Bộ này còn “ưu ái” đề xuất số vốn tối thiểu (47,3 tỷ đồng) mà Vietstar Airlines còn thiếu sẽ được Công ty này “bổ sung sau khi đi vào hoạt động”.
Chưa đủ điều kiện, vẫn xin được cấp phép
Bộ GTVT vừa có tờ trình xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty CPHK Lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines). Theo đề xuất của Bộ này thì hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietstar Airlines phù hợp với quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP “Về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung”.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại có văn bản cho rằng Cty Ngôi sao Việt chưa đáp ứng điều kiện về vốn theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 30/2013 - NĐ-CP.
Theo đó, Bộ Tài chính dẫn Điều 9 của Nghị định này và nêu rõ: Về văn bản xác nhận vốn, đối với hãng hàng không đang khai thác, có thể sử dụng bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn phù hợp. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ GTVT tại Công văn số 12277 thì việc xác nhận vốn của Cty Ngôi sao Việt do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh thực hiện là chưa phù hợp. Nói cách khác, Cty này phải có văn bản xác nhận vốn theo đúng quy định.
Ngày 14/12/2015, Văn phòng Chính phủ cũng truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, hướng dẫn Cty Ngôi sao Việt hoàn thiện Hồ sơ cấp phép theo đúng quy định.
Tuy nhiên sau đó, theo Bộ GTVT giải trình thì Cty Ngôi sao Việt chỉ nộp được bổ sung Hồ sơ cấp phép Báo cáo tài chính đã kiểm toán đến ngày 31/12/2015 và đề nghị sử dụng Báo cáo tài chính đã được kiểm toán để thay thế văn bản xác nhận vốn theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP vì “việc phong tỏa tài khoản để xác nhận vốn theo quy định là không thực hiện được, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp”.
Không chỉ đề xuất được “lách luật”, Bộ GTVT còn đề xuất: “Do Cty đã dùng nguồn vốn để chi cho các hoạt động trong giai đoạn đầu vận hành nên còn thiếu vốn tối thiểu (47,3 tỷ đồng) theo quy định của Nghị định 30. Cty cam kết sớm bổ sung đủ số vốn tối thiểu là 700 tỷ theo đúng quy định”.
Sự nôn nóng đến khó hiểu của Bộ GTVT làm dấy lên dư luận phải chăng Bộ này đang “tranh thủ” chạy nước rút để ồ ạt cấp phép kinh doanh hàng không?
“Tướng Thước: Vietstar Airlines lợi dụng uy tín của quân đội”?
Giới thiệu trên website chính thức Vietstarairlines.net, Cty Ngôi sao Việt cho biết: Vietstar Airlines thành lập ngày 27/04/2010, là đơn vị kinh tế thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc phòng có chức năng vận chuyển hành khách - hàng hóa, sửa chữa – bảo dưỡng máy bay, cung ứng xăng dầu hàng không và đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành hàng không.
Tuy nhiên, trả lời trên Báo Quân đội Nhân dân ngày 29/3, Trung tướng Lê Huy Vịnh, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân khẳng định: Cty Ngôi sao Việt không phải là đơn vị kinh tế thuộc Quân chủng mà chỉ là đơn vị liên doanh liên kết.
Quân chủng Phòng không - Không quân cũng không đề xuất phương án thành lập hãng hàng không mới Ngôi sao Việt - Vietstar Airlines.
Trước động thái “tự nhận” này của Vietstar Airlines, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Ủy viên T.Ư Đảng khóa 6 cho rằng: Đây là hành động lợi dụng uy tín của quân đội.
“Tôi đề nghị Bộ Quốc phòng cần cho kiểm tra lại ngay, tránh sự việc như Công ty đa cấp Liên kết Việt làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Bộ Quốc phòng”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh.
Nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho rằng, Bộ Quốc phòng cũng như cơ quan quản lý nhà nước cần cho thẩm tra làm rõ vấn đề lợi dụng danh nghĩa quân đội để làm việc sai trái hoặc danh nghĩa Bộ Quốc phòng để “đánh bóng” tên tuổi nhằm thu hút nhà đầu tư, thu hút hành khách.
Sau khi thông tin trên được báo chí lên tiếng, từ đầu giờ chiều hôm qua (30/3/2016), webssite Vietstarairlines.vn bất ngờ không truy cập được.
Trước đó, nhiều tờ báo đưa tin về việc Bộ GTVT xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines đã nhấn mạnh, vì công ty này là đơn vị của Bộ Quốc phòng nên song song với kinh doanh dân dụng, công ty còn phục vụ cho cả quân dụng như vận chuyển quân lực, quân trang, bay thăm dò, khảo sát.
Vì sao Bộ GTVT “ưu ái”, nôn nóng cấp phép cho Vietstar Airlines và động cơ nào khiến Vietstar Airlines phải “tự nhận” mình là doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng?
PLVN sẽ tiếp tục thông tin.