Vụ Pháp luật quốc tế - 20 năm một chặng đường và định hướng phát triển

(PLVN) -Ngày 05/08/2003, Vụ Pháp luật quốc tế được thành lập và giữ vai trò trung tâm về công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp, xây dựng, tham gia xây dựng pháp luật liên quan tới công pháp quốc tế, tư pháp quốc tế. Nhân dịp 20 năm thành lập Vụ Pháp luật quốc tế, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc.

Bộ Tư pháp được tái thành lập năm 1981, cùng với đó, công tác pháp luật quốc tế của Bộ được giao cho Phòng Pháp luật quốc tế và Hợp tác quốc tế thuộc Vụ Pháp luật chung, sau đó là Vụ Pháp luật quốc tế và Hợp tác quốc tế (năm 1987).

-Là Lãnh đạo Bộ phụ trách Vụ Pháp luật quốc tế, xin Thứ trưởng chia sẻ dấu ấn của Vụ trong chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển vừa qua?

​Bộ Tư pháp thực hiện các công việc liên quan tới pháp luật quốc tế kể từ khi tái thành lập năm 1981 nhưng trong giai đoạn đầu thì khối lượng và tính chất công việc này còn ở mức độ khiêm tốn cho tới khi thành lập Vụ Pháp luật quốc tế. Có thể thấy rằng, trong 20 năm qua, công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp đã có sự phát triển, trưởng thành vượt bậc, gắn liền với quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, khẳng định được vị trí và vai trò công tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp trong tham mưu, xử lý các vấn đề pháp luật và tư pháp quốc tế phát sinh, bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc. Nhìn lại chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Vụ Pháp luật quốc tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ mà khó có thể nêu hết ở đây. Tôi chỉ đề cập tới một số dấu ấn sau đây:

Thứ nhất, chức năng, nhiệm vụ của Vụ Pháp luật quốc tế không ngừng được hoàn thiện, mở rộng và chuyên môn sâu nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước. Ngay cả đối với những chức năng, nhiệm vụ đã có thì khối lượng công việc, yêu cầu về tiến độ và chuyên môn cũng tăng đáng kể. Từ việc trước đây Vụ chủ yếu tham gia, phối hợp với các Bộ, ngành đàm phán các điều ước quốc tế thì giờ đây Vụ đã đảm đương việc chủ trì đàm phán các điều ước quốc tế song phương, đa phương và khu vực cũng như là tham gia các tổ chức quốc tế.
Hiện Vụ Pháp luật quốc tế đang được giao chủ trì thực hiện quy chế thành viên của Việt Nam trong khoảng 20 điều ước quốc tế và tổ chức quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị, Công ước New York về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, Công ước La hay về tống đạt giấy tờ trong và ngoài tư pháp, Công ước La hay về thu thập chứng cứ, Quy chế thành viên của Việt Nam tại Hội nghị La hay về Tư pháp quốc tế.

Vai trò chủ công của Vụ Pháp luật quốc tế trong tham mưu giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế trong thời gian gần đây đã được đánh giá cao mặc dù đòi hỏi chuyên sâu ngang tầm quốc tế, nhiều kỹ năng và tính chuyên nghiệp cao.

​Việc tham mưu, giúp Bộ bảo đảm an toàn pháp lý cho quá trình hội nhập quốc tế của đất nước là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện các chủ trường đường lối chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng và được đặt chủ yếu vào Vụ Pháp luật quốc tế của Bộ.
Tôi rất ấn tượng với khối lượng công việc khổng lồ, nhiệm vụ hết sức phức tạp và yêu cầu cao mà Vụ Pháp luật quốc tế thực hiện hàng năm để giúp Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương có đầy đủ cơ sở pháp lý quốc tế và trong nước khi quyết định các vấn đề hội nhập quốc tế.

​Trong xây dựng thể chế pháp luật trong nước thì Vụ Pháp luật quốc tế đã làm tốt 02 nhóm nhiệm vụ chính. Trước hết, Vụ Pháp luật quốc tế là “cầu nối” để chuyển tải, nội luật hoá các cam kết quốc tế của Việt Nam thành pháp luật trong nước để bảo đảm thực hiện hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Tiếp đó, Vụ chủ trì tham mưu, giúp Bộ trưởng nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về tư pháp quốc tế, điều chỉnh các quan hệ có yếu tố nước ngoài không chỉ dừng ở các quy phạm xung đột pháp luật nội dung mà còn bao gồm cả các vấn đề xung đột thẩm quyền và công nhận thi hành các quyết định của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước.

