Vụ án Phước Kiển: Không có căn cứ pháp luật quy kết trách nhiệm của Quốc Cường Gia Lai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một số thông tin trên phương tiện truyền thông cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã có kết luận điều tra bổ sung vụ án Công ty Tân Thuận chuyển nhượng 32ha đất cho Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCGL) và cho rằng cơ quan chức năng “xem xét xử lý trách nhiệm của đại diện Công ty QCGL”. Thông tin này khiến cho dư luận nổi sóng vì việc mua bất động sản cũng có nguy cơ trở thành người có tội.

Như thông tin trên báo chí phản ánh mấy ngày qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã có kết luận điều tra bổ sung lần thứ hai về vụ án vi phạm quy định quản lý tài sản gây thất thoát, lãng phí liên quan đến trách nhiệm của ông Tất Thành Cang, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh và ông Trần Công Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Tân Thuận và một số bị can khác.

Vụ án xuất phát từ việc, năm 2017, Công ty Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 32ha đất nông nghiệp đã đền bù kiểu “da báo” của dự án khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Ngày 16/5/2017 và ngày 1/6/2017, Văn phòng Thành ủy ban hành thông báo, truyền đạt ý kiến của ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng phần diện tích 32ha đất nông nghiệp mà công ty Tân Thuận đã đền bù của người dân tại dự án Phước Kiển và chấp thuận phương án giá chuyển nhượng theo đề xuất của Công ty Tân Thuận trình, nhưng phải đảm bảo giá trị ngang giá thị trường và đúng quy định pháp luật.

Theo đó, để có căn cứ ký hợp đồng chuyển nhượng, Công ty Tân Thuận đã thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá đất để xác định giá đất dự án làm cơ sở chuyển nhượng. Công ty Kiểm toán và dịch vụ tin học TP Hồ Chí Minh là đơn vị tư vấn đã có chứng thư thẩm định giá, với đánh giá giá đất bình quân dự án là 1.050.000 đồng/m2.

Công ty Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích 32ha đất nêu trên cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1.290.000 đồng/m2 nhưng sau đó điều chỉnh đơn giá lên 1.768.000 đồng/m2.

Tuy nhiên tại thời điểm đó, trước ý kiến của dư luận, vốn được nhân bản bởi các thông tin giống nhau trên mạng Internet có nội dung cho rằng, Công ty Tân Thuận bán 32ha cho QCGL với “giá bèo”, Công ty QCGL đã chủ động yêu cầu hủy hợp đồng đã ký.

Hai bên trả cho nhau những gì đã nhận, Công ty QCGL trả lại lại đất cho Công ty tân Thuận và Công ty Tân Thuận trả lại tiền đã nhận và tiền lãi cho Công ty QCGL đối với thời gian 11 tháng nhận và sử dụng tiền của QCGL (từ tháng 6/2017 đến tháng 5/2018).

Đại diện Công ty QCGL khẳng định, tại thời điểm đó, do dư luận suy diễn cho là Công ty Tân Thuận bán cho QCGL giá thấp hơn giá thị trường nên Công ty đã chủ động đề nghị hủy hợp đồng.

Ngày 5/5/2018, Công ty Tân Thuận và QCGL đã có biên bản thỏa thuận hủy Hợp đồng chuyển nhượng 32ha và các phụ lục hợp đồng. Theo đó, hai bên thống nhất, Công ty Tân Thuận hoàn trả cho QCGL 374 tỷ đồng tiền chuyển nhượng và hơn 23 tỷ đồng thuế VAT. Ngoài ra, Công ty Tân Thuận thanh toán cho QCGL số tiền chiếm dụng vốn trong thời gian thực hiện hợp đồng với mức lãi suất là 6,9%/năm. Tổng số tiền lãi mà Công ty Tân Thuận phải trả cho QCGL là 21,2 tỷ đồng.

Theo ước tính của Công ty QCGL thì với mức lãi suất này, Công ty đã thiệt hại khoảng 13,5 tỷ đồng, vì số tiền thanh toán cho Tân Thuận, Công ty đã phải vay lãi suất 11%/năm nên thời gian hơn 11 tháng thực hiện hợp đồng, chênh lệch lãi suất đã gây thiệt hại cho QCGL.

Về nghi vấn "thông đồng", trong kết luận điều tra bổ sung lần 1, Cơ quan điều tra đã xác định, theo tài liệu chứng cứ trong vụ án đến nay chưa có cơ sở xác định bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc QCGL có sự thông đồng, cấu kết với các cá nhân trong Công ty Tân Thuận để có lợi trong việc ký kết các hợp đồng chuyển nhượng nên không có cơ sở xem xét trách nhiệm.

Tuy nhiên, mới đây báo chí phản ánh về việc Cơ quan điều tra đề nghị truy thu số tiền 21,2 tỷ đồng của QCGL và đề nghị xem xét trách nhiệm của Tổng giám đốc QCGL khiến cho dư luận trong và ngoài công ty, các đối tác, các ngân hàng giao dịch cổ đông không khỏi quan ngại tư tưởng và quan điểm hình sự hóa quan hệ kinh tế trong vụ án này./.

Để làm rõ cơ sở pháp lý của vấn đề này, Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội:

Thưa Luật sư Trần Văn Toàn, cá nhân ông đọc những thông tin về việc Cơ quan điều tra “truy thu” số tiền 21,2 tỷ đồng lãi vay, liên quan đến thỏa thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty Tân Thuận và QCGL, ông có nhận xét gì?

Tôi chưa được đọc kết luận điều tra bổ sung của cơ quan điều tra về vấn đề này và chưa biết rõ đề xuất của cơ quan điều tra cụ thể như thế nào nên việc nhận xét, đánh giá về việc này sẽ là không khác quan.

