“Quyền tư pháp” của Tòa án cần được tiếp tục làm rõ

(PLO) - Hôm qua (25/8), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng TANDTC về tình hình quán triệt, triển khai thực hiện Chiến lược CCTP đến năm 2020 và kết quả thực hiện các nhiệm vụ CCTP  trong 6 tháng đầu năm…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì buổi làm việc tại TANDTC
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì buổi làm việc tại TANDTC
Tòa án kiểm soát toàn bộ các hoạt động tố tụng?
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 92- KL/TW ngày 12/3/2014 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49- NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược CCTP đến năm 2020, Ban Cán sự Đảng TANDTC đã xây dựng chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa những nhiệm vụ, yêu cầu và quán triệt đến mỗi cán bộ, công chức…
Tòa án các cấp đã tập trung nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án; chú trọng làm tốt việc tranh tụng tại phiên tòa; xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự; tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật…; nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu tổ chức Tòa án các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh…
Theo báo cáo của TANDTC, hiện nay cơ quan này đang tổ chức nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND, trong đó đã thể hiện rất nhiều nội dung theo tinh thần CCTP như: hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử với mô hình Tòa án 4 cấp (TANDTC, TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và TAND sơ thẩm khu vực); thẩm quyền của TANDTC trong phát triển án lệ; đổi mới tổ chức và hoạt động của TANDTC…
Ngoài ra, một số nội dung CCTP liên quan tới nguyên tắc hoạt động của Tòa án cũng đã và đang được nghiên cứu để thể chế hóa trong quá trình xây dựng các luật khác như: tăng cường tranh tụng tại phiên tòa; đổi mới chế định giám đốc thẩm; xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong thực hiện các hoạt động tư pháp.
Xuất phát từ quy định tại Hiến pháp rằng: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”; “TANDTC là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, TANDTC cho rằng: “Cần nhận thức chỉ có Tòa án mới có quyền hạn chế quyền tự do, tước bỏ quyền sống của con người theo pháp luật và Tòa án thực hiện quyền tư pháp để bảo vệ công lý. Do đó, các hoạt động của CQĐT, VKS nhằm phục vụ cho hoạt động xét xử. Chính vì vậy, Tòa án phải kiểm soát các hoạt động tố tụng từ khi bắt, giam giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và quá trình điều tra, truy tố. Nếu phát hiện các hoạt động tố tụng không đúng thì Tòa án yêu cầu cơ quan đó thực hiện hoặc tự mình thực hiện các hoạt động để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án”.
Cần làm rõ nội hàm của “quyền tư pháp” 
Trước kiến nghị trên của TANDTC, một số đại biểu đã tỏ ra băn khoăn và đề nghị cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Thượng tướng Lê Quý Vương- Thứ trưởng Bộ Công an cho hay: “Hiện nay, mô hình tố tụng của Việt Nam đã tương đối rõ ràng. Tôi cũng băn khoăn về việc quy định Tòa án kiểm soát các hoạt động tố tụng. Cái này cần được xem xét kỹ. Hiện nay, giám sát hoạt động điều tra đã có Viện kiểm sát và quan điểm của Bộ Công an vẫn là càng có giám sát nhiều thì càng tốt”.
Còn bà Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương và một số đại biểu khác đều có quan điểm: quyền tư pháp như thế nào, mối quan hệ giữa các cơ quan cũng như việc Tòa án thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực như thế nào, cần phải tiếp tục xem xét nghiên cứu, làm rõ để tránh trùng lặp.
Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền thì phát biểu: “Tòa án vẫn có thể kiểm tra, giám sát  bằng nhiều cách: khi hồ sơ đến Tòa thì vẫn kiểm tra, xem xét và nếu cần thiết thì trả hồ sơ. Trong khi xét xử cũng vậy, nếu phát hiện sai sót thì HĐXX trả hồ sơ để điều tra lại”.
Trong khi đó, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn lý giải, việc Tòa án thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý là một điểm mới trong Hiến pháp 2013. Việc cụ thể hóa chức năng của Tòa án khi thực hiện quyền tư pháp và nhiệm vụ hiến định là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trước những ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Hiến pháp 2013 đã nhấn mạnh vị trí của Tòa án với nhiều nội dung mới. Cần phải tiếp tục làm rõ nội hàm của quyền tư pháp như thế nào. Điều này có thể chưa làm được ngay nhưng ít nhất thì nó cũng phải được thể hiện mang tính chất định hướng quan trọng trong Luật Tổ chức TAND đang được xây dựng. Đây là nội dung mới, làm sao cụ thể hóa, thể chế hóa và làm rõ vai trò, chức năng của Tòa án, sự phân công, phối hợp như thế nào để phù hợp với điều kiện của Việt Nam, không mâu thuẫn với quyền lực của các cơ quan khác hoặc làm giảm quyền năng của cơ quan khác.
Chủ tịch nước cho rằng: “Trong Luật Tổ chức TAND tới đây có thể chưa giải quyết được triệt để về quyền tư pháp của Tòa án như trên, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục làm rõ về vấn đề này”.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng VKSNDTC về tình hình quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị.  
Tiếp tục khẳng định vai trò của tranh tụng
Đề xuất, kiến nghị một số nội dung trong CCTP, TANDTC cho rằng: “Tranh tụng tại phiên tòa phải đảm bảo các tình tiết khách quan của vụ án phải được trình bày đầy đủ và thẩm định kỹ lưỡng tại phiên tòa. Vai trò của thẩm phán là người điều hành tranh tụng, còn trách nhiệm tranh tụng là của kiểm sát viên với luật sư hoặc bị cáo (đối với vụ án hình sự) hoặc giữa luật sư của các bên và các đương sự (trong vụ án dân sự)”.

Đọc thêm