Vụ cán bộ công an tham ô hàng chục tỷ: Đề nghị hủy án

(PLO) - TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2015/HS-ST của TAND tỉnh Kiên Giang và đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao hủy bản án hình sư sơ thẩm này vì mức án nhẹ.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Theo hồ sơ vụ án, sau 7 năm công tác, ngày 28/8/1998, Phạm Văn Mạnh (SN 1972, ngụ phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, Kiên Giang) được bổ nhiệm giữ chức vụ Kế toán tổng hợp, Đội trưởng Đội tài vụ Phòng Hậu cần - Kỹ thuật Công an tỉnh Kiên Giang. Còn Trịnh Thị Ngọc Nhung (SN 1977, ngụ cùng phường Vĩnh Lạc) được phân công giữ chức vụ Thủ quỹ Phòng Hậu cần - Kỹ thuật từ ngày 6/8/2009. 
Hàng tháng, Mạnh có trách nhiệm in bảng báo cáo tổng hợp và phân tích quỹ lương của Công an các đơn vị, địa phương, giao kế toán lập bảng lương rồi trình lãnh đạo Phòng Hậu cần ký duyệt. Sau đó, Mạnh tiếp tục lập bảng tổng hợp hạch toán kế toán, xuất quỹ tiền mặt và hồ sơ quyết toán trình lãnh đạo ký duyệt. 
Mỗi quý, Đội tài vụ tổng hợp lương của Công an các đơn vị, địa phương trình Lãnh đạo Công an tỉnh ký báo cáo quyết toán gửi Cục Tài chính để phê duyệt quyết toán. 
Như vậy số tiền hàng năm được phân bổ cho Công an tỉnh Kiên Giang là do Công an tỉnh tự quản lý, điều hành, sử dụng và quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tháng 7/2009, trong khi thực hiện việc lấy số liệu trên máy vi tính để phục vụ cho dự toán kinh phí năm sau, Mạnh phát hiện phần mềm của bảng báo cáo tổng hợp và phân tích quỹ lương hàng tháng của Công an tỉnh Kiên Giang do Bộ Công an cài đặt có thể thay đổi trang cuối được bằng cách tạo ra mẫu mới để chỉnh sửa số liệu theo ý muốn và khó phát hiện sự chênh lệch giữa số liệu thực tế với số liệu thanh toán khống. 
Tuy nhiên, để thực hiện việc chiếm đoạt số tiền chênh lệch, cần có sự tiếp tay, giúp sức từ thủ quỹ đơn vị và Mạnh chủ động trực tiếp gặp Nhung đặt vấn đề, bàn bạc cách thức cùng nhau thực hiện. Được sự đồng ý của Nhung, đầu tháng 9/2009 Mạnh trực tiếp tạo ra 2 mẫu mới trên máy vi tính của Mạnh.
Vì tin tưởng Mạnh và tin tưởng hồ sơ quyết toán được in ra từ chương trình cài đặt của Bộ Công an không thể chỉnh sửa số liệu nên Lãnh đạo Phòng Hậu cần - Kỹ thuật ký duyệt mà không kiểm tra. Bằng thủ đoạn này, từ tháng 9/2009 đến tháng 11/2013, Mạnh đã chỉnh sửa, thay đổi bảng báo cáo tổng hợp quỹ lương của Công an tỉnh Kiên Giang trong thời gian 51 tháng để chiếm đoạt tổng cộng 13,465 tỷ đồng. 
Số tiền này, hàng tháng được Nhung rút ra cùng nhiều khoản kinh phí khác của Công an tỉnh tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Kiên Giang và đem về nhập vào quỹ đơn vị. 
Lúc đó, Mạnh mới báo cho Nhung biết số tiền cụ thể Mạnh làm khống, để sau khi tiến hành việc cấp phát lương bằng tiền mặt (không qua thẻ ATM) cho các đơn vị trong Khối An ninh, Tình báo, số tiền thanh toán khống sẽ được Nhung lấy ra chia cho Mạnh theo tỷ lệ mỗi người 50% như thỏa thuận. 
Sau khi vụ án bị phát hiện, Mạnh đã nộp lại 4,880 tỷ đồng, Nhung đã nộp 6,752 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. 
Trong phiên xử sơ thẩm, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên phạt Mạnh 17 năm tù, Nhung 15 năm tù về tội “Tham ô tài sản” và buộc các bị cáo hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Đối với Nguyễn Thành Tâm và Mai Hoàng Sơn, trong quá trình công tác do thiếu kiểm tra thường xuyên, tạo điều kiện cho Mạnh, Nhung tham ô số tiền đặc biệt lớn trong thời gian dài. Đây là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Cơ quan Cảnh sát điều tra và VKSND tỉnh Kiên Giang tiếp tục điều tra làm rõ, khi có kết quả sẽ xử lý sau. 
Qua kiểm tra bản án sơ thẩm, TAND Cấp cao tại TP HCM nhận thấy Mạnh và Nhung đã cấu kết chặt chẽ với nhau cố ý cùng thực hiện phạm tội. Trong đó, Mạnh vừa là người tổ chức vừa là người thực hành, là người chủ mưu trực tiếp xử lý việc chỉnh sửa số liệu, còn Nhung là người thực hành tích cực tiếp nhận ý chí của Mạnh, trực tiếp rút số tiền chênh lệch về chia nhau. 
Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng Điều 20 BLHS quy định về đồng phạm đối với Mạnh và Nhung là thiếu sót. Hành vi phạm tội của cả hai diễn ra liên tục, nhiều lần trong thời gian dài nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là thiếu sót... Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 47 BLHS xử phạt Mạnh 17 năm tù, Nhung 15 năm tù là nhẹ, chưa tương xứng với tính chất hành vi phạm tội và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà cả hai đã gây ra. 
Từ nhận định trên, Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM quyết định kháng nghị đối với bản án hình sự sơ Thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang và đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự sơ thẩm về phần hình phạt đối với Mạnh và Nhung; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật./.

Đọc thêm