Vũ điệu của đại dương

(PLVN) - Ngày xửa ngày xưa, có những nàng tiên cá đã đổi giọng hát của mình để lấy đôi chân nhịp bước trên bờ cát trắng. Vẻ đẹp thần tiên, nên thơ uyển chuyển của các nàng đã in hằn vào ký ức mỗi người trên khắp thế giới từ thuở thơ ấu. Để đến ngày nay, đã có không ít cô gái, chàng trai sẵn sàng đặt đôi chân vào những chiếc đuôi cá tạo ra các vũ khúc dưới mặt nước sâu thẳm.

Khổ luyện để trở thành nàng thơ của những miền cổ tích

Bước vào một bể bơi bốn mùa ở Hà Nội, không khó để bắt gặp cô giáo Linh Lâm (39 tuổi, tên thật là Lâm Thị Mộng Linh), huấn luyện viên chuyên nghiệp đào tạo bộ môn lặn tiên cá. Cô sở hữu bằng Liên đoàn tiên cá quốc tế Mermaid federation international (MFI). Linh Lâm hiện nay cũng là người đứng đầu trung tâm Vietnam Merpeople, đối tác chiến lược của MFI. Cô được biết đến là “Master của các Master”, một trong số rất ít những người có khả năng trực tiếp cấp bằng lặn tiên cá chuẩn quốc tế tại Việt Nam.

Cô giáo Linh Lâm cho biết, để trở thành một “nàng tiên cá” đòi hỏi người học phải chăm chỉ rèn luyện.

Mỗi tuần vài lần, câu lạc bộ nhỏ của cô giáo Linh Lâm sẽ sinh hoạt với nhau tại một bể bơi ở Hà Nội. Nơi đây, các “nàng tiên cá” sẽ mặc những bộ trang phục màu sắc sặc sỡ, uốn sóng thân theo từng nhịp điệu của dòng nước. Cô giáo Linh Lâm chia sẻ, một buổi tập của câu lạc bộ sẽ diễn ra từ 2 - 3 tiếng đồng hồ, luôn được tuân thủ nguyên “không bao giờ đi tiên cá một mình”, để đảm bảo an toàn cho mỗi người chơi.

Trong lớp học, các “nàng tiên cá” sẽ phải đeo đuôi cá, ở bên trong lớp đuôi cá là monofins (một dạng đuôi hỗ trợ lặn). Thân trên, các “nàng tiên cá” sẽ mặc đồ bơi. Tùy theo sở thích và điều kiện kinh tế, mỗi “nàng tiên cá” sẽ chọn cho mình một bộ trang phục với màu sắc, phụ kiện yêu thích. Có “nàng” dập dềnh, thướt tha với chiếc đuôi màu đỏ, có những “nàng” ngọt ngào, dịu dàng với đuôi cá, vương miện trên đầu màu xanh ngọc bích,...

Để thực hiện được những màn bơi lặn đẹp mắt, các “nàng tiên cá” đã phải luyện tập vô cùng chăm chỉ. Cô giáo Linh Lâm cho biết: “Để thực hiện bộ môn lặn tiên cá, người học vừa phải rèn luyện thể lực, độ linh hoạt của các cơ, ý chí và lòng kiên trì. Việc thực hiện đúng kỹ thuật khi học bộ môn lặn tiên cá rất quan trọng”. Lấy ví dụ, uốn sóng thân phải bằng cơ bụng, lưng trên làm giãn cơ lưng, đồng thời giúp săn chắc cơ thể, hạn chế chấn thương.

Được biết, để thực hành được bộ môn lặn tiên cá, học viên đầu tiên phải học kỹ thuật nín thở tĩnh (lấy hơi, nhịn thở ở dưới nước), cân bằng tai để xuống được độ sâu khoảng 3m trở lên mà không bị đau buốt tai. Khác với bộ môn lặn tự do (freediving), lặn tiên cá đòi hỏi các “nàng” phải uốn sóng thân từ vùng thân trên, cơ bụng để tạo ra những chuyển động an toàn, đẹp mắt. Ngoài ra, mỗi “nàng tiên cá” phải đeo monofins và vải đuôi cá nặng đến cả chục cân dưới nước, cho nên các “nàng tiên” luôn luyện tập thể lực đều đặn để có đủ sức khỏe.

