Vụ Dương Chí Dũng phải điều tra lại mới “tâm phục khẩu phục“?

(PLO) - Giới chuyên gia nhận định rằng, phiên tòa phúc thẩm đại án Vinalines hôm nay sẽ tiếp tục với phần tranh luận nảy lửa xoay quanh việc làm rõ các mâu thuẫn về việc ăn chia tiền “lại quả” mua ụ nổi. Tuy nhiên, sẽ rất khó xảy ra khả năng Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên án ngay vì nhiều tình tiết mâu thuẫn chưa thể làm sáng tỏ tại tòa. 
Nhiều luật sư nhận định, có khả năng sẽ phải điều tra, thu thập thêm chứng cứ từ Nga để làm rõ hành vi phạm tội tham ô của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, dù trước đó chứng cứ từ Singapore đã bị VKS bác bỏ.  
Liệu có sang Nga điều tra tiếp?
Chứng cứ “ngoại” thứ nhất đã xuất hiện ở đầu phiên phúc thẩm là bản tuyên thệ của Giám đốc Cty AP môi giới việc mua bán ụ nổi tại Singapore- ông Goh,  trong đó, khẳng định không có việc ông Dũng, ông Phúc dính dáng đến mua bán ụ nổi, được hiểu là không có việc tham ô khoản tiền “lại quả” hơn 20 tỷ đồng. 
Tình tiết mới này được coi là cứu cánh cho ông Dũng vì tại hồ sơ vụ án và bản án sơ thẩm đều thể hiện các cựu lãnh đạo Vinalines đã thỏa thuận với ông môi giới này về số tiền “lại quả” sau khi mua thành công ụ nổi 83M. Tuy nhiên, chứng cứ từ Singapore đã bị đại diện VKS bác bỏ. 
Sau ba ngày xét xử, các lời khai của Sơn thể hiện nhiều mâu thuẫn và chưa được làm rõ. Chính vì vậy HĐXX quyết định quay trở lại phần xét hỏi, thay vì tuyên án như dự kiến. 
Và như vậy, có thể hiểu, chứng cứ “ngoại” nói trên đã có ảnh hưởng phần nào đến quyết định quay trở lại xét hỏi của HĐXX, đã được chủ tọa cân nhắc kỹ, và trở thành cứu cánh cho ông Dũng khi đang đối diện với án tử. 
Buổi tranh luận hôm nay đang được các bị cáo và cả dư luận nóng lòng chờ đợi HĐXX làm rõ việc cáo buộc Dương Chí  Dũng, Mai Văn Phúc về tội tham ô và kết án tử hình các bị cáo này có chuẩn xác, khiến bị cáo và dư luận “tâm phục khẩu phục” hay không?
Theo nhận định của nhiều luật sư, không hề dễ giải quyết nội dung này tại phiên tòa. Bản thân bị cáo Sơn khai bất nhất về thời gian, địa điểm chia tiền “lại quả” cho các bị cáo và quan trọng hơn, một chứng cứ “ngoại” thứ hai cần thiết phải được xuất hiện tại phiên tòa: chứng cứ từ Nga. 
Các luật sư trong vụ án này đánh giá, chứng cứ “ngoại” thứ hai sẽ quyết định được ai có tội mà không mất nhiều thời gian chỉ dồn hỏi bị cáo Sơn. “Vì sao chứng cứ này quan trọng đến thế? Cty AP tại Singapore chỉ là bên trung gian giúp thực hiện giao dịch mua bán ụ nổi. Còn mọi việc là do Cty môi giới hàng hải GlobalSuccess ở Nga đàm phán trực tiếp với Vinalines. 
Cty này đã chỉ định cho Cty môi giới ở Singapore chuyển tiền “lại quả” về Việt Nam và chỉ định luôn Cty thụ hưởng món tiền này là Cty riêng của vợ và em gái Trần Hải Sơn.  Như vậy, cần phải điều tra phía Cty của Nga về việc ai ở Vinalines đã bàn thảo, thương lượng tiền lại quả. Điều tra chi tiết này sẽ là bằng chứng khách quan nhất làm rõ hành vi tham nhũng. Nhưng hồ sơ vụ án chưa hề có chứng cứ này dù các luật sư đã đề nghị.”- Luật sư Trần Đình Triển bào chữa cho bị cáo Dũng nói.
