Như Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị dừng tất cả các vấn đề liên quan đến việc chuyển nhượng dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ, nay là Hà Nội) và dự án hoàn vốn (khu đô thị Thanh Hà) với lý do sau khi rà soát các quyết định liên quan đến dự án đã phát hiện nhiều vấn đề.
Cụ thể, việc chuyển nhượng vốn tại Cienco5 Land - đơn vị thành viên thực hiện dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và Khu đô thị Thanh Hà (dự án hoàn vốn) được cho là “không phù hợp với quy định của pháp luật và định hướng ban đầu”.
“Việc chuyển nhượng chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục thoái vốn nhà nước", văn bản của Cienco 5 nêu.
Do đó, Cienco 5 kiến nghị: “Yêu cầu Tổng công ty và Cienco 5 Land dừng tất cả các vấn đề liên quan đến chuyển nhượng dự án, chuyển chủ đầu tư, nhà đầu tư đối với dự án BT và dự án hoàn vốn”.
Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) Vũ Anh Minh |
Trước thông tin lo ngại “mất vốn nhà nước” tại Cienco 5 và Cienco 5 Land, trả lời PV, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) khẳng định: “Cienco 5 không bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp dự án là Cienco 5 - Land nên không có chuyện thất thoát vốn”.
Theo ông Minh cho biết, thực hiện phương án cổ phần hóa (CPH) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cienco 5 đã hoàn thành việc chuyển đổi sang công ty cổ phần từ ngày 2/6/2014. Vốn điều lệ là 439 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Cổ đông Nhà nước chiếm 63,18% vốn điều lệ; 2 Cổ đông chiến lược 31% vốn điều lệ (Công ty cổ phần Nam Trí chiếm 15,5% và Công ty CP Việt Phương chiếm 15,5%); Các cổ đông khác chiếm 5,82% vốn điều lệ.
Hội đồng quản trị (HĐQT) của Cienco 5 gồm 5 thành viên, trong đó có 3 thành viên là người đại diện theo ủy quyền của Bộ GTVT. Hai thành viên còn lại là đại diện của 2 cổ đông chiến lược. Toàn bộ quá trình CPH được diễn ra công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Cienco 5 theo phương thức bán cổ phần theo lô, ngày 31/12/2015, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh tổ chức bán đấu giá theo lô đợt 1, tương ứng 23,18% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư. Giá khởi điểm là hơn 101 tỷ đồng. Khi đó có 2 nhà đầu tư tham gia đấu giá. Kết quả, nhà đầu tư Công ty CP Hải Phát trúng giá hơn 202 tỷ đồng, cao gần gấp 2 lần so với giá khởi điểm. Ngày 25/3/2016, Cienco 5 và nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng (ghi sổ đăng ký cổ đông) để Công ty cổ phần Hải Phát chính thức là cổ đông của Cienco 5.
Như vậy, việc thoái vốn hoàn thành được thực hiện công khai, minh bạch, theo đúng các quy định. Đặc biệt, giá trị vốn Nhà nước thu về gấp gần 2 lần so với giá khởi điểm. Do vậy, ý kiến cho rằng việc thoái vốn không minh bạch khiến vốn Nhà nước thất thoát hàng trăm tỷ đồng là không có cơ sở.
Ông Hà Hùng - (khi còn là Tổng giám đốc Cienco 5) chính thức lên tiếng cho biết thông tin “mất vốn nhà nước” tại Cienco 5 và doanh nghiệp dự án Cienco 5-land là không chính xác, thiếu cơ sở. Ông Hùng cho biết, Cienco 5 Land là doanh nghiệp dự án, được thành lập năm 2007 với quy mô vốn điều lệ 50 tỷ đồng (trong đó Cienco 5 nắm giữ 49% vốn điều lệ, tương ứng 24,5 tỷ đồng). Từ đó đến nay, Cienco 5 Land đã qua 4 lần tăng vốn điều lệ và mỗi lần tăng vốn đều thông báo quyền đầu tư theo đúng quy định và bình đẳng với các nhà đầu tư khác./.