Vũ Thị Bạch Dương (28 tuổi, sinh sống ở Hà Nội), đã có hơn một tháng thực hành bộ môn lặn tiên cá ở câu lạc bộ của cô Linh Lâm chia sẻ: “Trước khi học bộ môn lặn tiên cá, tôi đã có thời gian học lặn tự do, nên kỹ thuật cân bằng tai, nín thở tĩnh khá tốt. Tuy nhiên, để uốn được sóng thân đẹp mắt, tôi phải luyện tập rất nhiều do vùng lưng của tôi tương đối cứng”. Được biết, từ khi bắt đầu học đến nay, Bạch Dương luyện tập đều đặn mỗi ngày từ 2 - 3 tiếng đồng hồ. Cô chia sẻ: “Tôi chia nhỏ các bài tập trong một buổi, nửa tiếng tập các bài bổ trợ trên bờ, khởi động làm nóng cơ thể. Sau đó, xuống nước tập nín thở, cân bằng tai, cuối cùng tập uốn sóng thân và thực hành những điệu múa tiên cá”.

Trở thành một nàng tiên cá giúp cuộc sống của chị Vương Thùy Linh vui khỏe, tràn đầy năng lượng tích cực.

Hồng An (14 tuổi, học viên của cô Linh Lâm, sinh sống ở Hà Nội), là “nàng tiên cá” nhỏ tuổi nhất được nhận chứng chỉ MFI tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại chia sẻ: “Trước khi đến với bộ môn lặn tiên cá, em đã thành thạo bốn kiểu bơi ếch, bơi sải, bơi bướm, bơi ngửa. Đây là tiền đề giúp em có điều kiện thuận lợi để học bộ môn này”. Tuy nhiên, Hồng An phải luyện tập chăm chỉ bài tập bổ trợ cơ bụng, cơ lưng để sức khỏe “vẫy” đuôi cá khi bơi. Nếu không ra bể bơi tập luyện, em sẽ luyện những bài tập trên cạn như nín thở tĩnh, cân bằng tai, uốn sóng lưng tại nhà.

Mỗi “nàng tiên cá” là một “đại sứ” của biển cả

Cô giáo Linh Lâm cho biết, bộ môn lặn tiên cá đã và đang phát triển ở các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc,... Có nhiều cuộc thi đấu được tổ chức, thu hút hàng trăm “nàng tiên cá” trên thế giới tham gia. Cô cũng đã từng tham dự một số cuộc thi, cá nhân cô nhận thấy những nàng tiên cá của Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực hiện các điệu múa tiên cá bay bổng, uốn lượn không thua kém những nước bạn.

Cô chia sẻ: “Đối với cảm nhận của cá nhân tôi, bộ môn lặn tiên cá rất phù hợp với giá trị chân - thiện - mĩ của người Việt Nam. Lặn tiên cá không chỉ là những điệu múa đẹp mắt, mà còn tạo nên một cộng đồng những người cùng chia sẻ sở thích, đam mê hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt, khi tốt nghiệp mỗi “nàng tiên cá” đều có một “lời thề” trở thành đại sứ của biển cả, các “nàng” có nhiệm vụ chung tay với thế giới góp phần bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển, ví dụ như: giảm thiểu rác thải; không sử dụng loại kem chống nắng có hại cho san hô; không dùng các đuôi cá có vẩy lấp lánh làm từ nhựa... ”.

Chị Vương Thùy Linh (42 tuổi, học viên của cô giáo Linh Lâm, sinh sống ở Hà Nội) cho biết, chị là một người rất thích biển cả, yêu mến những lần lặn xuống đại dương bao la sâu thẳm, đắm mình vào không gian tĩnh lặng, xinh đẹp. Sau khi “bén duyên” với bộ môn lặn tự do, chị đã tình cờ biết đến môn lặn tiên cá. Từ đó, trong chị nảy lên ước mơ trở thành một nàng tiên cá xinh đẹp, uyển chuyển nơi biển khơi xa xăm.

