Tại sao bị cướp mà không la lên?
Theo hồ sơ, bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1954, ngụ phường Đạo Long) là chủ DN vàng tư nhân Hiền Lực tại đường Thống Nhất. Bà Hiền giao bà Đặng Thị Nga (SN 1968, em họ phía chồng), quản lý.
Trong số người giúp việc có ông Tuấn gọi bà Hiền là dì ruột. Ông Tuấn được giao vận chuyển tiền, vàng ra bến xe để gửi vào TP HCM trao đổi mua bán.
Theo cáo buộc, khoảng 19h ngày 13/1/2014, ông Tuấn được bà Nga giao 62.000 USD, hơn 18 lượng vàng 24K, gần 29 lượng vàng 18K và 55 triệu đồng. Tổng số tiền, vàng là hơn 2,6 tỷ.
Việc giao nhận không có biên bản mà chỉ ghi nhận qua camera tại tiệm và số tiền vàng trên được kê khai trong sổ theo dõi hằng ngày. Nhận vàng, tiền, ông Tuấn gói cho vào túi xách có quai đeo.
Khoảng 19h50, ông Tuấn quàng túi xách vào gương chiếu hậu bên trái, phần giỏ xách đặt trên baga giữa xe máy. Ông Tuấn đi được khoảng 732m, đến số nhà 88 đường Nguyễn Thị Định (phường Kinh Dinh) thì bị một người đi xe máy cùng chiều tác động một lực vào đuôi xe bên trái làm xe ông Tuấn ngã xuống đường.
Thời điểm ông Tuấn bị ngã xe, có bà Trần Thị Mười (chủ nhà 88 Nguyễn Thị Định) đang ngồi chơi nên cùng cháu là Lưu Minh Châu chạy ra đỡ dậy. Thấy ông Tuấn tỉnh táo, bà Mười và anh Châu hỏi có bị thương hay không? Một số người hỏi sao té thì ông Tuấn nói “bị cướp”. Hỏi tại sao bị cướp mà không la lên để người ta bắt cho. Ông Tuấn trả lời: “Quýnh quá không la được”.
Ông Tuấn qua nhà một người quen bên kia đường nhưng thấy đóng cửa nên quay lại sân nhà bà Mười, gọi điện báo bà chủ biết sự việc. Thời gian từ lúc ông Tuấn rời tiệm vàng đến khi gọi bà chủ khoảng 10 phút.
Công an vào cuộc, khởi tố ông Tuấn tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo CQĐT, ông Tuấn luôn quanh co, thay đổi lời khai, cho rằng không chiếm đoạt tài sản.
6 năm điều tra xét xử
Kết luận điều tra cho rằng, nhằm chiếm đoạt tài, ông Tuấn nói dối bị cướp và bị mất tài sản để che giấu hành vi. Lời khai của ông Tuấn là gian dối, không đúng sự thật khách quan, tạo dựng hiện trường giả nhằm che đậy hành vi phạm tội.
Tại phiên sơ thẩm lần 1 ngày 27/1/2015, ông Tuấn bị TAND Ninh Thuận tuyên phạt 14 năm tù, bồi thường 2,6 tỷ cho bà Nga. Theo tòa, lời khai nhân chứng xác nhận có thấy hai xe đi song song, sau đó một xe ngã. Sau khi ông Tuấn ngã, hai người không thấy ai lấy túi xách và cũng không có túi xách nào.
Nhân chứng khác là Phạm Lê Diễm Châu và Phạm Lê Diễm Hạnh khai có nghe tiếng ngã xe nên quay đầu nhìn thì thấy một người đàn ông chạy xe bằng hai tay, không mang theo túi xách. Việc ông Tuấn khai bị cướp là không có cơ sở.
Bản án sơ thẩm nhận định thông qua thực nghiệm điều tra thì không thể xảy ra tình huống bị người khác giật lấy túi xách mà ông Tuấn quàng vào gọng kính chiếu hậu xe máy.
Tòa sơ thẩm xác định túi xách bị mất từ khi rời tiệm vàng đến trước nhà 88, trước khi té ngã. Chính ông Tuấn là người chiếm đoạt túi nên chịu trách nhiệm hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài ra, CQĐT cho rằng từ thời điểm 19h - 19h54, ông Tuấn có gọi điện cho ông Khưu Mậu Hoàng có phát sinh cước. Tuy nhiên, khi đối chất thì cả hai không thừa nhận. Nhưng ông Tuấn khai trong thời gian nêu trên không gọi cho ai. Từ đó thể hiện ông Tuấn khai không trung thực.
Ông Tuấn kháng cáo kêu oan. Ngày 12/11/2015, TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên hủy án sơ thẩm điều tra lại.
Ngày 19/7/2016, TAND Ninh Thuận xử sơ thẩm lần 2, vẫn lập luận như phiên sơ thẩm lần 1, tuyên ông Tuấn 12 năm tù.
Ngày 16/1/2018, tòa cấp cao lại hủy án sơ thẩm lần 2, trả hồ sơ điều tra lại. Ngày 4/10/2018, TAND Ninh Thuận mở phiên xử lần 3, tuyên án 12 năm tù, bồi thường 2,6 tỷ.
Tư thế vị trí của bị cáo và xe máy khi bị ngã xe |
Còn nhiều vấn đề cần làm rõ
Hai bản án ở cấp phúc thẩm cho rằng nhận định của cấp sơ thẩm nêu trên để buộc tội ông Tuấn là “suy đoán chủ quan, chưa đủ căn cứ”.
Tòa phúc thẩm cho rằng muốn quy kết bị cáo chiếm đoạt tài sản như nêu trên thì phải thu thập được chứng cứ chiếm đoạt từ lúc nào? Đã đem tài sản đi đâu? Tiêu thụ vào việc gì? Cấp sơ thẩm cáo buộc việc ngã xe là nhằm tạo dựng hiện trường giả nhưng chưa điều tra làm rõ bị cáo đã tạo dựng hiện trường giả ra sao. Về lời khai của người làm chứng, cấp phúc thẩm cho rằng có một số nội dung chưa phù hợp.
Về thời gian diễn ra vụ án, hồ sơ cho thấy từ khi rời tiệm vàng đến lúc ông Tuấn gọi điện báo mất vàng là khoảng 10 phút. Thực nghiệm điều tra xác định khoảng cách 732m (từ tiệm vàng đến nhà 88), đi bằng xe máy với tốc độ 40km/h thì mất 2 phút 26 giây. Vậy thời gian còn lại để diễn ra các việc té ngã, bị cáo dậy, lấy bìa hồ sơ, đi sang nhà người quen bên kia đường rồi quay lại nhà bà Mười và gọi điện báo cho bà chủ là bao nhiêu? Nếu bị cáo chiếm đoạt túi xách thì thời gian chiếm đoạt, giấu, tiêu thụ hoặc đưa cho đồng phạm là bao lâu, để rồi tiếp tục hành trình và tạo hiện trường giả là vụ ngã xe?
Theo hồ sơ, ngay sau khi vụ việc túi xách bị mất, CQĐT đã khám xét nhà bị cáo, kiểm tra tài khoản ngân hàng, đất đai, tài sản và tất cả mối quan hệ làm ăn, người thân nhưng không phát hiện tài sản bị mất.
Dự kiến, hôm nay, ngày 21/7, TAND Cấp cao tại TP HCM sẽ mở phiên xử phúc thẩm lần 3.