Sa vào nghiện ngập sau lần bị lừa mất xe
Sáng đầu tuần, trời bắt đầu hưng hửng nắng sau những ngày mưa dầm dề. Khoảng sân nhỏ trước TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) lá rụng đầy. Lũ chim sâu tắm nắng sớm kéo nhau nhảy nhót trên sân. Phải đến lúc đoàn người dự khán nối đuôi nhau đi vào, chúng mới thảng thốt bay tít lên ngọn cây.
Vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” diễn ra như sau: Khoảng 10h sáng ngày 25/8/2015, Hà Văn Trí (20 tuổi) mượn chiếc xe máy hiệu Exciter của người bạn để đi chơi. Đến 5h chiều cùng ngày, Trí gặp Nguyễn Phước Tân (18 tuổi, đều ngụ TP Huế) cùng nhóm bạn của Tân.
Trí theo nhóm này đi chơi, rồi thuê nhà nghỉ ngủ qua đêm. Ngày hôm sau, do cần tiền tiêu xài nên Tân rủ Trí đem chiếc xe mà Trí đang mượn của bạn đi cầm. Trí đồng ý.
Vì cả hai không mang theo giấy tờ tùy thân, nên Tân nhờ một cô bạn trong nhóm đi cầm xe giúp. Tân nói dối với cô gái này, mình vừa mượn xe của bạn và người bạn kia đã đồng ý cho Tân cầm cố xe, cô bạn mới chịu ra mặt giúp.
Tuy nhiên do không biết nơi nào cầm xe máy, Tân đành gọi điện cho chị gái cầu cứu. Chị gái Tân cũng không rành, lại phải gọi điện hỏi han lòng vòng một hồi, mới cung cấp được địa chỉ “uy tín” cho em trai.
Có được địa chỉ trong tay, cô bạn Tân mang xe đến cầm, được 10 triệu đồng. Chủ tiệm cầm đồ trừ trước 1 triệu tiền lãi, giao 9 triệu. Cô đưa hết số tiền cầm xe cho Tân, rồi cả nhóm thuê xe về Đầm Chuồn ăn uống. Ăn nhậu chán chê, còn lại một phần tiền từ số tiền cầm xe, Tân và Trí chia nhau tiêu xài hết.
Lại nói về bị hại trong vụ án. Chiếc xe Exciter mà bị hại cho Trí mượn vốn là do mẹ anh này đứng tên mua với giá 47 triệu đồng. Tiền mua xe bà phải trả góp đến mấy năm mới hết. Bà kể, con cho bạn mượn xe, rồi bạn không trả.
Con trai bà sợ không dám về, bỏ nhà đi cả nửa tháng trời, theo chân đám bạn kia tìm tung tích chiếc xe. Nhưng người không gặp, xe cũng không thấy. Sau nửa năm loay hoay tìm chiếc xe bị “mất”, mẹ của bị hại đã gửi đơn trình báo lên công an. Qua quá trình điều tra, Tân và Trí đã khai nhận toàn bộ hành vi.
Buổi sáng xét xử, mẹ bị hại đến tòa từ rất sớm. Bà bảo con trai bà đang đi cai nghiện ở Đà Nẵng, nên hôm nay không thể đến dự khán. Người phụ nữ chia sẻ, con trai bà “rất hiền lành, chịu thương chịu khó làm ăn”. Vì tin bạn mới dễ dàng cho mượn xe. Nhà chẳng dư dả gì, chiếc xe lại có giá trị lớn, bà phải trả góp gần 70 triệu mới “tậu” được chiếc xe, nên con trai bà rất hoảng khi bị bạn “mượn thẳng”.
“Hắn theo bạn đi tìm xe, không ngờ chỉ hơn chục ngày mà vướng vô ma túy. Tui vừa tiếc của, vừa đau lòng vì con sa chân vô đường nghiện ngập, tưởng chết đi sống lại được. Nhưng mà đời con mình, mình không cứu lấy nó thì ai cứu”, bà trải lòng.
