Trả lời câu hỏi của báo giới về việc xem xét, xử lý đối với Asanzo cũng như vấn đề hàng giả gắn “made in Việt Nam”, ông Đàm Thanh Thế khẳng định, Ban chỉ đạo 389 đã giao các lực lượng chức năng liên quan xem xét vụ việc này. Các cơ quan đang trong quá trình tập trung làm rõ hành vi đúng sai của Asanzo. “Kết quả sẽ được thông báo cho các cơ quan báo chí trên tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, khách quan, toàn diện. Nếu Asanzo có hành vi vi phạm phải xử lý nghiêm bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng như lợi ích người tiêu dùng”, ông Thế cho biết.
|
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia khẳng định, nếu Asanzo có hành vi vi phạm phải xử lý nghiêm bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng như lợi ích người tiêu dùng |
Về vấn đề hàng giả, hàng dán nhãn mác Việt Nam, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã có văn bản yêu cầu cơ quan thường trực 63 tỉnh thành tập trung rà soát đánh giá, báo cáo Ban chỉ đạo 389 quốc gia. Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành kế hoạch đấu tranh tăng cường chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn mác xuất xứ Việt Nam. Kế hoạch này do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng ban 389 ban hành.
Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi được báo chí đưa ra xung quanh vấn đề về buôn lậu, gian lận thương mại, việc đấu tranh với tội phạm ma túy, buôn bán xăng dầu trái phép, về kiện toàn bộ máy lực lượng quản lý thị trường…
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389, 6 tháng đầu năm 2019, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động.
Đặc biệt, nổi lên tình trạng buôn bán ma túy; buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua các tuyến biên giới. Nhiều vụ việc đối tượng liều lĩnh chống trả lực lượng thi hành công vụ như trường hợp thiếu tá Vi Văn Nhất, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa hy sinh khi đang truy bắt tội phạm ma túy.
Trên các tuyến đường biển, cảng biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng xăng, dầu than pháo nổ, thuốc lá điếu vẫn diễn ra phức tạp. Trong thị trường nội địa, tình trạng buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng. Hoạt động buôn bán hàng hóa qua mạng diễn ra phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả…
|
Toàn cảnh buổi họp báo |
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm tình hình cả bề rộng lẫn chiều sâu, trên cơ sở đó dự báo sát tình hình, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nâng cao công tác điều hành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách, điều chuyển, đề xuất điều chuyển thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Chỉ đạo kiểm tra các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả đã phát hiện, bắt giữ. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền những bài học kinh nghiệm hay của lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; lan tỏa gương người tốt việc tốt, cùng chung tay các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này.
Các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng phải tập trung phân tích tình hình và những vấn đề nổi lên trong thời gian qua, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, thực chất và bài bản.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, đồng thời tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của các Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chủ động nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan liên ngành thành lập các tổ công tác để thu thập thông tin về các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ. Báo cáo đề xuất lãnh đạo ban chỉ đạo xử lý nghiêm.
Thường xuyên nghiên cứu, trao đổi với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng chức năng trong và ngoài nước để đề xuất giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chủ động nắm tình hình, phối hợp với các lực lượng chức năng để tổng hợp vướng mắc thực hiện các quy định về lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để kiến nghị sửa đổi bổ sung kịp thời.