Vụ Cty Thuận An: Bộ Công an kiến nghị kiểm soát chặt chẽ và công khai kết quả hoạt động kiểm toán

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công đã hoàn tất Kết luận điều tra, đề nghị truy tố 30 bị can trong vụ án xảy ra tại Cty Thuận An và các đơn vị liên quan. Ngoài ra, Bộ Công an còn kiến nghị việc kiểm soát chặt chẽ và công khai kết quả hoạt động kiểm toán.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo KLĐ, pháp luật về đầu tư xây dựng, đấu thầu có quy định các doanh nghiệp (DN) được xét chọn nhà thầu thi công xây dựng công trình phải có doanh thu, vốn chủ sở hữu đảm bảo tổng mức đầu tư dự án, giá trị gói thầu tham gia thực hiện. Để có năng lực tài chính phù hợp với các yêu cầu, quy định này các đối tượng tại một số DN đã móc nối với các đối tượng ở các Cty kiểm toán thực hiện việc làm giả, nâng khống số liệu về doanh thu, vốn chủ sở hữu...

Do đó, các cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư (CĐT) dự án đã lựa chọn DN làm CĐT, nhà thầu không đảm bảo điều kiện, năng lực dẫn đến dự án, công trình xây dựng không hoàn thành tiến độ, kéo dài, bán thầu, gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước, tổ chức.

Vụ án xảy ra tại Cty Thuận An và các đơn vị liên quan cho thấy việc “chạy thầu” (bản chất là tìm kiếm sự thỏa thuận, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu) là một thực trạng rất phổ biến. Để trúng thầu, đại đa số các DN phải có “quan hệ”, chấp nhận chi tiền “cơ chế” cho lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền, xem đấy là phần “tất yếu” của quá trình đấu thầu, thi công dự án.

“Vụ án cũng là điển hình cho việc các nhà thầu thi công ngay từ đầu đã sử dụng các mối quan hệ cấu kết, thông đồng, móc ngoặc với CĐT dự án để được tham gia đấu thầu thi công dự án, gói thầu. Từ đó, nhà thầu được chủ đầu tư tiết lộ, cung cấp thông tin, dự toán gói thầu; “cài thầu, gài thầu” trong hồ sơ mời thầu để đáp ứng năng lực theo yêu cầu, đề nghị của nhà thầu của loại bỏ các nhà thầu khác”, KLĐT nêu.

Nhiều CĐT chấm thầu, xem xét hồ sơ dự thầu trước khi nộp hồ sơ để nhà thầu chỉnh sửa, bổ sung đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, tài chính. Việc tổ chức chấm thầu, lựa chọn nhà thầu chỉ là hình thức. Từ đó, nhà thầu đương nhiên được trúng thầu, gây tình trạng bất bình đẳng, không công bằng cho nhà thầu khác có đủ năng lực nhưng không có quan hệ, muốn tham gia phải xin hoặc chi tiền ngoài cho nhà thầu đó.

Nhiều dự án, gói thầu, CĐT xây dựng dự toán đã sử dụng định mức, đơn giá nguyên vật liệu theo công bố của các bộ, ngành, địa phương; không áp dụng, điều chỉnh đơn giá thực tế theo thị trường của nguyên vật liệu khi tăng giá. Theo Bộ Công an, điều này dẫn đến dự toán được xây dựng thấp, phải điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến việc chậm trễ triển khai thi công, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ triển khai dự án, gây thiệt hại cho nhà nước, tổ chức.

Từ thực trạng trên, CQĐT Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và công khai kết quả hoạt động kiểm toán của các Cty kiểm toán xác nhận báo cáo tài chính, doanh thu, chi phí, vốn chủ sở hữu của DN dùng làm năng lực tài chính để được các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, công nhận làm CĐT dự án, nhà thầu thi công công trình; hạn chế bị các đối tượng lợi dụng can thiệp, tác động nâng khống năng lực thực tế để được lựa chọn làm CĐT, nhà thầu thi công…

Bộ Xây dựng cần nghiên cứu đánh giá, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật liên quan đến định mức, đơn giá trong xây dựng theo hướng giá dự toán các hạng mục công trình dự án phù hợp với chi phí thực tế theo giá thị trường để áp dụng linh hoạt, đảm bảo nguyên tắc các doanh nghiệp thực hiện thi công dự án có lợi nhuận trên cơ sở tiết kiệm tối đa, tránh việc gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, tổ chức liên quan.

Các bộ, ngành, UBND các địa phương và các cơ quan chức năng đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu, có biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa vi phạm pháp luật nhất là hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.

Như PLVN đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất Kết luận điều tra (KLĐT), đề nghị truy tố 30 bị can trong vụ án xảy ra tại Cty CP Tập đoàn Thuận An (Cty Thuận An) và các đơn vị, tổ chức liên quan. Ngoài ra, Bộ Công an còn đánh giá việc “chạy thầu” là một thực trạng rất phổ biến; kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật.

Ngoài các kiến nghị nêu trên, CQDDT đã làm rõ hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Duy Hưng (cựu Chủ tịch HĐQT Cty Thuận An) và các bị can, đối tượng liên quan trong vụ án ở các dự án, gói thầu, vụ việc tại 4 địa phương: Bắc Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây Dựng).

CQĐT xác định, trong vụ án này, bị can Nguyễn Duy Hưng có vai trò chủ mưu, cầm đầu, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 120 tỷ đồng tại 5 Dự án xây dựng, hưởng lợi bất chính hơn 98 tỷ đồng./.

Đọc thêm