Vừa xem vừa nằm với nhau giữa rạp phim có phản văn hóa Việt?

(PLO) - Rạp chiếu phim giường nằm đôi chuẩn… khách sạn vừa mới ra mắt của cụm rạp CGV đang thu hút cả sự tò mò lẫn phản ứng trái chiều. Có vẻ như, sau khi ổn định ở phân khúc bình dân, các "đại gia" rạp phim đang tấn công vào phân khúc siêu sang, vừa xem phim vừa hưởng thụ.
Vừa xem vừa nằm với nhau giữa rạp phim có phản văn hóa Việt?

Đến rạp không chỉ để xem phim

Đến rạp xem phim, nhưng không chỉ có xem phim, mà để hưởng thụ bộ phim một cách thoải mái với sự phục vụ tốt nhất, đó là điều mà chủ nhân của rạp chiếu phim giường nằm đầu tiên tại Việt Nam hướng đến cung cấp cho khách hàng. Không gian sang trọng, màn hình khủng, những chiếc giường đôi êm ái được trang bị cả gối đầu lẫn gối ôm, trang trí đẹp mắt, được phục vụ miễn phí thức uống và thức ăn nhẹ…

Tất cả những điều này dễ khiến người xem phim choáng ngợp và lập tức muốn ngả lưng ngay xuống giường để tận hưởng sự tiện nghi mà phòng chiếu mang lại… Tất nhiên, giá cả của phòng chiếu phim đầy hưởng thụ này cũng không hề rẻ chút nào. Giá vé cho mỗi chiếc giường đôi như thế lên đến 600 ngàn đồng, nếu kèm trẻ em phụ thu 200 ngàn đồng, nghĩa là gấp 3-4 lần giá vé xem phim cho một cặp đôi vào rạp bình thường tại CGV.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 8/7, và từ thời điểm khai trương, dù giá vé cao, vẫn tấp nập người rồng rắn mua vé. Hầu hết đều là tâm lý “tò mò xem thử cho biết”. Trước đó, khá nhiều “đại gia” cụm rạp phim cũng đã có những bước thử nghiệm các hệ thống rạp siêu sang tại TP HCM, nơi có những dịch vụ giải trí hiện đại nhất cả nước. Từ năm 2015, cả Lotte và CGV, hai cụm rạp lớn đến từ Hàn Quốc đã triển khai những phòng chiếu phim cực kì “sang chảnh” với bài trí sang trọng và những chiếc ghế bọc da có thể ngả lưng thành ghế nằm êm ái.

Lotte Cinema là cụm rạp đầu tiên áp dụng hình thức rạp “nửa ngồi nửa nằm” ngay tại khu vực trung tâm quận 7, tuy nhiên rạp này sau đó đã phải đóng cửa do ít khách. Sinh sau đẻ muộn và rút kinh nghiệm từ người đi trước, CGV lại khá thành công ở hình thức rạp ghế nằm với phân khúc hướng đến giới văn phòng hạng sang và doanh nhân, với các rạp được bố trí ở trung tâm quận 7, quận 2, nơi có những khu đô thị cao cấp mới, trung tâm quận 1…

Hầu hết, các rạp này đều được trang bị công nghệ chiếu phim imax – một định dạng chiếu phim với công nghệ siêu khủng, độ phân giải cực lớn, sống động cũng như cực kì tốn kinh phí đầu tư. Cạnh đó, các cụm rạp ghế nằm siêu sang cũng đầu tư lớn cho phần ghế bọc da nhập khẩu, trang trí nội thất phòng chiếu… Mỗi phòng chiếu hầu hết không quá 10-12 ghế xem phim cho một suất chiếu. Giá vé của các rạp này tất nhiên cũng rất “khủng”, gấp 2 lần giá thông thường.

Việc cập nhập liên tục các công nghệ cũng như hình thức chiếu phim cao cấp cho thấy, các tập đoàn kinh doanh rạp chiếu phim ở nước ngoài bắt đầu nhìn thấy tiềm năng ở phân khúc tầm trung – tầm cao tại thị trường Việt Nam. Điều này cũng đem lại cho thị trường Việt Nam, mà trước mắt là thị trường giải trí TP HCM thêm một loại hình xem phim “chuẩn quốc tế”.

Cân nhắc lợi – hại

Tất nhiên, việc đưa vào hoạt động những rạp chiếu phim ghế nằm, rồi đến mới đây là giường nằm đôi cũng đặt ra một số vấn đề khá phức tạp trong quản lý. Về phòng chiếu ghế nằm, số lượng khách tại rạp rất hạn chế.

Về rạp giường nằm, mỗi giường đều được trang bị như giường ngủ tại gia, đặc biệt giữa các giường đều có vách ngăn nhỏ để tăng sự riêng tư. Ngoài ra, về tên gọi L’amour (Người tình) cũng thấy rõ đối tượng khách hàng mà loại rạp này hướng đến, điều này gây ra các lo ngại về mặt quản lý xã hội, nếu xảy ra tình trạng nhiều cặp đôi đến rạp không chỉ để xem phim mà để làm những chuyện… riêng tư.

Hoặc thậm chí, ngay cả không có ý đồ từ đầu, thì không gian trong rạp cũng dễ khiến những cặp đôi yêu nhau nảy sinh hành động không hay nơi công cộng?

Về điều này, bà Lưu Hạnh, đại diện truyền thông CGV khẳng định, từ khi các cụm rạp ghế nằm đi vào hoạt động, chưa xảy ra tình trạng “làm bậy” tại rạp. Ngoài ra, phòng chiếu giường nằm cũng được trang bị hệ thống camera quan sát khắp nơi, để nhân viên rạp có thể kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn các tình huống xấu.Tuy nhiên, sự cam kết chỉ là về phần của các nhà kinh doanh. Còn thực tế thế nào, phải chờ rạp đi vào hoạt động một thời gian mới rõ. Nhưng điều quan trọng là, các nhà quản lý không thể chỉ trông chờ vào sự “tự quản” của các cụm rạp để duy trì môi trường rạp chiếu phim hoàn toàn chỉ nhằm mục đích giải trí, không vi phạm thuần phong mỹ tục. 

Bên cạnh đó, còn một khía cạnh khác quyết định sự sống còn của các cụm rạp nói trên, đó là nhu cầu của thị trường. Nếu loại hình rạp giường nằm thực sự đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh, phong phú của người dân, nó sẽ có cơ hội để phát triển. Ngược lại, nếu chỉ nhằm “chứng tỏ bản thân”, gây tò mò hoặc biến tướng thành các mô hình kém văn minh, thì sẽ sớm mất chỗ đứng.

Đọc thêm