Vụ trao nhầm con ở Hà Nội: Người mẹ không chịu hoán đổi con sẽ bị xử lý như thế nào?

(PLO) Liên quan đến việc trao nhầm con, Luật sư Hà Huy Từ- Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng: Gia đình có quyền làm đơn khởi kiện ra TAND  đề nghị giải quyết việc nhận con theo quy định của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, giải pháp khởi kiện chỉ là giải pháp sau cùng.
Bệnh viện đa khoa Ba Vì nơi xẩy ra việc nhầm con
Bệnh viện đa khoa Ba Vì nơi xẩy ra việc nhầm con

Luật sư Hà Huy Từ - Đoàn luật sư TP. Hà Nội  chia sẻ:

"Tôi cảm thông với chị H khi chị đang bị sốc, chưa chuẩn bị về tâm lý, đó là bản chất thật của người phụ nữ, của người mẹ với người đã được mình nuôi nấng từ nhỏ. Tuy nhiên, cũng cần phải chia sẻ với anh Sơn khi anh rất mong muốn được nhận lại đứa con ruột của mình.

Vì vậy, việc cả 2 bên gia đình chị H và anh Sơn nên bàn bạc, thống nhất, ngồi với nhau để trao đổi con dưới sự chứng kiến của cơ quan chức năng là tốt nhất, vừa hợp lý, hợp tình, mang tính nhân văn, nhân ái, “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

Giả sử trong trường hợp chị H nhất quyết không hoán đổi vị trí 2 cháu bé thì vợ chồng anh Sơn có quyền làm đơn khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện Ba Vì, Hà Nội đề nghị giải quyết việc nhận con theo quy định của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, giải pháp khởi kiện chỉ là giải pháp sau cùng."

Cũng theo luật sư Từ, vấn đề trách nhiệm của kíp trực gây ra vụ trao nhầm con được xem xét dưới các góc độ: Thứ nhất, cơ quan chức năng căn cứ yếu tố khách quan, tính chất, mức độ, hậu quả, lỗi… đối với kíp trực gây ra vụ trao nhầm con để có thể xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự đối với cá nhân có sai phạm.

Tuy nhiên, khả năng bị xử lý hình sự có thể ít xẩy ra vì theo quan điểm của tôi bệnh viện là nơi cứu người, nơi chăm sóc bệnh nhân, nếu có sai sót trong việc trao nhầm trẻ sơ sinh thì có lẽ đó là sai sót không cố ý, không có động cơ, mục đích đánh tráo người. Vì vậy, cần hết sức thận trọng khi xem xét dưới góc độ pháp luật hình sự.

Thứ hai, trong trường hợp, nếu cơ quan chức năng không xem xét xử lý thì người bị thiệt hại (anh Sơn, chị H) có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Ba Vì bồi thường. Nếu tòa án thụ lý, giải quyết và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì Bệnh viện Đa khoa Ba Vì phải bồi thường cho gia đình đã bị trao nhầm con.

Sau đó, bệnh viện Đa khoa Ba Vì có quyền yêu cầu các cá nhân trong kíp trực có lỗi trao nhầm đứa trẻ phải bồi thường lại cho bệnh viện (quy định tại Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015).    

Trước đó, dư luận xôn xao đơn kiến nghị của anh Phùng Giang Sơn (sinh năm 1990, trú tại Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) về việc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì trao nhầm con cho gia đình sau khi sinh.

Lý giải việc hai bé trai bị trao nhầm tại Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội vẫn chưa thể đoàn tụ với gia đình sau khi sự thật được phát hiện, trả lời với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, cho hay: “Hiện tại, gia đình anh Phùng Giang Sơn (Tây Đằng, Ba Vì) và chị Vũ Thu Hương (xã Phú Sơn, Ba Vì) tương đối sốt ruột trong quá trình trao - nhận con nhưng chị Hương chưa sẵn sàng”.

Theo đại diện bệnh viện, các bên từng gặp nhau một lần vào ngày 14/4, tuy nhiên, vấn đề chưa được giải quyết do chị Hương gặp khó khăn về mặt tâm lý.

Đọc thêm