Do đó, động thái quay lại xét hỏi các bị cáo của HĐXX được nhiều luật sư trong và ngoài vụ án này nhận định sẽ có thể dẫn đến kết cục hoãn phiên tòa để trả hồ sơ điều tra bổ sung xem ai đã liên lạc với Nga bàn việc thương lượng ăn chia. 
“Thường khi chưa làm rõ được hành vi phạm tội HĐXX sẽ quyết định trở lại xét hỏi. Sẽ có hai khả năng xảy ra, nếu làm rõ được ngay tại tòa thì tuyên án, nếu không thể làm rõ được thì phải trả hồ sơ điều tra lại, điều tra bổ sung. 
Trong vụ án này, nếu chưa có chứng cứ từ phía đối tác Nga mà đã tuyên án là khiên cưỡng. Việc điều tra từ phía Nga cũng không quá khó vì Việt Nam và Nga đã có Hiệp định tương trợ tư pháp, tức là có thể có văn bản đề nghị Nga điều tra hoặc cử đoàn công tác đi điều tra, phá án xuyên quốc gia, khó cũng phải làm vì bị cáo đang đối diện mức án tử hình”- một luật sư nhận định.
Mâu thuẫn không thể làm rõ tại tòa, khó tuyên án
Nhận định chung diễn biến của phiên tòa, luật sư Trần Hồng Phúc bào chữa cho nhóm bị cáo nguyên là cán bộ hải quan trong vụ án này nói, nhiều khả năng bản án sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội sẽ bị hủy, trả hồ sơ điều tra lại để triệu tập ông Goh, lấy lại lời khai của ông này để thẩm định bản tuyên thệ của ông này có đúng không và điều tra những vấn đề trong nội dung bản tuyên thệ của ông ta. 
  Điều 179 Bộ luật Tố tụng Hình sự: khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được thì HĐXX ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Luật sư bảo vệ cho bị cáo Dương Chí Dũng cũng đề nghị phải hủy án sơ thẩm điều tra lại mới có đủ bằng chứng chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo đang kêu oan về án tử hình.
Theo dõi thái độ khai báo của các bị cáo tại phiên tòa, nhiều luật sư cảm thấy “ái ngại” đối với sự lúng túng, căng thẳng của bị cáo Sơn khi HĐXX bất ngờ quyết định quay trở lại phần xét hỏi. Sơn khai “vấp” từ những chi tiết khó ngờ nhất: đưa 5 tỷ cho Dũng khi thì đựng trong va-ly, khi thì túi kéo, khi thì túi xách. 
Địa điểm đưa lúc thì ở sảnh lễ tân khách sạn, lúc trong phòng. Thời gian đưa đối chiếu lại thì ông Dũng đang ngồi trên máy bay… Bị cáo Sơn còn liên tục nói “không nhớ” khi bị “vặn” nơi đưa tiền cho Phúc. Lúc thì Sơn khai đưa tại nhà riêng Phúc ở chung cư làng Quốc tế Thăng Long; lúc lại nói ở Thụy Khuê, lúc thì nói ở Hải Phòng và mô tả các nơi này không đúng thực tế. Có luật sư đã không ngần ngại đặt tình huống: biết đâu tiền “lại quả” chỉ mình Sơn “ăn” hết?
Xét hỏi lại Trần Hải Sơn vẫn khai bất nhất, nhiều luật sư cho rằng HĐXX chưa thể tuyên án được ngay, không thể suy đoán kết tội từ lời khai có vấn đề của Sơn mà cần điều tra, củng cố lại chứng cứ. Căn cứ vào Điều 179 Bộ luật Tố tụng Hình sự, khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được thì HĐXX ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. 
Như vậy, theo dự đoán nhiều khả năng sẽ phải hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung đối với hành vi “Tham ô tài sản”, hoặc hủy án phần tham ô để điều tra lại thì bị cáo và dư luận mới “tâm phục khẩu phục”./.

Đọc thêm