Vụ “Phó GĐ bù nhìn” kêu cứu bị oan án: Dấu hiệu oan sai, bỏ lọt tội phạm

(PLO) - Gia đình bị án Trần Ngọc Trung cũng như luật sư bào chữa cho Trung nhận định các cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Ninh đã buộc tội bị cáo một cách “khiên cưỡng”, có dấu hiệu đổ hết tội lên bị cáo Trung, bỏ lọt tội phạm.
Trung (bên trái) và ông chủ ngoại quốc khi còn “mặn nồng”

Trần Ngọc Trung (SN 1975, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Quốc tế Đông Thăng Việt Nam) là bị án trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã bị CQĐT Công an Quảng Ninh khởi tố từ năm 2014.

Theo cáo buộc, từ tháng 4-6/2013, Trung đã lập và bán hồ sơ mời thầu dự án không có thật, hứa giúp đỡ trúng thầu chiếm đoạt của ông Phan Trọng Hùng tổng cộng 900 triệu đồng. Năm 2015, Tòa án Quảng Ninh tuyên phạt Trung 14 năm tù. Năm 2017, tại trụ sở TAND tỉnh Quảng Ninh, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sở thẩm.

Truy nã hôm trước, bắt hôm sau?

Theo hồ sơ, ngày 10/9/2013, ông Phan Trọng Hùng (bị hại trong vụ án) đã có đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Trần Ngọc Trung. Đến ngày 22/1/2014, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 9/12/2014 Trung bị bắt theo Quyết định truy nã số 05 trước đó 1 ngày.

Ông Trần Ngọc Liên, bố bị án Trung cho rằng nếu đã có quyết định truy nã ngày 8/12 thì tại sao ngày 9/12 Công an Quảng Ninh vẫn gửi Giấy triệu tập số 11 với nội dung yêu cầu Trung đến làm việc về nội dung anh này tố cáo ông Lưu Vĩnh Hòa (Tổng Giám đốc Công ty Đông Thăng, cấp trên của Trung) lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Liên cho rằng Công an Quảng Ninh bắt giữ con trai rồi sau đó ra quyết định truy nã đề lùi ngày 8/12 để “hợp thức hóa”.

Nội dung này cũng được bị can Trần Ngọc Trung nêu trong đơn gửi Bộ Công an khi đang bị giam tại Trại giam Công an tỉnh Quảng Ninh. Trong đơn, Trung nói bị Công an Quảng Ninh và Công an Hà Nội bắt vào chiều ngày 9/12/2014 tại phố Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) khi đang kiểm tra dự án khu công nghiệp Thuận Thành 2. “Lúc bắt không có lệnh bắt và giấy tờ gì cả. Sau đó tôi được áp giải về Công an phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội”, Trần Ngọc Trung kêu oan.

Vẫn theo đơn của Trần Ngọc Trung, tại PC45 Hà Nội, lúc 17h, anh ta tiếp tục yêu cầu xem giấy tờ bắt giữ người, lúc này cảnh sát Quảng Ninh đưa ra lệnh truy nã đối với Trung về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Phan Trọng Hùng (Giám đốc Công ty Ninh Thủy) với số tiền 900 triệu đồng. Sau đó Trung được áp giải về công an Quảng Ninh.

Trong đơn kêu oan, Trần Ngọc Trung trình bày không hề bỏ trốn và không nhận được giấy triệu tập làm việc của Công an tỉnh Quảng Ninh. Bản thân Trung cũng như công ty có địa chỉ rõ ràng, công ty vẫn hoạt động bình thường. Do đó CQĐT cho rằng anh bỏ trốn là không đúng. Bố ruột Trung nói, trước thời điểm con trai bị bắt giữ, ông không nhận được bất kỳ giấy tờ nào của công an thông báo Trung phạm tội, bỏ trốn, gia đình vẫn liên lạc với con trai bình thường.

Bằng chứng nữa ông Liên đưa ra là trong thời gian này, con trai ông đang khiếu nại về hành vi cưỡng đoạt tài sản của ông Phan Trọng Hùng, có dấu hiệu cấu kết với điều tra viên Công an Quảng Ninh. Trung thường xuyên được Công an Quảng Ninh mời lên làm việc về nội dung tố cáo. Cụ thể từ tháng 3/2014, Trần Ngọc Trung có đơn tố cáo ông Phan Trọng Hùng cưỡng đoạt tài sản, sau đó tháng 5/2014, Văn phòng cơ quan CSĐT, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an có phiếu chuyển đơn của Trần Ngọc Trung đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh. Cũng trong thời gian này, Trung có đơn tố cáo ông Lưu Vĩnh Hòa lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an triệu tập Trung ngày 9/12 lên làm việc nhưng cùng ngày Trung bị bắt theo lệnh truy nã trước đó một ngày

Nghi vấn bỏ lọt tội phạm

Vẫn lời ông Liên, Trung trong một lần xuống Quảng Ninh tìm dự án làm ăn thì làm việc với Công ty Đông Thăng và ông Lưu Vĩnh Hòa - Tổng Giám đốc công ty này. Theo như Trung kể với bố ruột, anh ta đặt cọc 100.000 USD và gần 2 tỷ đồng để được thực hiện một hạng mục của dự án Trung tâm thương mại Đông Thăng Hải Phòng do Công ty Đông Thăng làm chủ đầu tư. Tuy nhiên sau đó công ty của Trung không trúng thầu, Công ty Đông Thăng cũng không trả lại tiền. 

