Vụ C2 và Rồng đỏ nhiễm chì: Lẽ nào chỉ phạt hành chính rồi thôi?

(PLO) -Lần đầu tiên một doanh nghiệp bị phạt đến gần sáu tỉ đồng vì vi phạm các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Thanh tra Y tế Bộ Y tế đã khẳng định như vậy. Thế nhưng dư luận không hài lòng vì cho rằng mức phạt như vậy là còn quá nhẹ so với lượng hàng đã bán và nguy cơ sức khỏe người tiêu dùng.
Nước uống Rồng Đỏ được bán tại siêu thị ở quận Phú Nhuận, TP.HCM (Hình: báo Tuổi trẻ TP.HCM)
Nước uống Rồng Đỏ được bán tại siêu thị ở quận Phú Nhuận, TP.HCM (Hình: báo Tuổi trẻ TP.HCM)

Vấn đề cụ thể ở đây là Thanh tra Y tế đã chưa làm hết chức năng, chưa công bố kết luận những lô hàng cụ thể khác đã bị tố cáo là bị nhiễm độc chì,chưa yêu cầu doanh nghiệp giải trình nguyên nhân và hướng khắc phục. Điều này dẫn đến hệ quả là có thể bỏ sót vi phạm của URC và buông lỏng cho một lượng lớn hàng triệu sản phẩm nghi bị ngộ độc chì tiếp tục lưu hành ngoài thị trường. 

Đặc biệt là trên mạng xã hội còn có thông tin tố cáo là URC chi tiền cho một số cá nhân và tổ chức để thông tin che lấp sự thật sai phạm với số tiền hàng tỉ đồng. Đến nay cơ quan chức năng chỉ mới truy tìm về nguồn gốc, danh tính người tố cáo mà chưa xác minh về nội dung tố cáo. 

Điều này càng làm dư luận băn khoăn về tính nghiêm minh, khách quan và sự trong sạch minh bạch của giới truyền thông. Vì sức khỏe người dân, vì sự minh bạch thông tin, không thể chỉ dừng lại ở mức phạt 5,8 tỉ đồng. Không chỉ Bộ Y tế mà Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông cần xắn tay vào cuộc làm rõ trắng đen.

Thông tin, quan điểm “chỏi” nhau

Điều đáng ghi nhận là vụ việc này do người dân phát hiện và tố cáo với cơ quan chức năng, đồng thời đưa thông tin lên mạng xã hội dư luận với những bằng chứng rất rõ.

Đó là kết quả test của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (NIFC) các lô hàng C2 sản xuất ngày 4/2/2016 và nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ (sản phẩm của CTTNHH URC Hà Nội, thuộc lô sản xuất ngày 19/2/2016) đều có hàm lượng chì cao hơn gần gấp đôi cho phép. 

Từ thông tin này, ngày 10/05/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo thanh tra công ty URC. Trong quá trình thanh tra, trên mạng xã hội và giới truyền thông xuất hiện nhiều thông tin, quan điểm khác nhau.

Đoàn Thanh tra lấy mẫu sản phẩm đưa đi kiểm nghiệm tại NIFC cho thấy có ba mẫu sản phẩm có hàm lượng chì cao vượt mức đăng ký của doanh nghiệp. URC đã phản ứng bằng cách đưa mẫu sản phẩm đến các trung tâm kiểm nghiệm khác, cho thấy kết quả sản phẩm đạt chất lượng đăng ký, hàm lượng chì trong định mức cho phép. 

Thông tin về sự kiện khá sôi nổi, có báo nêu nguy cơ về sức khỏe người dùng sản phẩm nhiễm chì, có báo đưa thông tin phản hồi của URC và bàn luận về sự khác biệt giữa các kết quả xét nghiệm…

Một số chai nước C2 được thu hồi tại Công ty TNHH URC Hà Nội chiều 31/5 (Hình: báo Tuổi trẻ TP.HCM)
Một số chai nước C2 được thu hồi tại Công ty TNHH URC Hà Nội chiều 31/5 (Hình: báo Tuổi trẻ TP.HCM)


  Trên mạng xã hội Facebook, một người lấy tên là Ngoc Nga Tran lại đưa ra nhiều thông tin tố cáo URC dùng tiền mua chuộc truyền thông với danh sách cơ quan, con người và số tiền cụ thể lên đến hàng tỉ đồng. Trang này còn đưa ra nghi vấn là URC đã mua chuộc đoàn Thanh tra Y tế để lấy mẫu sản phẩm ngẫu nghiên đưa đi kiểm định, tránh không lấy đúng mẫu hai lô hàng đã bị phát hiện là có hàm lượng chì cao. 

Sau khi có kết quả thanh tra, phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, Trưởng đoàn thanh tra Công ty TNHH URC, ông Nguyễn Văn Nhiên, đã quyết định xử phạt hành chính 5,8 tỉ đồng với URC.