Tuy nhiên, tôi muốn nói đến vấn đề có tính nguyên tắc mà Hiến pháp và pháp luật quy định, làm cơ sở cho việc giải quyết các tình huống pháp lý cụ thể của cơ quan bảo vệ pháp luật khi xử lý các vụ án hình sự.

Theo đó, Bộ luật tố tụng hình sự quy định thẩm quyền của cơ quan điều tra trong việc thu thập, quản lý vật chứng của vụ án. Không có quy định nào của Bộ luật tố tụng cho phép cơ quan điều tra “truy thu” số tiền lãi phát sinh từ giao dịch dân sự, kinh tế giữa hai pháp nhân nên thông tin về việc cơ quan điều tra truy thu số tiền lãi mà Công ty Tân Thuận trả cho Công ty QCGL, tôi cho là không chính xác.

Trong vụ án này, Viện Kiểm sát trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của Tổng giám đốc QCGL trong việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty Tân Thuận, ông nhận xét như thế nào về yêu cầu này của VKS?

Thực tiễn có nhiều vụ việc chuyển nhượng tài sản nhà nước có phát sinh tiêu cực và có liên quan đến cả bên mua, như vụ án AVG xảy ra tại Tổng Công ty Mobifone; hoặc mua sắm tài sản bằng vốn ngân sách có tiêu cực liên quan đến bên bán như vụ án mua bộ kit xét nghiệm xảy ra tại Công ty Việt Á.

Luật sư Trần Văn Toàn

Luật sư Trần Văn Toàn

Trong các vụ án này bên mua (hoặc bên bán) có thông đồng với đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quản lý tài sản Nhà nước để trục lợi và có xảy ra các hành vi phạm tội đưa hối lộ. Do đó, việc điều tra cần làm rõ có hay không hành vi trên cũng là cần thiết, nên việc VKS trả hồ sơ cũng có căn cứ để làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ án.

Đối với vụ án xảy ra tại Công ty Tân Thuận, theo tôi được biết, trong vụ án này thì kết luận điều tra bổ sung lần 1, CQĐT cũng xác định không có cơ sở xác định Tổng giám đốc Công ty QCGL có sự thông đồng, cấu kết với các cá nhân trong Công ty Tân Thuận để có lợi trong việc ký kết các hợp đồng chuyển nhượng nên không có cơ sở xem xét trách nhiệm.

Như vậy, vấn đề này đã được giải quyết và cơ quan điều tra đã kết luận rõ ràng rồi.

Có ý kiến cho rằng, phải thu số tiền lãi 21,2 tỷ đồng và phải xử lý trách nhiệm đối với Tổng Giám đốc Công ty QCGL ngay cả khi không có hối lộ, không có thông đồng với Công ty Tân Thuận. Quan điểm của Luật sư về vấn đề này như thế nào?

Mặc dù việc nêu ý kiến như trên chỉ là việc bày tỏ quan điểm nhưng tôi cho rằng, những người nêu quan điểm như trên rõ ràng là muốn hình sự hóa một quan hệ kinh tế, dân sự. Điều này là vi phạm pháp luật và chính sách của Đảng, Nhà nước.

Để xem xét trách nhiệm cá nhân và thu giữ tài sản của cá nhân, tổ chức thì phải căn cứ quy định của pháp luật, đó là nguyên tắc bắt buộc đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, và thi hành pháp luật; không thể căn cứ vào quan điểm hay sự yêu, ghét.

Nếu không có căn cứ xác định Công ty Quốc Cường Gia Lai thông đồng với lãnh đạo Công ty Tân Thuận, nghĩa là Công ty QCGL không có vi phạm pháp luật nên không có bất cứ lý do hay căn cứ nào làm khó dễ doanh nghiệp này.

Về mặt đạo lý, giá bán do bên bán quyết định chứ không phải do bên mua. Do đó, việc bán rẻ tài sản (nếu có) thì người bán chịu trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi cho người mua được. Về mặt pháp lý cũng vậy, bên có tài sản quyết định giá bán và họ chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình, không thể chuyển trách nhiệm đó sang bên mua. Người ta không thể bị coi là có tội chỉ vì mua tài sản, có thể là giá thấp hoặc giá rẻ.

Về phương diện tài chính, kinh tế thì Công ty Tân Thuận nhận tiền của của QCGL và sử dụng số tiền đó để thu lợi trong một thời gian (11 tháng) nên khi hoàn trả cho Công ty QCGL theo thỏa thuận hủy hợp đồng thì Công ty Tân Thuận phải trả cho QCGL khoản tiền lãi bằng với lãi suất tiết kiệm (6,9%/năm) là phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với khoản tiền lãi 21,2 tỷ đồng, theo tôi đây là khoản tiền mà Công ty QCGL sở hữu hợp pháp từ giao dịch kinh tế, dân sự với Công ty Tân Thuận. Giao dịch này được pháp luật công nhận. Ngay cả việc xem xét trách nhiệm của lãnh đạo Công ty Tân Thuận liên quan đến quản lý tài sản Nhà nước thì cũng không có cơ sở pháp lý để thu giữ, thu hồi số tiền này của Công ty QCGL vì đó là tài sản hợp pháp của Công ty QCGL.

Quan điểm cho rằng, lãnh đạo Công ty Tân Thuận sai phạm trong quản lý tài sản nhà nước thì các tổ chức, cá nhân có giao dịch với Công ty Tân Thuận cũng phải chịu trách nhiệm và các giao dịch dân sự liên quan, là một quan điểm sai lầm và không có căn cứ pháp luật.

Xin trân trọng cảm ơn Luật sư./.

Đọc thêm