Vực dậy sau khủng hoảng sự nghiệp

(PLVN) - Khủng hoảng trong công việc, sự nghiệp là điều mà rất nhiều người có thể gặp phải trong giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua. Đây không chỉ là cú sốc về mặt tài chính mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, giá trị bản thân và cảm hứng sống. Nhưng chính những giai đoạn gian nan ấy là cơ hội để mỗi người tìm lại chính mình và tái sinh mạnh mẽ hơn.
Thất bại trong quá khứ có thể trở thành một “cú hích” cho sự đột phá trong sự nghiệp, nếu biết chấp nhận và đổi thay. (Ảnh: AT)

Nỗi buồn mang tên thất bại

Đã từng là một người rất hoạt bát, tự tin, có năng lực, nhưng trải qua ba lần khởi nghiệp thất bại, giờ đây, chị Kim Minh (34 tuổi), chủ một quán cà phê sáng tạo ở TP Hồ Chí Minh trở nên mệt mỏi, kiệt quệ. Năm 2020, chị mở quán trà sữa với mô hình khá độc đáo và tự tin rằng sẽ được giới trẻ yêu thích. Tuy nhiên, đại dịch ập đến, loay hoay mãi cũng không trụ được với giá mặt bằng quá cao, chị đành chấp nhận đóng cửa. Sau dịch, chị lần lượt hai lần mở quán cà phê với hai mô hình khác nhau, nhưng rồi đều thua lỗ. Tổng số tiền cho ba lần khởi nghiệp của chị là hơn 3 tỉ đồng. Đến lúc này, chị Kim Minh có cảm giác thất bại hoàn toàn, không còn tin tưởng vào năng lực, khả năng kinh doanh của bản thân nữa. Chị bị sa sút tinh thần, stress nặng.

Tương tự, chị Lê Hoàng Anh, nhân viên kì cựu của một công ty kinh doanh mỹ phẩm mới đây đã rơi vào trạng thái sa sút tinh thần vì nhận được quyết định cắt giảm nhân sự. Vị trí của chị Hoàng Anh là nhân viên nội dung, phụ trách viết bài quảng cáo cho website, Fanpage và một số kênh truyền thông của công ty. Tuy nhiên, thời gian qua, cùng với sự lớn mạnh của AI, một số công việc của chị dần bị thay thế. Giờ đây, công ty đã quyết định giảm nhân sự bộ phận nội dung, chỉ giữ lại 2 nhân viên cốt cán đã được đào tạo về cách sử dụng ứng dụng AI trong công việc nhằm tiết giảm chi phí. Lúc này, chị Hoàng Anh nhận ra rằng, vị trí công việc của chị hiện rất khó xin được việc làm, bởi hầu hết các công ty hiện nay đều có lựa chọn tương tự. Bản thân chị Hoàng Anh bị suy sụp bởi không biết tương lai của mình sẽ đi về đâu.

Thực tế, những năm qua, với nhiều biến động về kinh tế, thay đổi về thời cuộc, câu chuyện khởi nghiệp, kinh doanh, việc làm, nghề nghiệp của nhiều doanh nghiệp, người lao động đã có những biến đổi sâu sắc, trong đó có không ít thất bại, vấp ngã trước thực tế khắc nghiệt.

Giai đoạn 2020 - 2024 chứng kiến những biến động lớn trong nền kinh tế toàn cầu. Đại dịch COVID-19 kéo theo suy thoái, khủng hoảng chuỗi cung ứng, cùng những chuyển dịch mạnh mẽ trong thị trường lao động đã tạo nên một bức tranh đầy khó khăn. Đối với người lao động, sự thay đổi công nghệ và tự động hóa khiến hàng triệu việc làm truyền thống bị thay thế, đặc biệt trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. Hàng loạt công ty thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự để thích nghi với tình hình mới, khiến không ít người rơi vào cảnh thất nghiệp đột ngột.

Đối với doanh nhân và người khởi nghiệp, nền kinh tế bất ổn tạo áp lực khổng lồ. Những dự án đầy triển vọng bị đứt gánh giữa chừng vì thiếu vốn, thị trường biến động hoặc nhu cầu người tiêu dùng giảm sút. Ngay cả những doanh nghiệp lâu năm cũng phải gồng mình đối phó với bài toán tồn tại.

Những biến động về nghề nghiệp và việc làm, những thất bại trong công việc thường dẫn đến nhiều hệ lụy về cả kinh tế và tinh thần cho “người trong cuộc”. Về kinh tế, mất việc làm không chỉ khiến thu nhập cá nhân người lao động bị cắt đứt, mà còn ảnh hưởng đến chi tiêu và các khoản vay, làm tăng thêm áp lực nợ nần. Với doanh nhân, phá sản đồng nghĩa với mất mát tài sản, uy tín, thậm chí kéo theo những hệ lụy pháp lý.

Ở khía cạnh tinh thần, thất bại trong sự nghiệp gây tổn thương sâu sắc đến lòng tự trọng. Người lao động thất nghiệp thường cảm thấy mất phương hướng, tự ti và hoài nghi về năng lực bản thân. Doanh nhân hay người khởi nghiệp thất bại có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, stress nặng hoặc cảm giác bị cô lập. Tệ hơn, sự bất ổn kinh tế gia đình - thường gắn liền với thất bại sự nghiệp - có thể dẫn đến những rạn nứt trong quan hệ cá nhân. Không ít gia đình tan vỡ, con cái bị ảnh hưởng tâm lý vì những hệ lụy này.

