Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Cần tăng cường tính liên kết để phát huy các tiềm năng

(PLO) - Nhằm đánh giá thực trạng phát triển, phân tích các lợi thế và nêu ra những hạn chế để tìm ra giải pháp và định hướng phát triển cho các khu kinh tế và khu công nghiệp, ngày 5/5 Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã tổ chức Hội nghị  “Liên kết phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” vừa diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Trần Đình Thiên,  Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Giàu tiềm năng nhưng thiếu tính liên kết

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được thành lập năm 2008, nằm ở vị trí trung bộ của đất nước, gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, với diện tích tự nhiên là 27.881 km2 chiếm 8,45% diện tích cả nước; dân số khoảng 6,5 triệu người, chiếm trên 7% dân 

số cả nước, có điều kiện thuận lợi hình thành một hành lang kinh tế, thương mại quan trọng kết nối Bắc – Nam và là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, nối Myama, Lào, Campuchia với đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông và Thái Bình Dương.

Với 4 khu kinh tế ven biển gồm Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nhơn Hội (Bình Định) và 19 khu công nghiệp được Thủ tướng cho phép thành lập, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chiếm 5,8% số khu công nghiệp được cấp phép của cả nước và khoảng 45,2% số khu công nghiệp của 14 tỉnh miền Trung. 

Tính đến cuối năm 2016 Vùng đã thu hút được hơn 1.280 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 500 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện hơn 210 nghìn tỷ đồng (chiếm 42% tổng vốn đầu tư đăng ký), thu ngân sách khoảng 36- 40 nghìn tỷ đồng. 

Trong đó, đầu tư vào các khu kinh tế có 420 dự án (chiếm 32,8%), vốn đầu tư đăng ký hơn 380 nghìn tỷ đồng (chiếm 76%), thu ngân sách khoảng 30 nghìn tỷ đồng (chiếm 70-75%). Có thể nói, các khu kinh tế và khu công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng. Tuy nhiên, sự phát triển của Vùng chưa tương xứng với tiềm năng.

TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp cho rằng, thời gian qua giữa các khu kinh tế và khu công nghiệp trong Vùng còn thiếu sự gắn kết, hợp tác lẫn nhau, tính cục bộ, địa phương trong quy hoạch và phát triển còn khá phổ biến. Yêu cầu liên kết vùng, liên kết ngành, khắc phục trùng lặp, chồng chéo dù đã được đặt ra nhưng sự hợp tác, phối hợp giữa các địa phương cũng như giữa các Ban quản lý Vùng còn chưa chặt chẽ. Các khu công nghiệp có chức năng tương tự như nhau, nhưng lại không phát triển được các ngành công nghiệp hỗ trợ, do đó đã không khai thác được các tiềm năng, tạo được sự hỗ trợ và bổ sung cần thiết cho nhau mà trở thành cạnh tranh lẫn nhau vì nguồn lực có hạn.

Bên cạnh đó, gần đây xuất hiện hiện tượng các tỉnh, thành gia tăng hoạt động xúc tiến đầu tư một cách riêng rẽ, tuy thể hiện được tinh thần năng động, tích cực; nhưng ở góc độ của các nhà đầu tư thì lại thấy một đối tác thiếu tính tổ chức và thống nhất về đường hướng, chính sách và thông tin.

“Không phát triển đồng thời cả 4 khu kinh tế hiện có, mà lựa chọn các khu kinh tế có nhiều thuận lợi nhất trong thu hút đầu tư, bao gồm có hạ tầng kỹ thuật và xã hội tương đối hoàn chỉnh; có quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, hạn chế kinh phí cho giải phóng mặt; có năng suất lao động và khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao”, TS Dương Đình Giám nêu ý kiến.

PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cho rằng những tồn tại trong liên kết của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là sự thiếu vắng một cơ quan quản lý điều chỉnh liên kết vùng ở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cơ quan này phải có đủ tư cách pháp nhân, cơ chế và nguồn lực để thực hiện vai trò chức năng của mình trong quá trình phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp. Cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cơ chế phân bổ ngân sách và nguồn lực hiện nay như một rào cản gắn kết các địa phương trong liên kết với nhau.

Cần có cách tiếp cận khác về đầu tư

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn: “Các địa phương phải đánh giá cho được, việc xây dựng khu kinh tế và khu công nghiệp của miền Trung vừa qua thành công hay thất bại, lấy tiêu chí nào để nói rằng nó thành công. Những khu kinh tế, khu công nghiệp được Chính phủ dành cho sự quan tâm đặc biệt, dù được đầu tư lớn như vậy mà không tạo được sự phát triển như kỳ vọng thì có thể coi là thất bại. Theo tôi, các địa phương trong vùng chưa xoay chuyển thật sự về mặt đẳng cấp. Nếu nó chưa thành công thì chắc sẽ không ổn. Với cách làm như hiện nay, theo tôi là bỏ đi, thay cách khác. Một cách tiếp cận khác về khu kinh tế, khu công nghiệp, một cách tiếp cận khác về đầu tư nước ngoài, cách tiếp cận khác về Vùng thì lúc ấy mới xoay chuyển được tình hình”.

Mục tiêu của Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đặt ra đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vùng khoảng 9%/năm, phấn đấu tăng mức đóng góp ngân sách cho cả nước lên 7,5%. Các địa phương trong Vùng cũng đưa ra các nhóm giải pháp, trong đó chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn. 

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vị trí rất quan trọng đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Sau 10 năm thành lập, với một loạt các khu kinh tế, khu đô thị hình thành đã tạo nên một diện mạo, không gian kinh tế năng động. Cần phải tạo cơ chế tập trung và tăng cường sự liên kết giữa các địa phương là vấn đề trọng tâm đặt ra để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong thời gian tới.

Đọc thêm