Thứ hai, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Vụ Pháp luật quốc tế được không ngừng củng cố, hoàn thiện và tăng cường tương xứng với sự phát triển chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Tại thời điểm thành lập, Vụ Pháp luật quốc tế chỉ có 12 công chức, không có tổ chức phòng trực thuộc.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc tham gia Phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ 3.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc tham gia Phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ 3.

Hiện tại, Vụ Pháp luật quốc tế là một trong số các đơn vị cấp Vụ thuộc Bộ có được biên chế lớn nhất, ổn định và có cấp phòng phù hợp. Đội ngũ cán bộ của Vụ Pháp luật quốc tế được đào tạo bài bản có chuyên môn sâu và trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đủ để giải quyết các công việc mà không cần phiên dịch, trong đó nhiều cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

-Với những kết quả đã đạt được trong 20 năm qua của Vụ Pháp luật quốc tế, Thứ trưởng có điều gì muốn nhắn nhủ đối với tập thể cán bộ Vụ?

Trong bối cảnh đất nước tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và ngày càng có nhiều vấn đề pháp luật và tư pháp quốc tế cần được giải quyết trên cơ sở pháp luật quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật quốc gia. Trong khi đó tình hình quốc tế diễn biến nhanh, có yếu tố khó lường, đang và sẽ đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đan xen đối với Vụ Pháp luật quốc tế.
Bên cạnh đó, ngày càng phát sinh những vấn đề liên quan tới pháp luật quốc tế từ ngay trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cần có sự vào cuộc của các chuyên gia Vụ Pháp luật quốc tế để tham mưu, giải quyết phù hợp. Là Lãnh đạo Bộ được Bộ trưởng phân công phụ trách công tác pháp luật quốc tế, tôi mong muốn gửi tới cán bộ Vụ Pháp luật quốc tế ba điều sau đây:

Thứ nhất, mỗi cán bộ Vụ Pháp luật quốc tế cần cảm nhận được sự tự hào và vinh dự được làm công tác pháp luật quốc tế trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước và lại được làm tại một đơn vị có bề dày thành tích, kết quả công tác tốt như Vụ Pháp luật quốc tế. Chỉ khi mỗi người cảm nhận được như vậy thì mới tự suy nghĩ, phấn đấu, quyết tâm để kế thừa và phát triển những gì các thế hệ lãnh đạo và cán bộ Vụ Pháp luật quốc tế đã làm được, vun đắp cho sự phát triển của đơn vị.

Thứ hai, hội nhập quốc tế là bước ra “biển lớn” mà Vụ Pháp luật quốc tế là đơn vị giúp Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương không chỉ nhận ra “luật chơi” trong giai đoạn mới mà còn phải “chơi sòng phẳng”, “chơi tốt” và “chiến thắng” theo luật chơi của cuộc chơi này, đây cũng là lúc cán bộ Vụ Pháp luật quốc tế cần bước những bước tiếp theo là tham gia tạo luật chơi để bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc ngay từ đầu cuộc chơi.

Muốn vậy, mỗi cán bộ Vụ Pháp luật quốc tế phải khẳng định mình là chuyên gia giỏi về những nội dung nhất định của pháp luật quốc tế và cả tập thể Vụ là chuyên gia hàng đầu về pháp luật quốc tế. Hiện tại, Vụ có nhiều cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, có nhiệt huyết của sức trẻ và nếu có thêm ý chí, quyết tâm học hỏi, vươn lên thì tôi tin là các cán bộ trẻ này sẽ thành công.

Cuối cùng, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Vụ Pháp luật quốc tế, tôi xin trân trọng ghi nhận, biểu dương, chúc mừng và cảm ơn những đóng góp của tập thể Vụ Pháp luật quốc tế, các thế hệ lãnh đạo, công chức đã và đang công tác tại Vụ trong suốt 20 năm qua. Tôi tin tưởng rằng với những thành tích đã đạt được trong 20 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể Vụ sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Chúc Vụ Pháp luật quốc tế bước vào chặng đường phát triển mới với niềm tin vững chắc vào thành công.

Trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

Đọc thêm