Chị chia sẻ, trở thành “nàng tiên cá” là một giấc mơ của tất cả những người phụ nữ dù ở bất kỳ lứa tuổi nào: “Bộ môn lặn tiên cá khiến tôi cảm thấy mình như một nghệ sĩ, được sáng tạo, được tự do múa những vũ điệu dưới làn nước trong xanh. Mỗi lần trầm mình xuống nước, không gian im lặng, thư thái, nhẹ nhàng khiến tôi bước vào trạng thái thiền định, chữa lành, bỏ lại những bộn bề cuộc sống sau lưng”.

Được biết, dù là học viên “cứng” tuổi nhất câu lạc bộ, nhưng chị Thùy Linh sở hữu vóc dáng thon thả và vẻ ngoài rạng rỡ như những cô gái tuổi đôi mươi. Chị vui vẻ tâm sự: “Tôi nghĩ rằng, tâm hồn quyết định đến vẻ bề ngoài của bản thân. Tham gia vào câu lạc bộ lặn tiên cá, không chỉ giúp cơ thể tôi khỏe mạnh, săn chắc mà tinh thần cũng vui vẻ, phấn chấn hơn. Tôi được tiếp xúc với các bạn trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau, cùng các em trò chuyện, tâm sự. Đặc biệt, việc thỏa sức sáng tạo, lựa chọn bộ trang phục, trang sức khi lặn tiên cá và thực hiện các điệu múa bay bổng giúp tôi sống lại những ước mơ thuở con nít của mình”.

Việc học bộ môn lặn tiên cá giúp Vũ Thị Bạch Dương có thêm kiến thức cơ bản bảo vệ môi trường.

Vũ Thị Bạch Dương cho biết, cô học được rất nhiều về việc bảo vệ môi trường biển sau khi tham gia lớp học lặn tiên cá. Trước khi học thực hành, các “nàng tiên cá” sẽ có những buổi học lý thuyết, cô được “huấn luyện viên tiên cá” của mình cung cấp nhiều kiến thức khác nhau, trong đó có cả kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường: “Tôi được biết vào năm 2015, một tổ chức phi chính phủ về bảo tồn sinh vật biển ước tính có khoảng 14 nghìn tấn kem chống nắng đọng trong các rạn san hô, gây ra thiệt hại cho hệ sinh thái biển. Các loại kem chống nắng có chứa oxybenzone gây hại tới các rạn san hô, tảo, nhím biển, cá và động vật có vú. Một giọt hợp chất này có trong hơn 15 triệu lít nước cũng đủ gây nguy hiểm cho các sinh vật biển. Vì vậy, hiện nay, khi đi biển, tôi chỉ lựa chọn loại kem chống nắng thân thiện với môi trường”.

Nhờ kiến thức về rác thải nhựa, rác thải từ vải quần áo cũ học được từ lớp lặn tiên cá, hiện nay, Bạch Dương hạn chế mua sắm trang phục. Cô chia sẻ: “Do xu hướng tiêu dùng, “thời trang nhanh” đang làm quá tải việc mua sắm quần áo. Mỗi ngày hàng trăm nghìn bộ quần áo cũ bị vứt bỏ, tạo ra hàng triệu mảnh vải vụn, sợi thừa. Tất cả những loại rác thải này đều góp phần làm tăng khối lượng rác thải toàn cầu, gây áp lực lớn lên các bãi rác và hệ thống quản lý chất thải, trong đó có cả biển cả”. Vì vậy, đối với “nàng tiên cá” Bạch Dương, việc hạn chế rác thải, hóa chất độc hại chính là để bảo vệ san hô, lớn hơn nữa là bảo vệ môi trường, mà môi trường là “trái tim, lá phổi” để nuôi dưỡng sự sống cho con người.