Trước tiên phải khẳng định rằng, những sai phạm tại dự án 8B Lê Trực là hết sức rõ ràng, không có gì phải bàn cãi. Việc các cấp chính quyền thành phố Hà Nội áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính, buộc chủ đầu tư phá dỡ… cũng như ra quyết định cưỡng chế phần sai phạm là hoàn toàn chính xác, đúng với các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, với một công trình có quy mô và vị trí đặc thù như dự án 8B Lê Trực, chúng ta cũng phải nhìn nhận, chuyện phá dỡ này là điều không đơn giản. Tòa nhà 8B Lê Trực nằm rất gần với khu vực nhà dân nên việc phá dỡ chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ. Và với một công trình tòa nhà cao tầng, kết cấu khung cứng thì việc phá dỡ cũng sẽ phá vỡ kết cấu của tòa nhà, mà điều dễ nhận thấy nhất chính là các kết cấu chịu lực của công trình.
Thực tế những lo ngại này đã được Công ty Cổ phần May Lê Trực khẳng định tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy Hà Nội rằng, việc phá dỡ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng an toàn chịu lực và tuổi thọ của công trình. Cụ thể đó là hiện tượng rung chấn rất mạnh đến kết cấu tầng 1 và cả các tầng hầm cũng như toàn bộ hệ thống tường xây gạch, trần, gạch đá ốp lát, hệ khung kính mặt ngoài của công trình đã thi công xong. Đồng thời, hiện tượng này cũng gây ra nguy cơ mất an toàn cho khu cư dân liền kề, xung quanh công trình; nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông và người đi đường Trần Phú trong suốt thời gian phá dỡ…
Từ thực tế trên, Công ty Cổ phần May Lê Trực đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội không phá dỡ phần sai phạm, đồng thời đề xuất 3 phương án xử lý:
Phương án 1: Công ty cổ phần May Lê Trực được nhận hình thức xử phạt bằng tài chính như một số các công trình vi phạm trật tự xây dựng khác và cho phép tồn tại phần công trình đã xây dựng không đúng với Giấy phép xây dựng.
Phương án 2: Dừng việc phá dỡ phần công trình vi phạm đang thực hiện để Nhà nước, Thành phố dùng phần công trình xây dựng này vào mục đích công ích có lợi cho cộng đồng hoặc phục vụ công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Phương án 3: Cho phép Công ty cổ phần May Lê Trực được chủ động liên hệ với Hội Chữ Thập Đỏ để dùng phần công trình xây dựng sai phép vào mục đích từ thiện.
Việc Công ty Cổ phần may Lê Trực đưa đề ra 3 đề xuất lập tức thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận người dân thủ đô. Rất nhiều dấu hỏi đã được đặt ra kiểm như có cho tồn tại được không? Phạt cho tồn tại có đúng không? Có nên phá dỡ phần sai phạm này không?...
Dưới góc độ báo chí, chúng tôi thấy rằng, những đề xuất của chủ đầu tư 8B Lê Trực rất đáng để xem xét bởi:
Thứ nhất, nếu không phải phá dỡ thì những lo ngại ảnh hưởng đến người dân xung quanh công trình cũng như kết cấu công trình sẽ được xóa bỏ.
Thứ hai, nhà nước, xã hội sẽ có thêm phần diện tích nhà ở để phục vụ mục đích công cộng, an ninh hay quốc phòng.
Thứ nữa, theo theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP về một số quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng sai phép, không phép thì: Hành vi xây dựng sai phép mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Việc phạt cho tồn tại đối với những sai phạm tại một dự án, công trình xây dựng đã được pháp luật quy định. Việc phá hay không phá dỡ phần sai phạm tại nhà 8B Lê Trực vì thế cần được xem xét. Và nếu có lợi cho cộng đồng, cho người dân, cho lợi ích công cộng, làm công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng… thì cũng là điều rất đáng làm.
Xét trên lợi ích tổng thể như vậy để thấy đề xuất của Công ty Cổ phần May Lê Trực cũng là một ý hay. Và trong 3 phương án được chủ đầu tư 8B Lê Trực đưa ra, chúng tôi thấy rằng, nếu phần sai phạm được hiến để sử dụng vào các mục đích bảo đảm an ninh, quốc phòng là tốt nhất.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, dù phần sai phạm này có bị phá hay không phá thì Hà Nội vẫn cần phải có hình thức xử phạt thật nặng với những sai phạm của chủ đầu tư 8B Lê Trực.
Chúng tôi tin rằng, nếu được như vậy thì người dân thủ đô chắc chắn không phản đối!