Vững tin vào công lý

(PLO) - Các cán bộ, công chức hy vọng tiến tới mọi ngày trong năm đều mang tinh thần của Ngày Pháp luật. Người dân thì kỳ vọng có Ngày Pháp luật sẽ không còn oan sai, cũng không còn tình trạng bỏ lọt tội phạm để người dân thêm vững tin vào công lý.

Người dân kỳ vọng có Ngày Pháp luật thì công lý càng được thực thi nghiêm minh.
Người dân kỳ vọng có Ngày Pháp luật thì công lý càng được thực thi nghiêm minh.
Ngày Pháp luật năm nay gắn với việc thực hiện Hiến pháp 2013 với nhiều nội dung mới, tiến bộ, bảo đảm quyền công dân, quyền con người, đáp ứng yêu cầu cải cách và hội nhập sâu rộng. Lần đầu tiên các nguyên tắc tư pháp tiến bộ của nhân loại được quy định trong Hiến pháp 2013 như: Bảo đảm tranh tụng, suy đoán vô tội, đảm bảo xử lý các vụ án công khai, minh bạch, đúng thời hạn. Cũng lần đầu tiên hiến định việc kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; đồng thời minh định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. 
Theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn, quyền tư pháp phát sinh từ hoạt động xét xử và chỉ Tòa án mới có quyền hạn chế quyền tự do, tước bỏ quyền sống của con người. Tòa án thực hiện quyền tư pháp để bảo vệ công lý. Các hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát là nhằm phục vụ cho hoạt động xét xử. Người dân hy vọng rằng, với những quy định mới trong Hiến pháp, Tòa án thực sự là biểu tượng của công lý và phải là chỗ dựa của người dân trong hành trình tìm kiếm công lý, sẽ không còn tình trạng oan sai.
Trước Ngày Pháp luật 2014, dư luận càng phấn khởi trước thông tin Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị rà soát lại các đơn kêu oan của các phạm nhân, đặc biệt với những người bị án phạt cao. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đã thẳng thắn kiến nghị: “Cần đẩy nhanh rà soát những đơn thư kêu oan, nhất là các trường hợp có mức phạt tù 20 năm, chung thân, tử hình... Cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra nội bộ, phát hiện kịp thời, xử lý cán bộ công chức, đặc biệt với những người có chức danh tư pháp vi phạm kỷ luật và pháp luật”.
Kêu oan hay nhận tội là quyền của bị can, bị cáo; vì theo nguyên tắc của tố tụng hình sự thì “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng; bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.” Dù vậy, nhưng trước những trường hợp đã thành án rồi, thậm chí chấp hành xong án phạt tù mà vẫn kêu oan, cán bộ có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền không thể bỏ qua, chắc chắn người dân phải có oan khuất, ẩn ức thì họ mới kêu oan đằng đẵng chừng ấy năm trời? 
Có những trường hợp người tù không xin giảm án mà chỉ ròng rã kêu oan như vụ Huỳnh Văn Nén bị tuyên án chung thân ở Bình Thuận, vụ Hàn Đức Long bị tuyên án tử hình ở Bắc Giang; cá biệt có những người chấp hành xong bản án tù mà họ cho rằng bị tù oan, trở về vẫn tiếp tục kêu oan như trường hợp công dân Nguyễn Văn Hùng (SN 1967, trú tại xã Thống Nhất, TP.Hòa Bình) hay công dân Đỗ Thị Hằng (ở phường Nghĩa Độ, TP.Bắc Giang) mà Báo Pháp luật Việt Nam từng phản ánh. Mới đây, ông Huỳnh Văn Nén sau khi chấp hành án tù được 14 năm đã được VKSNDTC kháng nghị giám đốc thẩm; bà Đỗ Thị Hằng đã nhận được quyết định giám đốc thẩm hủy án để điều tra lại sau gần 12 năm ra tù…
Theo Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hoà Bình: “Không làm oan sai và không bỏ lọt tội phạm là hai yêu cầu quan trọng ngang nhau. Hậu quả nào, kể cả bỏ lọt hay oan sai cũng mang đến những tác động tiêu cực rất lớn đối với xã hội. Nếu bỏ lọt tội phạm nhiều sẽ đe dọa đến cuộc sống bình yên của nhân dân, luật pháp không nghiêm, không công bằng; nhưng nếu để xảy ra oan sai thì hậu quả thật khó lường, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người bị oan mà niềm tin của xã hội vào pháp luật cũng bị giảm sút nghiêm trọng”. Bên cạnh đó, nguyên tắc “mọi công dân bình đẳng trước pháp luật” phải được thực thi nghiêm minh, trước pháp luật không phân biệt kẻ giàu, người nghèo, quan chức hay phận “dân đen”.
Người dân kỳ vọng với tinh thần Ngày Pháp luật, người dân sẽ được hưởng một nền tư pháp văn minh, tiến bộ, bảo đảm tốt nhất quyền công dân, quyền con người./.

Đọc thêm