Ngày 18/7/2018, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã tống đạt Kết luận điều tra (KLĐT) cho các bị can và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án “tổ chức đánh bạc” nghìn tỷ qua mạng internet, đến VKSND tỉnh Phú Thọ. Theo đó, 92 bị can bị đề nghị truy tố về 7 tội danh, gồm: Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Đưa hối hộ; Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông Phan Văn Vĩnh dối trên, bao che vi phạm?
Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ xác định: khoảng giữa năm 2011, ông Phan Văn Vĩnh chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50) nghiên cứu lập tờ trình xin chủ trương thành lập công ty bình phong. Trong thời gian xin chủ trương thành lập công ty bình phong, ông Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương gặp ông Hóa để thực hiện. Sau cuộc gặp, đôi bên thống nhất để Dương thành lập công ty làm công ty bình phong cho C50.
Ngày 30/9/2011, Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao (CNC) do anh ta làm Chủ tịch HĐTV. Ngày 10/10/2011, Dương và ông Hóa ký Bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh. Trong đó có nội dung phân phối lợi nhuận kinh doanh thu được sau khi trừ các chi phí hoạt động của CNC theo tỷ lệ CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 được 20%.
Cùng ngày, ông Hóa ký tiếp hợp đồng ủy quyền với Dương về việc Dương là người đại diện theo ủy quyền, thay mặt và nhân danh C50 liên hệ với CNC và cá nhân, tổ chức có liên quan để đại diện cho phần vốn góp 20% vốn điều lệ của CNC. Thực tế, C50 không góp vốn và không cử cán bộ tham gia.
Quá trình hoạt động, Dương có văn bản gửi ông Vĩnh và Hóa báo cáo về hiện trạng hoạt động cờ bạc trực tuyến tại Việt Nam. Trong đó, Dương đề nghị lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và C50 tạo điều kiện hỗ trợ để CNC làm việc với đối tác Tamtay trong việc xây dựng, tổ chức phát hành các trò chơi cờ bạc trên Internet…
Theo KLĐT, ông Vĩnh, ông Hóa đã chỉ đạo cấp dưới tham mưu, ban hành Quyết định về việc thành lập công ty bình phong thuộc C50 trái với quyết định của Bộ Công an, đồng thời cho CNC được thuê sử dụng trụ sở do Tổng cục Cảnh sát quản lý. Việc làm này khiến các đơn vị có chức năng quản lý, phòng ngừa đấu tranh lầm tưởng CNC là công ty nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát. Nhờ đó, Dương và đồng phạm tổ chức đánh bạc trên Internet được thuận lợi.
Cũng theo kết luận, ông Vĩnh biết CNC hoạt động tổ chức đánh bạc nhưng không ngăn chặn mà còn ký văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức đánh bạc của CNC.
Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện CNC vận hành 2 game bài RikVip.com và 23zdo.com là đánh bạc trá hình có dấu hiệu vi phạm pháp luật, yêu cầu có báo cáo, ông Vĩnh không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Đến khi có văn bản lần thứ 2, ông ta mới chỉ đạo C50 báo cáo lãnh đạo Bộ Công an nhưng báo cáo không đúng sự thật và cũng không chỉ đạo ngăn chặn hành vi tổ chức đánh bạc. Thay vào đó, ông Vĩnh chỉ đạo cấp dưới ký tiếp văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cho vận hành game bài đánh bạc của CNC.
Đủ cơ sở ông Vĩnh được biếu đồng hồ Rolex
Tại CQĐT, ông Phan Văn Vĩnh thừa nhận những hành vi vi phạm pháp luật trong việc chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet. Ông Vĩnh cũng thừa nhận trong thời gian cho C50 hợp tác với CNC được Dương cho 1 chiếc áo sơ mi, 1 lọ thuốc bổ gan.
Về đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD Dương khai cho ông Vĩnh, ông Vĩnh đã không thừa nhận và nói rằng đồng hồ Rolex trên là do ông ta mua và trả cho Dương 1,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo CQĐT, bản thân Dương là người phụ thuộc nên không có sự mua bán ở đây. Hơn nữa, lương của ông Vĩnh là 20 triệu đồng/ tháng, để mua được món đồ này, ông Vĩnh phải mất 55 tháng lương, tương đương 4 năm 7 tháng không chi phí gì. Mặt khác, Dương không phải anh em, họ hàng thân thiết nên có đủ cơ sở kết luận ông Vĩnh được Dương cho chiếc đồng hồ Rolex là đúng.
Theo KLĐT, Nguyễn Văn Dương và đồng phạm được tổ chức hay không được tổ chức đánh bạc, bị bắt hay không bị bắt đều phụ thuộc quyết định của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa. Do đó, việc Dương khai cho ông Vĩnh 27 tỷ đồng và 1.750.000 USD, Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng là có cơ sở. Tuy nhiên, do chưa đủ căn cứ chứng minh nên cơ quan điều tra sẽ đề nghị điều tra xử lý tiếp ở giai đoạn 2.
Hành vi của ông Phan Văn Vĩnh theo đánh giá của cơ quan chức năng gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Quá trình điều tra, ông Vĩnh chưa thực sự hợp tác, thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình mà vẫn còn tìm cách che giấu, trốn tránh trách nhiệm hình sự. “Hành vi trên của bị can Phan Văn Vĩnh cần phải được xử lý nghiêm khắc trước pháp luật để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung” – kết luận nêu.
Tuy nhiên, quá trình công tác, ông Vĩnh đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội được Đảng, Nhà nước tặng anh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân và nhiều huân, huy chương, bằng khen... nên cơ quan điều tra đề nghị xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi lượng hình với ông Vĩnh.