Đứa con trai vốn hiền lành nên khi sa vào ma túy, người làm mẹ như bà tinh ý mà nhận thấy ngay. Bà một mặt khuyên con đi cai nghiện, bảo chỉ mới vướng vào sơ sơ, “cái chết trắng” nó còn chưa kịp đi sâu vào trong máu, cơ hội làm lại cuộc đời vẫn kịp. Mặt khác bà lên gặp chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ can thiệp. Cũng may con bà vẫn chưa “ngã” sâu vào ma túy, vẫn còn phân rõ trắng đen mà nghe lời bà đi cai nghiện.
Rồi bà kể về những ngày gian nan thay con đi đòi lại chiếc xe. Bà phải thuê xe ôm, vượt mấy chục cây số lên nhà bị cáo Tân. Nhưng làm như thể biết trước bà đến nhà, Tân lúc nào cũng trốn biệt. Nhà Tân có đến 9 anh chị em. Bà nhìn căn nhà nhỏ, lụp xụp, rách nát của gia đình Tân mà rối cả ruột. Nhà lúc nào cũng trống hươ trống hoác, chỉ có bố Tân đau ốm nằm ở nhà, “làm bạn” với cả chục con chó quấn quýt một bên.
Ông chỉ biết thở dài mà nói với bà: “Tui cũng bó tay hết cách với nó rồi. Thôi thì chị muốn làm sao thì làm, báo công an cũng được”. Bà cũng hết cách. “Hàng xóm thấy tui cứ dăm bữa nửa tháng lại thuê xe ôm lên tìm thằng Tân, nên bảo tui viết cái đơn báo lên công an là tìm ra ngay. Không ngờ lại tìm được. Số tui vẫn còn hên”, bà nở nụ cười hiếm hoi.
Bữa nhậu “đổi” 21 tháng tù
Bà còn chưa kịp kể hết chuyện thì phiên tòa bắt đầu. Cả hai bị cáo được dẫn giải đến trước vành móng ngựa. Mẹ bị cáo Trí nước mắt giọt ngắn giọt dài, bù lu bù loa khóc lóc. Bị cáo Tân đưa mắt quét qua một lượt khán phòng, không thấy người thân nào đến, ánh mắt nhanh chóng cụp xuống.
Tòa hỏi bị cáo Trí: “Chiếc xe máy đó là ai mượn của bị hại?”. “Dạ bị cáo mượn”. “Vậy ai khởi xướng việc mang xe đi cầm?”. “Dạ bị cáo Tân”. “Xe là do mình mượn, người khác xúi đem đi cầm, mà bị cáo cũng nghe theo. Chưa kể bị cáo còn nghe lời xúi giục của một người nhỏ tuổi hơn cả mình”. Bị cáo Trí phân bua, do Tân nói để Tân lấy xe đó đi cầm. Sau này có chuyện gì, Tân sẽ “chịu hoàn toàn trách nhiệm”, nên bị cáo mới nghe theo.
Tòa hỏi tiếp: “Bị cáo đi tù lần nào chưa?”. Trí run run giọng cho biết, mình chưa lần nào đi tù. HĐXX nhắc nhở, tuy bị cáo trước đây chưa lần nào phải ra đứng trước vành móng ngựa, nhưng đã từng bị xử phạt hành hành chính đến hai lần. Một lần do sử dụng trái phép chất ma túy, lần khác là vì trộm cắp tài sản. “Tiền cầm xe, bị cáo có sử dụng vào ma túy không?”.
Bị cáo Trí vội vàng khẳng định, chỉ dùng để ăn nhậu, chứ không sử dụng ma túy. “Trước đây bị cáo có theo bạn, sử dụng một lần, không ngờ lại bị phạt. Từ đó sợ, không dùng nữa, thỉnh thoảng mới có sử dụng bồ đà”.
“Bị cáo chơi với bị cáo Tân, có biết Tân từng đi tù không?”. “Dạ không”. “Người ta bảo “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Bị cáo suốt ngày theo chân bị cáo Tân, ăn nhậu, lêu lổng. Chơi với bạn xấu, bản thân sẽ hư hỏng, có ngày hôm nay là phải rồi. Sau này bị cáo phải biết sống chừng mực, lo lao động, làm ăn, đừng để có lần thứ hai, thứ ba đứng ở đây, biết không”.
