thiện, một trẻ đã cai máy thở và theo dõi tại Khoa Nội tổng hợp, một trẻ tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại Khoa Hồi sức và có dấu hiệu lâm sàng cải thiện tốt.
Bệnh viện Nhi đồng 2 đã lấy mẫu phân của bệnh nhân và gửi đến Viện Y tế công cộng TP HCM để xét nghiệm và chẩn đoán xác định, hiện chưa có kết quả xét nghiệm.
Ngay sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 về hai trường hợp ngộ độc nghi ngờ do độc tố Botulinum, đơn vị đã thông tin cho Sở An toàn thực phẩm TPHCM để điều tra đánh giá nguyên nhân.
Qua điều tra dịch tễ ghi nhận hai trẻ này cùng tham gia một bữa ăn tất niên chung của hai gia đình với 7 người tham gia. Tuy nhiên, trong bữa ăn chỉ có hai trẻ có triệu chứng.
Qua giám sát theo dõi từ thời điểm tiếp nhận 2 bé tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đến nay không có trường hợp nào xảy ra tương tự trên địa bàn này. Tất cả các thực phẩm trong bữa ăn đều đã sử dụng hết, thực phẩm mua tại chợ tự phát, người đi chợ không nhớ rõ người bán.
"Về số lượng thuốc giải độc tố Botulinum (BAT), năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã viện trợ cho TP HCM 6 lọ BAT. Hiện các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế còn 3 lọ BAT", đại diện Sở Y tế TP HCM thông tin.
Qua đây Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân thực hiện đúng các nguyên tắc về an toàn thực phẩm như ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch trong chế biến thực phẩm, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Đối với thực phẩm chế biến, cần lưu ý về nhãn hiệu đầy đủ, còn hạn sử dụng; đối với thực phẩm đóng hộp cần quan sát hình dáng bên ngoài hộp: hộp phải sáng bóng, không rỉ sét, hộp kín, không biến dạng và tuân thủ theo hướng dẫn về vận chuyển, bảo quản của người sản xuất.