Nỗi lo ô nhiễm từ rác thải
Theo ghi nhận của phóng viên, Nam Phương Tiến là xã chịu ảnh hưởng nặng nhất của khu vực Chương Mỹ trong đợt ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua. 10 ngày trôi qua, cảnh di dân, di chuyển tài sản, cuộc sống không nước sạch, không điện vẫn đang tiếp diễn ở nơi đây. Cả thôn Nam Hài lác đác chỉ còn một số hộ dân còn ở lại trong nhà, những hộ sinh sống trong những căn nhà cấp 4 đều đã di cư lên khu vực cao hơn, “ăn nhờ ở tạm” nhà người thân mong qua ngày. Nước ngập sâu nên việc vận chuyển nhu yếu phẩm, hàng hóa cứu trợ cũng gặp nhiều khó khăn.
Nhiều người dân vùng ngập cho biết, theo quy luật, cứ 5 - 6 năm thì sẽ có đợt ngập, nên nhiều người dân không ngờ năm trước đã ngập, năm nay lại ngập nặng như vậy. “Sống hơn nửa đời người, trong tâm trí tôi vẫn ám ảnh nhất là trận ngập lụt năm 1978, tiếp đó là năm 2008. Năm nay có lẽ là đợt ngập lụt nặng thứ 3, đợt này nước ngập sâu hơn năm 2017 vừa qua, gần 10 ngày nay rồi mà nước rút rất chậm”, ông Nguyễn Đình Thế cho biết.
Ám ảnh nhất với người dân nơi đây là nguồn nước giếng hiện nay đã không thể sử dụng được, cùng với đó rác thải, vệ sinh môi trường ở nơi đây đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Xác động vật, rác thải trôi từ các nơi về, do chuồng trại ngập người dân phải chuyển các đàn gia súc, gia cầm lên sân nhà, thậm chí trong nhà để tránh ngập. Từ đó, nhiều đoạn ngõ ở nơi đây bốc lên mùi hôi thối, tanh nồng nặc, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Ông Đỗ Đình Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến cho biết, ngay sau khi nước tràn, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động bà con nhân dân vận chuyển tài sản lên cao và đảm bảo tính mạng con người, đặc biệt là với các hộ dân ở nơi ngập sâu.
Với tình hình thời tiết như hiện nay không thể dự đoán được chắc chắn khi nào nước rút bởi năm nay không giống đợt lở đê như năm 2017, nếu lở đê thì nước bên ngoài rút đến đâu nước trong xã sẽ chảy ra theo đến đó, nhưng năm nay không do lở đê, do nước ở thượng nguồn chảy về nhiều tràn vào địa bàn xã bởi vậy nước trong khu gần như thành một cái ao.
“Về môi trường, rác thải còn tồn tại ở trong các xóm trong những ngày ngập là do có bãi rác, hôm ngập công ty môi trường đô thị không vào dọn kịp, được sự chỉ đạo của Đảng ủy, HĐND, UBND, nước rút đến đâu bà con rất có ý thức gom rác thải và yêu cầu Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai chở rác ra khỏi khu vực.
Về cơ bản những chỗ thu gom được là đã thu gom, còn những chỗ bất khả kháng nước sâu, xe không vào được thì chúng tôi đành đợi nước rút đến đâu xử lý đến đó. Dự báo trong những tới, thời tiết diễn biến thất thường, xã vẫn bố trí lực lượng để cảnh báo người dân vùng bị ngập lụt, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thực hiện vệ sinh môi trường”, ông Trung chia sẻ.
Đôn đốc thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh
Khi xảy ra mưa lũ, úng lụt các bệnh lây truyền qua nước sẽ có nguy cơ bùng phát hàng đầu. Trong và sau mưa, lũ, lụt, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Nên tình trạng ngập sâu ở Chương Mỹ những ngày này là môi trường thuận lợi để một số dịch bệnh bùng phát, nhất là trong thời điểm dịch sốt xuất huyết, đau mắt đỏ đang diễn biến phức tạp. Do đó, để phòng các bệnh trên, yếu tố vệ sinh môi trường sau bão lũ rất quan trọng.
Đối với các hộ dân ở xã Nam Phương Tiến, để duy trì cuộc sống hàng ngày, nhiều hộ gia đình phải lội nước hoặc bơi thuyền rất xa mới xin được nước từ những hộ ở chỗ cao và phải dùng rất tiết kiệm số nước mưa hứng được từ đợt mưa vừa qua. Sinh sống trong môi trường nước ô nhiễm cũng đã khiến nhiều người dân ở đây bắt đầu có dấu hiệu mắc các bệnh về mắt, chân tay lở loét, có người bị đau bụng do ăn phải thức ăn, nước uống mất vệ sinh.
Anh Nguyễn Tuệ Minh (ở thôn Nam Hài) cũng trong tình trạng nhà bị ngập gần tới mái cho biết: “Mấy ngày qua nước ngập lênh láng nên di chuyển ra nhà họ hàng để ở nhờ. Hy vọng vài hôm tới nước rút thêm, chúng tôi có thể về được nhà. Hiện chúng tôi lo ngại nhất là vệ sinh môi trường, nước sạch, dịch bệnh. Ngày nào cũng phải lội nước nên rất ngứa, trẻ con còn bị lở loét”.
Trước những nguy cơ tiềm ẩn đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung yêu cầu, các đơn vị y tế tuyến cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ như các bệnh về da, mắt, đường tiêu hóa, các trường hợp tai nạn thương tích như điện giật, đuối nước...
Cử cán bộ bám sát các xã cùng với trạm y tế hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước; phối hợp với các địa phương tiến hành phun thuốc khử trùng nhằm hạn chế dịch bệnh thường gặp sau mưa, lũ dễ bùng phát.
Đồng thời, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác. Cần triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau bão lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.