Vụ 'đường lưỡi bò”: Không tuân thủ, Trung Quốc sẽ tổn thất nặng

(PLO) -Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Philippines ngày 12/7 đã công bố phán quyết cuối cùng khẳng định “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và Trung Quốc cũng “không có chủ quyền lịch sử” tại Biển Đông.
Quang cảnh tại tòa.

Các kết luận chính của Tòa

Phán quyết của Tòa trọng tài là kết quả của quá trình thụ lý kéo dài 3 năm đối với đơn kiện của Philippines nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Phán quyết của Tòa dài gần 500 trang được Tòa tóm tắt trong thông cáo báo chí phát đi chiều 12/7 với 5 điểm chính:

• Về quyền lịch sử và đường 9 đoạn:

Tòa kết luận rằng quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS, gọi tắt là Công ước). 

Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.

• Quy chế của các cấu trúc:

Tiếp theo, Tòa tiến hành đánh giá liệu các có cấu trúc nào trong số các cấu trúc do Trung Quốc yêu sách có thể tạo ra vùng biển ngoài phạm vi 12 hải lý không. Theo Công ước, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa nhưng các “đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Về điểm này, Tòa kết luận rằng không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế. 

• Về tính hợp pháp của các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông:

Tòa trọng tài cho rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc: can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, xây dựng đảo nhân tạo và không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này.

Toà cũng khẳng định rằng ngư dân từ Philippines (cũng như ngư dân từ Trung Quốc) đã có quyền đánh cá truyền thống ở Bãi Scarborough và rằng Trung Quốc đã ngăn chặn các quyền này bằng cách hạn chế việc tiếp cận khu vực này. Tòa cũng khẳng định rằng các tàu chấp pháp của Trung Quốc gây ra một rủi ro va chạm nghiêm trọng một cách bất hợp pháp khi họ đã trực tiếp cản trở các tàu của Philippines.

• Gây hại cho môi trường biển: 

Tòa xem xét ảnh hưởng với môi trường biển của các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo gần đây của Trung Quốc trên 7 cấu trúc của quần đảo Trường Sa và nhận thấy rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt. 

Tòa cũng cho rằng nhà chức trách Trung Quốc đã nhận thức được việc ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt các loài rùa biển, san hô và trai khổng lồ quý hiếm trên diện rộng ở Biển Đông (bằng các biện pháp gây ra tổn hại nghiêm trọng với môi trường rặng san hô) và đã không thực hiện các nghĩa vụ của nước này trong việc ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động này. 

 5 thẩm phán xem xét vụ kiện,

• Làm trầm trọng thêm tranh chấp: 

Tòa nhận thấy rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các bên. 

Theo New York Times, kết quả của phiên tòa được nhiều nước kỳ vọng sẽ là hình mẫu để các nước láng giềng của Trung Quốc đàm phán với Bắc Kinh hoặc phản đối chiến thuật gây hấn của nước này trong khu vực.

Các nước hoan nghênh

Thực ra, một phán quyết nghiêng về phía có lợi cho Philippines là điều mà các chuyên gia từ lâu đã đoán định được. Tuy nhiên, có thể thấy, phán quyết của Tòa trọng tài đã đứng về lập trường của Philippines ở hầu hết các điểm mà Tòa đồng ý xem xét. 

Chính phủ Philippines ngay trong ngày 12/7 đã lên tiếng hoan nghênh phán quyết của Tòa. Ngoại trưởng nước này Yasay nói rằng quyết định của Tòa trọng tài là một đóng góp quan trọng vào các nỗ lực giải quyết các tranh chấp trên biển. Còn ông Paul S. Reichler, luật sư trưởng của Philippines trong vụ việc, thì cho rằng đây là một chiến thắng áp đảo đối với Philippines.

Về phía dư luận quốc tế, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 12/7 tuyên bố phán quyết của Tòa trọng tài thường trực là “cuối cùng và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý”, đồng thời thúc giục Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết để hướng tới việc cuối cùng là dàn xếp hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.

