Đầu năm 2018, bà Phụng bất ngờ gặp tai nạn thương tâm tử vong, để lại khối di sản. Hai tháng sau khi bạn gái mất, ông Tiến đâm đơn khởi kiện chính đứa con ngoài giá thú của mình và những người thừa kế của bạn gái, đòi chia đôi tài sản bà Phụng để lại.
Hai cấp tòa nhận định ông Tiến vi phạm điều cấm Luật HN&GĐ, bác yêu cầu của ông Tiến đòi công nhận quan hệ hôn nhân thực tế. Tòa cũng nhận định không có chứng cứ thể hiện việc ông Tiến có tài sản chung với bạn gái. Thế nhưng tòa vẫn tuyên cho ông Tiến được hưởng 20% giá trị tài sản của bạn gái.
“Căn cứ” để tòa đưa ra phán quyết như trên là nhận định “ông Tiến là người có trách nhiệm, khi bà Phụng chết ông Tiến có để tang và chăm sóc con chung Đặng Hồng Phi”. Phía bị đơn và các chuyên gia pháp lý cùng có quan điểm cho rằng phán quyết này vừa không có căn cứ pháp lý, vừa thiếu thực tế.
Mới đây, TAND Cấp cao tại TP HCM đã có Văn bản số 136/YCCHS-GĐKT III gửi TAND tỉnh Bình Dương, yêu cầu tòa Bình Dương chuyển hồ sơ vụ án trên để TAND Cấp cao có tài liệu nghiên cứu, giám đốc thẩm việc xét xử.
Trong quá trình xem xét hồ sơ vụ án này, LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM) còn phát hiện ra một sai sót nghiêm trọng của cơ quan chức năng Bình Dương. Từ sai sót này, có thể dẫn đến việc TAND huyện Dầu Tiếng và TAND tỉnh Bình Dương đã ra phán quyết bị đánh giá không hợp lý như trên.
Đó là ngày 9/3/2018, UBND thị trấn Dầu Tiếng có Văn bản 26/UBND - VX trả lời xác minh tình trạng hôn nhân của bà Phụng. Văn bản do bà Nguyễn Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Dầu Tiếng ký, có nội dung: “Tra cứu sổ bộ hộ tịch bà Hồng Ngọc Phụng, SN 1960, không đăng ký kết hôn với ai”.
“Xác minh tình trạng hôn nhân thực tế tại địa phương, bà Hồng Ngọc Phụng có chung sống với ông Đặng Văn Ngà, như vợ chồng từ năm 1995 đến ngày bà Phụng qua đời, có một con chung là Đặng Hồng Phi, được đăng ký giấy khai sinh, mang họ cha theo sổ bộ khai sinh số 238 quyển 01/1997 UBND thị trấn Dầu Tiếng ký ngày 11/8/1997, nhưng không đăng ký kết hôn với nhau, cũng không đăng ký kết hôn với người khác”.
Việc trả lời như UBND thị trấn Dầu Tiếng, theo LS Thanh là không đúng thẩm quyền. Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định về việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền; và Điều 25 Thông tư 15/20015/TT-BTP quy định cách ghi giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, thì: UBND cấp xã chỉ được xác nhận tình trạng hôn nhân là có đăng ký hay chưa từng đăng ký kết hôn; đã kết hôn nhưng ly hôn theo bản án nào; mục đích cấp giấy xác nhận hôn nhân.
“Như vậy, UBND cấp xã không có quyền xác nhận quan hệ hôn nhân thực tế giữa hai người. UBND thị trấn Dầu Tiếng không có quyền cho rằng “bà Hồng Ngọc Phụng có chung sống với ông Đặng Văn Ngà, như vợ chồng”. Thẩm quyền đó thuộc về TAND khi có yêu cầu về công nhận hoặc ly hôn mà không có đăng ký kết hôn”, LS Thanh nói.
“Tôi cho rằng từ những xác nhận sai thẩm quyền, sai quy định như trên; đã góp phần dẫn đến việc tòa sơ thẩm và phúc thẩm đưa ra những phán quyết cảm tính, chưa đúng pháp luật”, vẫn lời LS Thanh.
Nhằm làm rõ căn cứ pháp lý mà UBND thị trấn Dầu Tiếng có “xác nhận” như trên, PV đã đặt câu hỏi với UBND thị trấn Dầu Tiếng. Đại diện UBND thị trấn ghi nhận ý kiến của PV, cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo và sắp xếp trả lời khi khác vì “lãnh đạo có công tác, đi vắng”.
Theo phản ánh của bà Hồng Tú Uyên, một trong số người thừa kế của bà Phụng, ngày 8/1/2021 và ngày 13/1/2021, Chi cục THADS huyện có các quyết định THA với bản án. Bà Uyên cho biết do TAND Cấp cao đã có động thái với vụ án; và do thời gian cấp bách chưa chuẩn bị đủ số tiền để thi hành án; nên xin tạm thời chưa thực hiện.
Ngày 5/2/2021, chấp hành viên (CHV) có buổi làm việc với các đương sự. Tại buổi làm việc, bà Uyên đưa ra ý kiến đề nghị được thu xếp số tiền THA chậm nhất đến 8/3/2021. Hoặc các thừa kế sẽ họp và thống nhất các thửa đất trong số tài sản của bà Phụng để thực hiện kê biên, bán đấu giá THA theo Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP. CHV ghi nhận ý kiến của các bên.
“Sau khi họp các thừa kế, chúng tôi thống nhất chọn ra 10 thửa đất để giao nộp cơ quan THA tiến hành các thủ tục. Khoảng 10h ngày 26/2/2021 chúng tôi nộp đơn đề nghị tại bưu điện, kèm biên bản thống nhất. Đến khoảng 14h cùng ngày, chúng tôi nhận được Quyết định 48/QĐ-CCTHADS về việc cưỡng chế kê biên 3 thửa đất (cả 3 thửa không nằm trong 10 thửa đất mà các thừa kế của bà Phụng lựa chọn) để THA”.
“Thấy sự việc bất thường, tôi gặp trực tiếp CHV để hỏi thì được giải thích buổi làm việc ngày 5/2/2021 chỉ có một mình tôi (các thừa kế khác vắng mặt) nên không có giá trị”.
“Chúng tôi cho rằng CHV có thể do sơ suất nên xử lý sự việc chưa chính xác. Thứ nhất, nếu ý kiến mình tôi không có giá trị, CHV phải giải thích để tôi biết. Thứ hai, hai trong ba “sổ đỏ” định cưỡng chế kê biên đang nằm ở trong ngân hàng, chưa giải chấp. Thứ ba, theo quy định pháp luật, việc chúng tôi tự nguyện giao nộp tài sản để THA phải được ưu tiên. Chúng tôi mong cơ quan chức năng xem xét xử lý lại sự việc đúng quy định pháp luật”, bà Uyên nói.
Nhằm làm rõ những phản ánh trên, PV đã liên lạc Chi cục THADS Dầu Tiếng. Tại đây, đại diện Chi cục ghi nhận ý kiến phản ánh, sau đó cho biết thẩm quyền trả lời, phát ngôn thuộc về Cục trưởng THADS tỉnh nên đề nghị PV liên hệ tại đây.