Chấp nhận thất bại là một phần của hành trình

Sự thất bại trong công việc, sự nghiệp có thể trở thành “cú ngã” lớn đối với bất cứ ai. Thậm chí, với một số trường hợp, sau vấp ngã không thể gượng dậy nổi. Có người, sau tổn thất nặng nề, cú sốc phá sản đã chọn cách tự kết thúc cuộc đời mình. Có những người sau khi thất nghiệp chìm sâu vào tệ nạn, cờ bạc.

Theo các chuyên gia tâm lý, bên cạnh khía cạnh kinh tế, rào cản tinh thần lớn nhất khiến một người khó gượng dậy sau thất bại trong công việc, đó là sự không cam lòng, không thể chấp nhận thất bại. Chính vì thế, điều đầu tiên trong tiến trình đứng dậy, tái tạo bản thân, chữa lành sau cú sốc công việc chính là chấp nhận khủng hoảng. Khủng hoảng nghề nghiệp thường đi kèm với cảm giác thất bại, tự trách và mất phương hướng. Điều đầu tiên cần làm là chấp nhận thực tại, nhìn nhận những sai lầm và xem đây như một bài học.

Như chị Kim Minh, sau ba lần khởi nghiệp thất bại, đứng trước sự tổn thất về kinh tế và tổn thương tinh thần nghiêm trọng, chị đã rút ra bài học “để đời” cho mình: “Ở những lần trước, tôi không chấp nhận được thất bại, nghĩ rằng mình chỉ là không may, nghĩ rằng khởi nghiệp không thành công sẽ là bằng chứng của người “kém tài”, thế nên tôi mới cố gắng vùng vẫy, tiếp tục khởi nghiệp lần nữa, nóng lòng muốn chứng minh sự giỏi giang của bản thân, muốn là người thành công trong mắt nhiều người. Chính sự nóng vội, háo thắng ấy đã khiến tôi càng thêm thất bại liên tiếp. Giờ đây, tôi không nghĩ đến chuyện khởi nghiệp nữa, chấp nhận rằng mình đã khinh suất, chủ quan, không có cái nhìn toàn diện về thị trường trong làm ăn. Tôi chấp nhận mất số tiền lớn và thời gian dài vất vả, xem như một bài học cho bản thân. Tôi tạm ngưng làm việc, chọn đi “phượt”, trải nghiệm một thời gian, rồi sẽ quay về, xin vào làm việc ở một vị trí thích hợp, vừa làm, vừa học hỏi. Còn chuyện gầy dựng sự nghiệp của riêng mình… có lẽ, nếu đến một thời cơ thích hợp thì có thể, nhưng tôi sẽ không đặt ra như một kế hoạch để không gây áp lực cho chính mình”.

Có thể nói, xác định rõ nguyên do của sự thất bại là cần thiết để rút ra bài học cho tương lai, nhưng các chuyên gia tâm lý cũng khuyên rằng, đừng mãi ôm nỗi đau khổ, tự trách, chất vấn bản thân về những sai lầm đã qua.

Thay vào đó, cần cho mình một khoảng lặng để nghỉ ngơi, thư giãn, bỏ ra ngoài hết thảy mọi căng thẳng, lo âu, phiền muộn, tái tạo lại tinh thần sau những mệt mỏi đã qua trong công việc. Có thể chọn cách tập thể thao rèn luyện sức khỏe, tìm đến những thú vui yêu thích đã bị lãng quên từ lâu do bận rộn, hoặc đi du lịch. Cũng có thể tìm đến sự sẻ chia, đồng cảm, sự lắng nghe, an ủi, yêu thương từ phía gia đình và những người thân yêu… Đó là những phương pháp đầy tích cực để cân bằng làm cảm xúc, từ đó tái tạo năng lượng, khơi gợi lại cảm giác hứng thú trong cuộc sống và công việc.

Theo các chuyên gia, khi đã có đủ sự nghỉ ngơi và tái tạo sau cú sốc, lúc này, cần tập trung vào các giải pháp để cải thiện hiện thực, xây đắp nền móng cho công việc sắp tới. Có thể bắt đầu lại từ những gì mình đã thất bại, hoặc nếu cảm thấy mọi thứ trước đây đã cũ kĩ, lạc hậu, năng lực của bản thân không thể thích ứng được với thời cuộc, cần mạnh dạn dành thời gian để học hỏi, nâng cấp bản thân, trau dồi thêm kiến thức và kĩ năng, lựa chọn môi trường làm việc mới mẻ và phù hợp. Quan trọng hơn là đừng ngại thay đổi, đừng bó buộc mình sau những rào cản, hãy dũng cảm “đập vỏ trứng mà ra”. Biết đâu, chính sự thất bại trong quá khứ sẽ trở thành một “cú hích” cho sự đột phát trong sự nghiệp.

Steve Jobs bị sa thải khỏi chính công ty ông sáng lập, nhưng sau đó trở lại và biến Apple thành đế chế công nghệ hàng đầu. Oprah Winfrey từng bị từ chối công việc vì “không phù hợp” làm truyền hình, nhưng cuối cùng trở thành biểu tượng truyền thông toàn cầu. Có rất nhiều tấm gương “thất bại để thành công” đã cho thấy rằng, khủng hoảng không phải là dấu chấm hết, mà là một dấu phẩy trong hành trình sự nghiệp. Hành trình lập nghiệp không chỉ là hành trình của những thành công, mà còn là hành trình vượt qua thất bại để tìm thấy phiên bản tốt nhất của chính mình.

Đọc thêm