Ông Kishida cũng khẳng định Nhật Bản luôn ủng hộ luật pháp, phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng chế trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển. 

Giới chức Mỹ ngày 12/7 cũng đưa ra quan điểm tương tự với Nhật Bản. “Chúng tôi chắc chắn sẽ hối thúc tất cả các bên không sử dụng đây là cơ hội để có hành động gây hấn hay leo thang căng thẳng” – Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói thêm.

Các ứng viên giả định của đảng Cộng hòa và Dân chủ tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới đây Donald Trump và Hillary Clinton đều đã lên tiếng kêu gọi các nước tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài.

Phát biểu tại Bắc Kinh ngày 13/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng EU hoàn toàn tin tưởng vào thủ tục tố tụng tại Tòa trọng tài ở The Hague và rằng châu Âu sẽ tiếp tục có tiếng nói ủng hộ luật pháp quốc tế, trong đó có luật biển. Ông Tusk hy vọng phán quyết của Tòa trọng tài sẽ là một thời khắc tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nổi bật ở Biển Đông.

Singapore trong khi đó thúc giục các bên tuân thủ hoàn toàn tiến trình pháp lý và ngoại giao còn Thái Lan kêu gọi các nước sớm đạt được bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, điều mà nhiều nước thành viên ASEAN khác cũng mong muốn. 

Trung Quốc dọa lập ADIZ

Về phía Trung Quốc, cũng như dự đoán từ trước, nước này không chỉ từ chối tham gia thủ tục tố tụng mà còn khẳng định sẽ phớt lờ phát quyết của Tòa trọng tài. Ngay sau khi phán quyết của Tòa trọng tài được đưa ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố bác bỏ phán quyết này.

Giới chức Trung Quốc trong các phát ngôn được đưa ra sau khi có phán quyết vẫn giữ nguyên lập trường đòi hỏi quyền lịch sử ở Biển Đông và đe dọa sẽ có hành động leo thang ở khu vực này. “Đừng biến Biển Đông thành cái nôi của chiến tranh” – Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đe dọa. 

Ông Lưu cũng lớn tiếng cho rằng Trung Quốc có “quyền” thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. “Việc chúng tôi có cần phải lập khu vực như vậy ở Biển Đông hay không phụ thuộc vào mức độ của đe dọa mà chúng tôi nhận thấy” – ông này nói.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải thậm chí còn hung hăng hơn. “Phán quyết chắc chắn sẽ làm gia tăng các xung đột và thậm chí là đối đầu” – ông Thôi phát biểu từ Washington. Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc trong một bài xã luận đăng ngày 13/7 thì tuyên bố: “Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các quyền và lợi ích hàng hải của nước mình”.

Người Philippines vui mừng trước phán quyết của Tòa trọng tài.

Không tuân thủ, Trung Quốc sẽ tổn thất nặng 

Có một điểm cần lưu ý rằng phán quyết của Tòa trọng tài mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng Tòa lại không có quyền hạn thực thi, khiến nhiều người cho rằng phán quyết của Tòa sẽ trở nên vô ích. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng thực tế không phải vậy.

Phát biểu ngày 13/7, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cảnh báo Trung Quốc về những tổn thất nặng nề về danh tiếng nếu phớt lờ phán quyết của Tòa. “UNLOS là hiệp ước hệ thống hóa các thông lệ quốc tế hiện có. Nó là nền tảng cho việc giao thương hàng hải toàn cầu và vì thế nên việc phớt lờ Công ước sẽ là một sự vi phạm luật pháp quốc tế nghiêm trọng, đưa đến những tổn thất về danh tiếng nặng nề” – bà Bishop nói.

Ngoại trưởng Australia khẳng định Australia không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng Trung Quốc phải chấp nhận các phán quyết quốc tế như Australia đã chấp nhận trọng tài trong tranh chấp trên biển giữa nước này với Đông Timor. Bà Bishop cũng khẳng định Australia sẽ tiếp tục thực hiện các quyền mà luật pháp quốc tế cho phép như quyền tự do hàng hải và hàng không và sẽ hỗ trợ các nước thực hiện các quyền này.

