Ngày 19/11/1958, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 511-TTg quy định những điểm cụ thể về chế độ của sĩ quan tại ngũ biệt phái nói trong Luật số 109-SL/L11 ngày 31/5/1958; theo đó nhiệm vụ của sĩ quan biệt phái huấn luyện quân sự tại các trường học, đồng thời cũng quy định chế độ, thời hạn của sĩ quan biệt phái khi công tác tại các ngành ngoài quân đội là 03 năm.
Đây chính là dấu mốc đặc biệt quan trọng đối với công tác huấn luyện quân sự của sĩ quan biệt phái ngành Giáo dục. Từ đây, vị trí, nhiệm vụ, chế độ sĩ quan biệt phái chính thức được thực hiện theo Nghị định của Chính phủ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ đã có 1.815.000 học sinh trung học phổ thông, 11.070 sinh viên đại học, cao đẳng và 26. 330 học sinh trung cấp được huấn luyện quân sự trong các trường. Nhiều học sinh sau khi ra trường hoặc đang học dở đã tự nguyện lên đường nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc.
Sau năm 1975, Vụ Thể dục và Quân sự của Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã kiện toàn tổ chức, trên cơ sở nội dung chương trình giáo dục của Bộ, phân công nhiệm vụ cho các sĩ quan biệt phái xây dựng nội dung chương trình huấn luyện quân sự cho các trường học, các cơ sở giáo dục đại học trên toàn miền Bắc; đồng thời tham mưu cho Bộ trưởng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chỉ thị, hướng dẫn công tác quân sự hóa nhà trường, chuyển hướng công tác thể dục thể thao trong nhà trường đại học và trung học chuyên nghiệp...
Từ năm 1990 đến nay, thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên trong các trường phổ thông và cơ sở giáo dục đại học, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (QPAN) trong các nhà trường bước đầu được đẩy mạnh về quy mô, số lượng, chất lượng từ hệ thống giáo dục phổ thông cơ sở đến đại học. Năm 2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Quyết định số 16/2006/BGDĐT về Chương trình môn học Giáo dục QPAN cấp trung học phổ thông. Từ đây, môn học Giáo dục Quốc phòng chính thức đổi thành Giáo dục QPAN.
Truyền thống quý báu của sĩ quan biệt phái ngành Giáo dục rất cần một dấu mốc lịch sử, đó chính là Ngày 19/11/1958 - “Ngày Giáo dục quốc phòng và An ninh và Ngày truyền thống của Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh”. Truyền thống đó cần được trân trọng lưu giữ, ghi nhớ để các thế hệ sĩ quan biệt phái ngành Giáo dục vinh dự, tự hào khi được công tác tại Vụ Giáo dục QPAN, Bộ GDĐT và lực lượng học sinh, sinh viên tiếp tục kế tục sự nghiệp góp phần xây dựng nguồn nhân lực tinh hoa của thế hệ trẻ, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trải qua các giai đoạn phát triển từ năm 1958 đến nay, Vụ Giáo dục Quốc phòng đã không ngừng lớn mạnh về tổ chức biên chế để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là trong nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục QPAN cho học sinh, sinh viên và các công tác thuộc lĩnh vực quân sự, QPAN trong phạm vi quản lý của Bộ.
Thực hiện Quyết định số 607/QĐ-TTg ngày 24/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục QPAN cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020; bảo đảm yêu cầu đến năm 2020 đào tạo đáp ứng được 90% nhu cầu giáo viên và 70% nhu cầu giảng viên giáo dục QPAN giảng dạy ở các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học, Vụ đã tổ chức tuyển sinh đào tạo được 2.534 giáo viên, giảng viên (1.292 giáo viên hệ dài hạn và 1.242 giáo viên hệ văn bằng 2), trong đó đã có 669 giáo viên tốt nghiệp.
Hiện nay, môn học Giáo dục QPAN đã được triển khai trong các trường tiểu học, trung học cơ sở (thực hiện lồng ghép), trung học phổ thông, trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học (môn học chính khóa) và tại 62 trung tâm giáo dục QPAN theo Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 30/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Từng bước, sinh viên các cơ sở giáo dục đại học được học môn Giáo dục QPAN tập trung tại các trung tâm có đội ngũ giảng viên đạt chuẩn và đủ điều kiện cơ sở vật chất, thao trường đáp ứng yêu cầu môn học Giáo dục QPAN trong tình hình mới.
