Tứ trọng ân
Lễ Vu lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu lan (ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt. Theo Phật giáo, có 4 ân nặng gọi là tứ trọng ân, trong đó có ân tam bảo, ân quốc gia dân tộc, ân những bậc nuôi dạy mình nên người, ân chúng sinh vạn loại. Tứ trọng ân này còn là nền tảng đạo đức, truyền thống văn hóa phương Đông.
Vu lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn. Cũng nhân dịp này, những người con tìm về với nguồn cội, về với giá trị chân - thiện - mỹ và về với đạo của người làm con.
Tháng 7 âm lịch hằng năm là tháng Vu lan báo hiếu, lễ hội văn hóa không riêng của phật tử mà của Nhân dân nhằm tri ân, báo ân, báo hiếu cửu huyền thất tổ, tri ân anh linh các anh hùng liệt sĩ.
Tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng, khi đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng giảng về đạo hiếu, ý nghĩa và nghi thức bông hồng gài áo, rất nhiều người ngồi dưới Tam Bảo không giấu nổi sự xúc động khi nhớ tới công sinh thành của cha mẹ. Những ai còn cha, còn mẹ sẽ cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm tự hào với niềm hạnh phúc vô biên, vì còn cha, còn mẹ là còn tất cả, còn những nghĩa tình cao quý. Còn đóa hồng màu trắng như một nỗi buồn, sự thiếu vắng tình thương và niềm nhớ nhung da diết khi đã mất cả cha mẹ. Những vong nhân đã khuất cảm thấy ấm áp, an ủi trong mùa Vu lan…
Ai mất cả cha và mẹ thì sẽ cài lên bông hồng trắng. Hoa hồng trắng mang màu tinh khiết ý nghĩa buồn thương, đồng thời nhắc nhở con người hãy sống thật tốt, thật ý nghĩa để những người ra đi cảm thấy tâm hồn được an nhiên, thanh thản và không còn vướng bận chuyện nơi trần thế. Ai mang trên ngực bông hồng trắng sẽ thấy sự nhắc nhở rằng họ đã lỡ mất đi thứ quý giá nhất để từ đó hãy sống và hành động sao cho phải với lương tâm, với sự hy sinh, vất vả của cha mẹ.
Ngoài màu hoa hồng đỏ và trắng thì còn có thêm hoa hồng mang sắc vàng được gắn trên ngực áo các tu sĩ. Hoa hồng vàng đại diện cho sự phổ độ chúng sinh, mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để giải thoát (theo nghĩa nhà Phật). Sự cứu độ chúng sinh đạt tới sự giác ngộ là cách để báo đáp ân tình, báo hiếu cha mẹ ở hiện tại và các đời khác. Những tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn tất cả chúng sinh, việc cài hoa hồng vàng thể hiện tấm lòng cao quý, tâm hồn cao cả.
Trong đại lễ Vu lan báo hiếu tổ chức tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), hàng nghìn tăng ni, phật tử, người dân trang nghiêm thành kính nhớ về tiền nhân của mình, cùng tụng kinh, niệm Phật cầu quốc thái dân an, siêu độ vong linh, gia đình an phúc. Đại lễ Vu lan gồm: Nghi lễ thỉnh Phật Đại Khoa - Quy âm; Lễ Phật, Lễ Thánh; Lễ Tiếp triệu chư vị chân linh; Tụng kinh Vu lan báo hiếu, Dâng hoa chào mừng, Hoa hồng cài áo, Cảm niệm Vu lan, Dâng y, cúng dàng, dâng hương, truyền đăng…
Mọi người xúc động khi xem vở diễn về Vu lan. Trong đó, Vu lan bắt nguồn từ sự tích về bậc đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương để cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Những câu chuyện, những tâm sự, bài học về sự hy sinh của mẹ cha dành cho con cái được các phật tử tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng truyền tải đến hàng nghìn người trong buổi lễ. Các nghệ sĩ thể hiện ca khúc ca ngợi công lao trời biển của cha mẹ khiến nhiều người nghe rưng rưng. Cũng trong dịp này, chùa Kim Sơn Lạc Hồng trao tặng nhiều học bổng cho những học sinh tiêu biểu, có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Nguyễn Thu Nga, 35 tuổi ở Long Biên (Hà Nội) cùng các con vượt quãng đường hàng chục km lên Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, TP Hòa Bình dâng hương tưởng nhớ tổ tiên và bố mẹ đã khuất. Được tăng ni gắn bông hồng trắng trên ngực, chị Nga không nén nổi xúc động, nghẹn ngào khi nhớ công ơn bố mẹ. Các con chị cũng khóc nhớ ông bà và càng thương người mẹ đang tần tảo, vất vả nuôi mình.