Giáo sư luật quốc tế, từng là một nhà ngoại giao Walter Woon khẳng định Trung Quốc cần phải chứng tỏ rằng nước này là một bên có trách nhiệm nếu muốn được tôn trọng. “Họ có nguy cơ bị xem là kẻ bắt nạt quốc tế khi tự hành động theo ý mình và không sẵn sàng tuân thủ luật pháp” – ông Woon từ Viện giáo dục pháp lý Singapore nhận định.

Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain – Chủ tịch Ủy ban quân vụ của Thượng viện Mỹ và người cùng đảng Cộng hòa Dan Sullivan cũng đã ra tuyên bố cho rằng Mỹ cần phải thường xuyên thách thức các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc bằng các cuộc tuần tra bằng máy bay và tàu chiến và làm rõ sự quan tâm của Mỹ trong việc ngăn ngừa Trung Quốc quân sự hóa các thực thể chiến lược.

Hai ông cũng thúc giục các bên có tuyên bố chủ quyền khác tìm kiếm giải pháp tương tự cho các tranh chấp trên biển thông qua trọng tài và đàm phán. 

Cần giữ cái đầu lạnh

Theo học giả Termsak Chalermpalanupap tại Trung tâm nghiên cứu châu Á, phán quyết vừa được Tòa trọng tài đưa ra là một đòn giáng mạnh vào sự tự tin và niềm tự hào của Trung Quốc. Còn chuyên viên cấp cao William Choong tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế thì cho rằng chìa khóa để giảm thiểu căng thẳng là “trao cho Trung Quốc một chiếc thang để bước xuống”. 

Song, cả 2 học giả này đều cho rằng không nên “chà vào vết thương của Trung Quốc” bằng việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự. “Nếu họ bị sỉ nhục công khai, như việc đang xảy ra, và anh lại chà vào vết thương với việc tiến hành tập tận quân sự, anh sẽ gặp phải phản ứng mạnh mẽ” – ông Choong nhận định.

Để giúp hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông, các chuyên gia thúc giục ASEAN cần phải đóng vai trò hòa giải. Ví dụ, ông Termsak cho rằng ASEAN có thể tạo không gian để Philippines và Trung Quốc bắt đầu các cuộc đối thoại để tìm ra những cách thức mới để quản lý những bất đồng ở Biển Đông.

Cho rằng những cái đầu lạnh sẽ chiếm ưu thế, ông Tim Johnston – Giám đốc chương trình châu Á của nhóm Khủng hoảng quốc tế - nhận định đây chính là phép thử và nếu ASEAN xử lý tốt, đây có thể là khởi đầu của một “chuyện gì đó”. 

Ngoại trưởng Australia Bishop cũng cho hay bà hy vọng phán quyết nói trên của Tòa trọng tài sẽ được đưa ra bàn thảo tại các phiên họp của ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sẽ diễn ra vào giữa tháng 7 này.

Một quan chức cấp cao tại Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho hay Mỹ đang thúc giục các bên sử dụng phán quyết này để tổ chức các cuộc đàm phán ngoại giao nhằm giải quyết các tranh chấp còn lại.

“Khi các tuyên bố hùng hồn lắng xuống, quyết định này sẽ mở đường cho các cuộc thảo luận rất thực tế và có khả năng có hiệu quả giữa các bên có tuyên bố chủ quyền khác nhau, một phần bởi phán quyết này đã thu hẹp đáng kể phạm vi địa lý của các khu vực đang còn tranh cãi” – vị quan chức này cho hay. 