Từ tháng 4/2016 Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ GDĐT thay thế Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Vũ Luận. Trong thời gian này, công tác tham mưu cho Bộ kiện toàn xây dựng lực lượng tự vệ, động viên, tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đại học đi đào tạo sĩ quan dự bị được Vụ Giáo dục Quốc phòng quan tâm thực hiện.
Bộ GDĐT đã phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ cử 480 cán bộ cấp Vụ, Cục; Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc, Phó Giám đốc và tương đương tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức QPAN (đối tượng 2) theo quy định; ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Bộ đã cử 5.640 cán bộ, giáo viên, giảng viên đi bồi dưỡng kiến thức QPAN (đối tượng 3) và 30.032 giáo viên, giảng viên đi bồi dưỡng kiến thức QPAN (đối tượng 4).
Tổ chức tập huấn cho 7.000 giáo viên, giảng viên giáo dục QPAN các sở giáo dục và đào tạo, các trường trung cấp, cao đẳng, các cơ sở giáo dục đại học về công tác giáo dục QPAN. Tổ chức 02 cuộc thi cho 460 giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giỏi giáo dục QPAN và 02 cuộc thi cho 1.200 học sinh, sinh viên giỏi giáo dục QPAN. Tổ chức 02 cuộc Hội thao giáo dục QPAN học sinh THPT toàn quốc (lần I, năm 2013 và lần II, năm 2017) cho 56 sở GD&ĐT các tỉnh và thành phố với hơn 1.000 học sinh THPT dự thi, 3.000 học sinh dự Lễ khai mạc, bế mạc.
Ngày 25/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2017/NĐ-CP, Vụ Giáo dục Quốc phòng chính thức đổi tên thành Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh. Lần đầu tiên, Vụ Giáo dục Quốc phòng tiếp nhận sĩ quan an ninh biệt phái (sĩ quan công an) về công tác tại Vụ. Song song với nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, nhiệm vụ an ninh đã được lãnh đạo Bộ GDĐT, Bộ Công an quan tâm sâu sát hơn. Vụ đã tham mưu cho Bộ thực hiện kế hoạch chống khủng bố năm 2017.
Qua các giai đoạn lịch sử của Bộ GDĐT, công tác giáo dục QPAN của Vụ Giáo dục QPAN luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ của Bộ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, lần đầu tiên Vụ Giáo dục Quốc phòng thống nhất được trang phục giáo dục QPAN trên toàn quốc. Lần đầu tiên tổ chức hội thao học sinh, sinh viên trên toàn quốc môn học Giáo dục QPAN. Lần đầu tiên mở mã ngành thực hiện đào tạo chính quy cử nhân giáo dục QPAN. Lần đầu tiên trong đổi mới sách giáo khoa trung học phổ thông, cao đẳng, đại học có bài học lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ 1975 đến nay. Lần đầu tiên có có Quy chế hoạt động về công tác quân sự của Bộ thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng hàng năm.
Trong những năm qua, công lao đóng góp của Vụ Giáo dục Quốc phòng đã được Đảng, Nhà nước, Bộ GDĐT và các Bộ khác ghi nhận. Liên tục trong nhiều năm đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Chi bộ liên tục đạt Trong sạch vững mạnh, đơn vị đạt Vững mạnh toàn diện, được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 1 Cờ thi đua của Bộ GDĐT; 3 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…
Trong gần 60 năm qua, trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thời kỳ xây đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, các thế hệ sĩ quan biệt phái ngành Giáo dục luôn gắn với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo nhiệm vụ giáo dục QPAN trong hệ thống giáo dục quốc dân. Quá trình đó đã khẳng định vai trò của giáo dục QPAN nói chung và sĩ quan biệt phái ngành Giáo dục nói riêng đối với đào tạo nguồn nhân lực thế hệ trẻ của Bộ GDĐT, những con người, những thế hệ đó đã tiếp nối truyền thống quý báu của cha, anh góp nhiều công sức, xương máu, góp phần góp phần hoàn thiện con người Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử cách mạng.