Cha bị cáo Trí dáng dấp quê mùa, quần áo nhàu nhĩ. Mới hơn 40 tuổi, mà tóc trên đầu ông đã bạc trắng, mặt chi chít nếp nhăn. Ông làm nghề chạy xe ôm. Những cuốc xe nhọc nhằn chỉ đủ sức nuôi ba đứa con đủ cái ăn cái mặc. Trí là con đầu, thấy nhà nghèo nên sớm bỏ học, đi làm bốc vác ở chợ. Đứa con thứ hai cũng không thoát khỏi cái khó mà rời trường, đi rửa chén bát thuê khi còn chưa cầm được tấm bằng cấp 2.
Vợ chồng ông đều không biết chữ, nên muốn con cái học hành, có chữ có nghĩa để cuộc đời bớt cơ cực như cha mẹ. Nhưng rồi, cũng vì không có chữ nghĩa, nên vợ chồng ông quanh năm làm thuê làm mướn, “tay làm hàm nhai”. Con cái thấy cha mẹ khổ, cũng bỏ ngang học hành mà ra đời kiếm sống. Thành ra cái nghèo cứ thế mà truyền từ đời cha sang đời con.
Sáng nay, vì muốn lên tòa gặp con, nên hai vợ chồng ông bỏ hết công việc đến đây dự khán. Ông bỏ những cuốc xe nhọc nhằn, vợ ông xin nghỉ làm thuê ở chợ. Vị chủ tọa hỏi: “Con ông từng sử dụng ma túy, ông có biết không?”. “Dạ tui không biết”, người cha ngơ ngác. “Vậy ai là người đi đóng phạt cho bị cáo”. “Dạ vợ tui. Nhưng bà ấy giấu nên tui không biết”.
Vợ ông òa khóc. Bà phân bua, bảo người ta đưa giấy về kêu lên phường đóng phạt, vì con trai vi phạm hành chính. Người ta kêu đóng thì bà đóng thôi, chứ bà có biết chữ đâu mà biết ở trong giấy ghi cái gì. Bà có ngờ đâu con trai mình lại sử dụng cái thứ chết chóc ấy. Nói đoạn, bà lại khóc. Rồi như thể sợ làm ồn đến phiên tòa, bà xách giỏ lặng lẽ bước ra ngoài hành lang vắng. Có người chạy theo bà, an ủi: “Nín đi. Dạy con thì dạy ở nhà, chứ để ra đến đây rồi thì khóc lóc còn ích chi”. Nghe vậy, bà còn khóc to hơn.
Tòa hỏi bị cáo Tân: “Bị cáo đứng ở đây mấy lần rồi?”. Tân gãi gãi đầu, bảo lần thứ 3. Lần thứ nhất, Tân bị phạt 9 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Lần thứ 2 bị phạt 12 tháng tù về tội lừa đảo tài sản. Lần thứ 3 này, Tân ra tòa vì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cả ba lần ra tòa, tuy tội danh khác nhau, nhưng lần nào cũng là do bị cáo chiếm đoạt tài sản của người khác để tiêu xài.
“Bị cáo có nghề nghiệp không?”. “Dạ bị cáo làm nghề cắt tóc”. “Bị cáo thanh niên trai tráng, khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật gì, sao không lo làm ăn, suốt ngày chỉ biết rong chơi, lấy tài sản của người khác tiêu xài? Có phải lấy tiền người khác tiêu xài, mà không phải tiền do mình đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra, thì xài sướng tay lắm phải không? Rồi giờ ra đứng đây, bị cáo có thấy sướng không?”. Bị cáo cúi đầu im lặng.
Do bị cáo Tân là người khởi xướng, lại có nhân thân xấu, nên tòa tuyên phạt Tân 1 năm tù. Tổng hợp cả 3 mức án là 2 năm 9 tháng tù. Bị cáo Trí bị xử 9 tháng tù. Nhìn con trai bị dẫn giải ra xe, cha bị cáo Trí mặt buồn thiu.
Ông bảo nuôi con cực khổ, mà dạy con cũng truân chuyên lắm. Con lớn lên, như chim đủ lông đủ cánh bay xa, không nằm trong vòng bảo bọc của cha mẹ nữa. Mà cha mẹ nói không nghe, chỉ nghe theo bạn theo bè, nên mới ra nông nỗi. Nói đoạn, ông lại dõi ánh mắt buồn thiu theo bóng chiếc xe tù đã khuất sau cánh cổng tòa án.