Gia đình ông Cao Hữu Thanh, 70 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) cùng mặc áo mưa, chắp tay trước mộ phần người quá cố. “Dịp này, tôi đưa các cháu lên để tưởng nhớ về cội nguồn của mình. Bao năm qua tôi luôn dạy con cháu phải có đức hiếu hạnh với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Bao năm, tôi luôn tâm niệm phải sống sao cho con cháu đời đời sau này noi theo. Luôn luôn dạy con cháu phải giữ nếp gia phong, gia tộc của tổ tiên, gia đình dòng họ, nếu không giữ thì cũng không thể làm việc lớn. Đây là văn hóa rất tốt đẹp của gia đình”, ông Thanh chia sẻ.
Đừng sa đà mê tín
“Cúng lễ mộ phần đều hướng mỗi người trở về tiên tổ. Là người con, hãy ghi nhớ lời Phật dạy để hàng ngày tu niệm, hồi hướng công đức về cho tiên nhân của mình, thành tâm chí kính, niệm phật, tụng kinh, cúng dường Tam Bảo, cúng dường chư tăng để cha mẹ bình an, phước lộc thọ khang, gia đình hạnh phúc” - Đại Đức Thích Trí Thịnh giảng giải. Trong dịp đại lễ Vu lan, mọi người nên làm những điều thánh thiện nhất. Con cái phải nhìn lại xem mình đã hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ thế nào. Ngược lại, mẹ cha cũng phải xem đã làm hết thiên chức của mình chưa. Bên cạnh đó, mọi người cũng phải san sẻ tình yêu thương tới mọi người.
Những ngày này, mọi người thường đến chốn chùa cầu nguyện cho tâm linh. Nhiều người ăn chay hướng về tổ tiên, ông bà rồi làm việc thiện, phóng sinh… Ngoài việc thể hiện tấm lòng hiếu thảo thì mình phải sống sao cho thật hạnh phúc. Con người có cuộc sống tốt đời đẹp đạo thì bố mẹ sẽ an tâm an hưởng tuổi già.
Sau nghi lễ bông hồng cài áo là nghi lễ thả đèn hoa đăng. Theo ý nghĩa của Phật giáo đối với nghi lễ này là cầu cho quốc thái, dân an, mọi nhà đều an lành, hạnh phúc. Người dân tâm niệm, thả đèn hoa đăng cầu mong cho người thân luôn mạnh khỏe, bình an và gặp mọi điều tốt lành. Những ai đã mất cha mẹ, sẽ được cài lên ngực một bông hồng màu trắng. Những ai mất cha hoặc mẹ sẽ được cài lên ngực bông hoa hồng màu phớt hồng. Những ai còn cha và mẹ sẽ được cài lên ngực áo bông hồng màu đỏ. Dường như ai cũng cảm nhận được sự thiêng liêng mà gần gũi khi được đón nhận bông hồng, nâng niu, cẩn trọng cài lên ngực. Dòng người tham gia rước, thả đèn hoa đăng.
Đại Đức Thích Trí Thịnh cũng nêu tình trạng một số người ưa cúng lễ rềnh rang, mâm cao cỗ đầy, đốt vàng mã vô tội vạ nhưng lại đối xử với cha mẹ không tốt, thậm chí hắt hủi cha mẹ, ông bà. Đây là sự chưa hiểu đúng tinh thần báo ân báo hiếu của Đức Phật dạy. “Trong kinh Phật dạy: “Dù cho vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đi khắp thế gian này cũng không đền đáp được công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ…”.
Nếu như trước đây ở góc độ tâm linh người ta đốt vàng mã chỉ là tượng trưng một chút lòng thành con cháu muốn gửi gắm tới ông bà, tổ tiên. Song, giờ đây cái suy nghĩ mê tín dị đoan rằng “trần sao âm vậy” nên họ đốt quá nhiều và đốt đủ thứ một cách sa đà, lãng phí gây nhiều hệ lụy, làm cho ô nhiễm môi trường, tốn kém về tài chính, thậm chí hỏa hoạn và nhiều vấn đề kèm theo dẫn đến tiêu cực, mất đi ý nghĩa ban đầu.
Trong khi Chính phủ đang kêu gọi toàn dân tiết kiệm, chỉ vì mê tín dị đoan, người dân lại đang tay đốt số tiền hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng - số tiền thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Với số ấy, người dân có thể ủng hộ xây thêm nhiều trường học, nhiều mái nhà cho những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hay những trẻ em lang thang cơ nhỡ, lo thuốc men cho trẻ tàn tật…