Theo quyết định này, các vi phạm chính của URC Hà Nội là sản xuất hai lô trà xanh hương chanh C2 (sản xuất ngày 4/2/2016, hạn sử dụng 4/2/2017) và lô nước tăng lực Rồng đỏ hương dâu (sản xuất ngày 10/11/2015, hạn sử dụng 10/8/2016) có hàm lượng chì cao quá mức công bố. 

Đoàn Thanh tra cũng đã yêu cầu phải thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm của ba lô hàng này. Nhưng do công ty đã bán phần lớn lô sản phẩm này với tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 3,9 tỉ, lượng hàng thu hồi được rất ít.

Đoàn thanh tra cũng cho biết một số kho bảo quản sản phẩm của công ty này không đảm bảo kín để phòng chống động vật gây hại; một số khu vực bảo quản hàng chờ hủy, hàng hư hỏng do vận chuyển tại kho không được bố trí cách biệt với khu vực thành phẩm. Đoàn thanh tra yêu cầu công ty khắc phục tình trạng vi phạm tại các kho bảo quản, báo cáo về Bộ Y tế trước 10/6.

Nhiều thắc mắc chưa được làm rõ

Đây là lần đầu tiên Thanh tra Y tế mạnh tay xử phạt hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm lên đến số tiền hàng tỉ đồng.

Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa hài lòng về kết quả thanh tra xử lý này. An toàn vệ sinh thực phẩm trước hết và trên hết là nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng; nên mục đích cao nhất và cuối cùng của việc thanh tra xử phạt không phải là tiền nhiều hay tiền ít, phạt nặng hay phạt nhẹ, mà phải nhằm ngăn ngừa rủi ro ngộ độc và bảo đảm an toàn cho người dân.

Trước hết là với những lô hàng nhiễm chì, chỉ có thể thu hồi được 1.164 thùng C2 (tương đương gần 28 nghìn chai). Ước tính số lượng C2 và Rồng đỏ nhiễm độc chì đã đi vào cơ thể người Việt Nam lên tới cả triệu chai. So với nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, thì số tiền hơn 5,8 tỉ là không đáng kể. 

Điều đáng nói hơn nữa là với hai lô hàng sản xuất ngày 4/2/2016 và ngày 19/2/2016 bị tố cáo là theo kết quả kiểm định của NIFC có hàm lượng chì cao gấp chín lần mức cho phép, thì Đoàn Thanh tra không có thông tin gì về việc thẩm định, kết luận xử lý.

Điều này tạo ra nguy cơ là có hàng triệu sản phẩm nghi vấn nhiễm chì vẫn đang được lưu hành ngoài thị trường, là nguy cơ rất lớn cho sức khỏe người dùng.

Hơn thế nữa, với thực trạng qua kiểm tra đột xuất ngẫu nhiên một số mẫu đã phát hiện có đến ba lô sản phẩm vi phạm an toàn, cho thấy quy trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào của URC có dấu hiệu không an toàn.

Lẽ ra Đoàn Thanh tra phải lấy mẫu nhiều hơn và phải yêu cầu doanh nghiệp giải trình về nguyên nhân giải pháp khắc phục tình trạng nhiễm chì; thông tin rộng rãi để người tiêu dùng theo dõi, cảnh giác.

Một khía cạnh khác trong vụ này. Facebook Ngoc Nga Tran cũng tố cáo với danh sách một số cơ quan truyền thoonh được URC đưa tiền hối lộ để “làm sạch” thông tin về sản phẩm nhiễm chì. Fb này cũng đưa ra những thư điện tử qua lại giữa đại diện URC và công ty truyền thông bàn bạc về việc chung chi này và cả những bài báo được cho là viết theo đặt hàng của URC.

Hầu hết những cơ quan truyền thông bị tố cáo nhận tiền đã lên tiếng bác bỏ lời tố cáo này, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý người vu cáo. Tuy nhiên đến nay cơ quan chức năng chỉ mới cho biết rằng Fb này không khai báo thông tin về nhân thân, và chừng như việc xác minh dừng lại ở đây. 

Để thể hiện sự minh bạch, cũng là nhằm bảo vệ uy tín, danh dự cho những người bị tố cáo (có thể tạm xem là bị vu cáo), các cơ quan chức năng cần xem xét, xác minh từ nhiều phía chứ không chỉ dừng lại về nguồn gốc mờ mịt của fb Ngoc Nga Tran. Điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay về thẩm quyền cũng như kỹ thuật của cơ quan chức năng. 

Với các cơ quan báo chí bị tố cáo, ngoài việc phản bác và yêu cầu cơ quan chức năng xác minh làm rõ, cũng cần nên cầu thị rà soát lại phương pháp quản lý nội dung, nhân sự, phương pháp tác nghiệp của phóng viên, để ngày càng hoàn thiện và giữ vững niềm tin với người đọc.

Đọc thêm