Nội dung này trong đơn kêu oan Trung viết: “Thấy tôi liên tục đòi tiền mà A Hòa (tức ông Lưu Vĩnh Hòa - NV) thì muốn chiếm, không trả nên A Hòa đưa ra bánh vẽ, dụ dỗ tôi ở đây làm việc và bổ nhiệm cho tôi làm Phó Tổng Giám đốc, sau đó sẽ chuyển nhượng cho tôi 20% cổ phần của Công ty TNHH MTV Quốc tế Đông Thăng Việt Nam”. Trung tố cáo ông chủ ngoại quốc sau đó hỏi vay tiền nhiều lần, tổng số tiền đến nay trên dưới 4 tỷ đồng.

Trực tiếp số tiền 500 triệu bị truy tố sau này nhận bảo lãnh của Công ty Ninh Thủy, Trần Ngọc Trung nói đã nộp cho Công ty Đông Thăng và A Hòa đã sử dụng. Gia đình ông Liên cung cấp một số đoạn ghi âm được cho là cuộc nói chuyện giữa Trung với A Hòa cho rằng chính A Hòa cũng đã thừa nhận trách nhiệm hoàn trả lại tiền với ông Hùng. Bản thân ông Hùng cũng nhận thức được người có trách nhiệm trả lại tiền cho mình là A Hòa nên đã nhiều lần thúc giục Trung đốc thúc công ty trả lại tiền.

Luật sư Nguyễn Hoàng Trung (Đoàn Luật sư Hà Nội) bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Trần Ngọc Trung ở thời điểm TAND Quảng Ninh mở phiên xét xử sơ thẩm cho rằng trong vụ án trên, sau khi bị UBND tỉnh Quảng Ninh thu hồi đất năm 2012, Công ty Đông Thăng mà trực tiếp là ông Lưu Vĩnh Hòa ký rất nhiều văn bản đề nghị được cho là nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp tục thuê đất thực hiện dự án. Về dự án thì xin chuyển đổi sang trung tâm thương mại. Điều này thể hiện sau khi có quyết định thu hồi đất, Công ty Đông Thăng vẫn tiếp tục thực hiện dự án, chuyển đổi dự án và đều nằm trong kế hoạch của công ty này. Trong thời gian này hoàn toàn có khả năng Lưu Vĩnh Hòa yêu cầu hoặc giao nhiệm vụ Trần Ngọc Trung với tư cách Phó Tổng Giám đốc thực hiện các công việc theo chủ trương. Chẳng hạn như việc ông Hòa giao Trung thuê kỹ sư vẽ lại thiết kế dự án. Nội dung này thể hiện trong kết luận điều tra (KLĐT), cáo trạng.

Mặt khác, theo luật sư các tài liệu trong vụ án cho thấy Công ty Đông Thăng đã lập và bán nhiều hồ sơ mời thầu. Số tiền bán đều có phiếu thu và Công ty Đông Thăng là bên hưởng lợi. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, CQĐT chỉ quy kết trách nhiệm cho Trần Ngọc Trung: “Nếu là hồ sơ giả, gian dối thì các tư cách pháp nhân phải chịu trách nhiệm, người giữ con dấu chỉ phải chịu trách nhiệm một phần, trách nhiệm liên đới, đồng phạm giúp sức. Nhưng trong vụ án lại xác định trách nhiệm hoàn toàn lên bị cáo Trung”, luật sư nêu quan điểm.

Tiếp tục tìm hiểu những dấu hiệu khuất tất chưa được làm rõ trong vụ án Trần Ngọc Trung lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo và gia đình cho rằng cơ quan tố tụng đã “mập mờ” số tiền truy tố, điều tra viên có dấu hiệu mớm cung... Mời độc giả đón đọc trong số báo sau. 

Theo KLĐT vụ án, CQĐT nhận thấy quá trình điều tra không đủ căn cứ chứng minh vai trò đồng phạm, chủ mưu, cầm đầu của ông Lưu Vĩnh Hòa nên không đề cập xử lý. Đối với Nguyễn Thị Kim Chi, Ngô Tuấn Anh, có hành vi ký các hồ sơ mời thầu, bán và viết phiếu thu tiền bán hồ sơ mời thầu dự án Trung tâm thương mại quốc tế Asean trong quá trình điều tra xác định làm theo chỉ đạo của Trần Ngọc Trung, không được hưởng lợi ích gì nên chưa đủ căn cứ xử lý hình sự.

Đọc thêm