Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Cùng nhau vượt khó, cùng nhau có lợi

(PLVN) - Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có nhiều lợi thế nhưng phát triển hiện tại còn khá chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Trung ương, đang là “vùng trũng” trong các vùng kinh tế trọng điểm khác của cả nước…
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại tọa đàm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại tọa đàm.

Đây là vấn đề được chỉ ra tại Tọa đàm “Liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung trong bối cảnh mới” do Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức vào chiều 1/7.

Có vị trí đặc biệt quan trọng

Vùng KTTĐ miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố là: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, có diện tích tự nhiên khoảng 27.881,7km2; dân số khoảng 6,5 triệu người; là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh đối với cả khu vực Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ và cả nước.

Vùng có tài nguyên khoáng sản khá phong phú; có trên 80 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, nhiều bãi biển đẹp và một số hệ sinh thái điển hình, có 3/8 di sản văn hóa thế giới và 1/9 khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam...; toàn vùng hiện có 4 sân bay, 4 khu kinh tế ven biển, 1 khu công nghệ cao Đà Nẵng và 19 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế; có chiều dài đường bờ biển khoảng 600km, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây; có hệ thống cảng biển khá dày đặc với nhiều cảng biển quan trọng…

Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Vùng KTTĐ miền Trung, đến nay các địa phương đã có nhiều thay đổi; tư duy về phát triển vùng có nhiểu đổi mới; kinh tế của vùng đã có sự khởi sắc và tăng trưởng liên tục, nhất là trong giai đoạn 2010 - 2019; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Một số ngành kinh tế chủ lực, có giá trị gia tăng cao được hình thành. Các chuỗi đô thị ven biển hình thành và giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển, du lịch và mở rộng các không gian kinh tế. Liên kết vùng được quan tâm thực hiện và đạt một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước, báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra, phát triển Vùng KTTĐ miền Trung còn khá chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Trung ương. Phát triển vùng đang gặp phải nhiều tồn tại, hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế còn thiếu ổn định; quy mô kinh tế còn nhỏ, khoảng cách phát triển giữa các địa phương gia tăng nhất là mật độ kinh tế; quy hoạch phát triển Vùng KTTĐ miền Trung còn nhiều bất cập; hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đồng bộ cản trở tổ chức không gian phát triển; diện tích lớn trong khi nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu; các đô thị thiếu liên kết thành một hệ thống thống nhất, vai trò hạt nhân của TP Đà Nẵng chưa cao; tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển, nhất là tài nguyên biển… Đặc biệt là cơ chế điều phối, liên kết phát triển vùng đã được ban hành (như Ban Chỉ đạo, Hội đồng Vùng...) nhưng chưa mang lại nhiều kết quả do thiếu cơ chế ra quyết định và điều phối liên kết giữa các địa phương, xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng…

Thúc đẩy liên kết vùng

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW Trần Tuấn Anh, Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo tổng kết nghị quyết 39-NQ/TW hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung và Vùng KTTĐ miền Trung nói riêng. Đây cũng là cơ hội để lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá lại kết quả liên kết Vùng KTTĐ miền Trung thời gian qua; đề xuất các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường liên kết phát triển phù hợp với bối cảnh tình hình mới, đặc biệt các giải pháp về thể chế, các cơ chế, chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy liên kết phát triển Vùng KTTĐ miền Trung nói riêng và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung trong thời gian tới.

Tại Toạ đàm, các đại biểu đã tập trung, làm rõ được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, đề xuất được định hướng lớn về vai trò, chức năng và nhiệm vụ chính của từng địa phương trong vùng KTTĐ miền Trung và cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Các đại biểu cũng đi sâu vào kết quả, thuận lợi và khó khăn trong thực tiễn liên kết phát triển kinh tế vùng, nhất là việc ban hành, tổ chức thực hiện và hiệu lực, hiệu quả các cơ chế, chính sách liên kết Vùng KTTĐ miền Trung thời gian qua. Ngoài ra, vấn đề về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, phát triển đô thị; phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải… cũng được nêu ra. Từ đó, các tỉnh đề xuất Ban Chỉ đạo tham mưu các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tiểu vùng, các khu công nghiệp, khu kinh tế biển, khu du lịch gắn với đô thị hóa và xây dựng các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội vùng và thúc đẩy hội nhập quốc tế…

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho rằng, để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của cả vùng nói chung và Quảng Nam nói riêng, Quảng Nam đề xuất Trung ương có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy sự phát triển Vùng KTTĐ miền Trung. Trong bối cảnh hiện tại, Bí thư Phan Việt Cường cho rằng, việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng theo nguyên tắc cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau có lợi, khai thác hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng kết nối nội vùng, liên vùng; đồng thời, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh các ngành, lĩnh vực nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương là hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Đọc thêm