Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (PLQT) Bạch Quốc An cho biết, năm 2024, công tác pháp luật quốc tế phức tạp hơn nhiều so với những năm trước do phải xử lý các vấn đề liên quan đến pháp luật quốc tế mới phát sinh để góp phần bảo đảm môi trường pháp lý, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế phát triển sản xuất kinh doanh; cùng với đó, các tranh chấp đầu tư quốc tế vẫn tiếp tục tăng cao. Trong hoàn cảnh đó, Vụ PLQT vẫn làm tốt nhiệm vụ của mình, có nhiều thành quả nổi bật.
Cụ thể, về công tác điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế, trong năm qua, Vụ PLQT đã chủ trì thẩm định 40 ĐƯQT; góp ý 223 ĐƯQT, TTQT, chất lượng thẩm định, góp ý được các Bộ, ngành, cơ quan đánh giá cao. Bên cạnh đó, Vụ PLQT cũng đã cấp 05 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài. Trong công tác đàm phán, ký ĐƯQT, tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương quan trọng; Tham gia đàm phán nhiều điều ước quốc tế trong lĩnh vực công pháp quốc tế…
|
Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bạch Quốc An báo cáo tại Hội nghị. |
Năm 2024, Vụ PLQT đã chủ động tham gia chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai các hoạt động trong lĩnh vực công pháp quốc tế với nhiều kết quả cụ thể như tham gia xây dựng pháp luật quốc tế, pháp luật trong nước; chuẩn bị nội dung và tham dự gần 200 cuộc họp liên quan đến lĩnh vực này. Thông qua các công việc này, góp phần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần đẩy mạnh các hoạt động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện các cam kết của Việt Nam, khẳng định vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế.
Vụ tiếp tục thực hiện tốt vai trò của Cơ quan chủ trì,Cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ trong tranh chấp đầu tư quốc tế. Đặc biệt là, năm 2024, Vụ đã chủ trì tham mưu cho Bộ xây dựng, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia pháp lý tư vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương khi tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giai đoạn 2025-2030.
|
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị. |
Công tác xây dựng thể chế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự được quan tâm, chú trọng. Vụ đã tham mưu xây dựng Dự thảo Tương trợ tư pháp về dân sự đảm bảo chất lượng, tiến độ để có thể trình Quốc hội xem xét và thông qua trong năm 2025. Bên cạnh đó, công tác điều ước quốc tế cũng tiếp tục được đảm bảo, khẳng định vai trò của Bộ Tư pháp trong việc bảo đảm sự phù hợp giữa pháp luật trong nước với các điều ước quốc tế.
Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu đều nhất trí cao với các dự thảo báo cáo và chương trình công tác năm 2025 của Vụ PLQT; tập trung phân tích, bổ sung và làm sâu sắc thêm nhiều nội dung đánh giá cụ thể về ưu điểm, kết quả đạt được cũng như tồn tại hạn chế trong công tác của Vụ năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2025.
|
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị. |
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị Vụ PLQT tập trung thực hiện các ý kiến chỉ đạo cụ thể về công tác pháp luật quốc tế của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Tư pháp. Trong đó tập trung nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp luật quốc tế nhằm đáp ứng các yêu cầu của đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Xử lý hiệu quả các vấn đề vướng mắc phát sinh; nâng cao tính Đảng trong việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Vụ.
|
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu kết luận Hội nghị. |
Thứ trưởng đề nghị Vụ PLQT tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể; giữ gìn đoàn kết nội bộ, kỷ cương, kỷ luật công vụ, gắn bó, tương thân tương ái giữa các công chức trong Vụ; lãnh đạo Vụ cần gương mẫu và phải ý thức được trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện để các công chức hoàn thành nhiệm vụ
Bên cạnh đó, tập trung phát triển đội ngũ công chức, nhất là các công chức trẻ, có chất lượng về pháp luật quốc tế thông qua đào tạo tại chỗ và đào tạo dài hạn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào công tác xây dựng pháp luật…