“Thắng lợi lớn của công lý quốc tế”

Trao đổi về phán quyết mà Tòa trọng tài vừa công bố, Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển nhận định phán quyết này có 3 ý nghĩa quan trọng, bao gồm:

Thứ nhất, đây là một thắng lợi lớn của công lý quốc tế, khẳng định tính uy nghiêm của UNCLOS đối với các quốc gia trong việc giải thích cũng như áp dụng công ước này. Đây cũng là câu trả lời cho hành vi vi phạm một cách thô bạo Công ước này của Trung Quốc thông qua yêu sách “đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý. 

Thứ hai, phán quyết không chỉ ý nghĩa với Philippines mà còn các nước có liên quan đến tranh chấp Biển Đông, trong đó có Việt Nam, được hưởng lợi khi Tòa chính thức bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của nước này. Ví dụ, trong phán quyết, Tòa nói rằng Philippines hoàn toàn có quyền đối với các vùng đặc quyền kinh tế của họ mà ở đó không có sự chồng lấn nào đối với vùng biển của Trung Quốc. 

Người dân Philippines vui mừng trước phán quyết của tòa án.

Điều đó cho thấy Trung Quốc không có vùng biển nào trong yêu sách “đường 9 đoạn” được chấp nhận cả. Vì vậy, đây là căn cứ pháp lý giúp các nước ven Biển Đông khẳng định quyền chủ quyền của mình trên các thềm lục địa cũng như vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Theo kết luận của Tòa, Trung Quốc cũng không thể dựa vào quyền lịch sử của mình để đòi yêu sách với tài nguyên ở vùng biển nằm trong “đường chín đoạn”.

Thứ ba là ý nghĩa đối với nhận thức và công luận quốc tế. Hiện nay, không phải quốc gia nào cũng ý thức rõ ràng được về điều này nhất là qua những luận điệu tuyên truyền, ngoại giao không trung thực của Bắc Kinh. Vì vậy, sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết, các nước sẽ hiểu rõ được hành vi nào là vi phạm UNCLOS 1982, hiểu rõ hơn về hành động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Về kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tiếp thu từ vụ kiện, ông Giao cho hay: “Về mặt nội dung, mặc dù phán quyết không giải quyết vấn đề chủ quyền nhưng Tòa nói rõ các quốc gia không có quyền mở rộng các thực thể thành đặc quyền kinh tế.

Trở lại vụ giàn khoan Hải Dương-981, Trung Quốc đưa giàn khoan này vào gần đảo Tri Tôn và lập luận rằng, đó là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ. Như vậy, chiều theo phán quyết của Tòa, việc hạ đặt giàn khoan này là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Về mặt trình tự tố tụng, đây là kinh nghiệm cho Việt Nam. Chúng ta có thể nhìn vào vụ kiện của Philippines để rút kinh nghiệm, bổ sung hồ sơ pháp lý để có thể tự tin hơn trong cuộc đấu tranh pháp lý với Trung Quốc”.

Hiệp hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương kêu gọi các nước tôn trọng phán quyết

Ngay sau khi phán quyết của Tòa trọng tài được đưa ra, Hiệp hội Luật gia châu Á – Thái Bình Dương (COLAP) cũng đã ra tuyên bố kêu gọi các bên tranh chấp tôn trọng quyết định của Tòa trọng tài nhằm mục đích duy trì an ninh, ổn định và hòa bình trong khu vực.

Bên cạnh đó, COLAP cũng kêu gọi tất cả các quốc gia sử dụng các chế tài của LHQ và/hoặc thông qua các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Các bên cần tôn trọng nhau trên tinh thần bình đẳng về chủ quyền và quyền tự quyết. 

Hiệp hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh: trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, tất cả các cá nhân nói riêng và các quốc gia nói chung đều có sự liên hệ gắn kết mật thiết. Một bất ổn nhỏ tại khu vực cũng có thể gây ảnh hưởng lớn đến hòa bình, an ninh toàn cầu.

Do vậy, để đảm bảo sự hòa hợp, cùng tồn tại và phát triển giữa con người với con người và rộng hơn là giữa các quốc gia, các tranh chấp cần phải được xử lí thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Đọc thêm