Vườn hồng trăm tuổi dưới chân núi Đại Huệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những vườn hồng cổ nằm dưới chân núi Đại Huệ nhiều năm qua đã đem lại thu nhập cao cho người dân. Cùng với khu di tích đặc biệt Kim Liên và chùa Đại Tuệ, những vườn hồng trăm tuổi đã tạo nên điểm tham quan, du lịch liên hoàn cho khu vực.
Những cây hồng chín trĩu cành.
Những cây hồng chín trĩu cành.

Xã Nam Anh, huyện Nam Đàn là “thủ phủ” của cây hồng ở tỉnh Nghệ An. Hiện địa phương này có khoảng 180ha diện tích trồng hồng, nằm dưới chân núi Đại Huệ. Thời điểm này, những vườn hồng đang vào vụ thu hoạch, quả hồng chín trĩu cành màu vàng và đỏ rực rất đẹp mắt.

Theo người dân địa phương, cây hồng được trồng ở đây từ hàng trăm năm trước. Đây là giống cây bản địa, được đánh giá có nguồn gen quý hiếm, phù hợp đặc thù địa lý, sinh thái và thổ nhưỡng địa phương. Cây cho quả thơm, ngon, giòn, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Một đặc điểm nữa khiến các hộ dân nơi đây hầu như nhà nào cũng có ít gốc hồng trong vườn, thậm chí nhà nhiều từ 1,5 - 2ha, là loại cây này ít phải chăm sóc. Hồng có tuổi thọ cao, thân cành dẻo chống chọi được với gió bão, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.

Tuy nhiên, so với các năm thì năm nay sản lượng hồng bị giảm đáng kể. Bù lại, giá lại tăng nên bà con phần nào được “an ủi”. Gia đình bà Bùi Thị Thanh (ngụ xóm 7, xã Nam Anh) có hơn 60 gốc hồng với tuổi đời hàng chục năm. Đến nay, gia đình đã thu hoạch được 5 tạ quả, ước tính cuối vụ sản lượng vườn hồng khoảng 1 tấn. Bà Thanh ước tính với giá từ 20 - 30 ngàn đồng/kg thì vụ hồng này gia đình có khoản thu nhập gần 30 triệu đồng.

Lý giải về việc năm nay hồng mất mùa, anh Trần Văn Hòa (ngụ xã Nam Anh) cho biết, do thời tiết không thuận lợi, đầu năm mưa nhiều khiến cây khi ra hoa bị rụng. Từ tháng 4 đến tháng 8 thời tiết lại khô hạn đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Hơn nữa, nhiều gia đình để quả hồng quá lâu phục vụ du khách đến chụp hình nên ảnh hưởng tỷ lệ ra quả năm sau.

Hồng ở Nam Anh có nhiều loại, gồm hồng trứng, hồng cậy, hồng gáo… Hồng cổ thụ trong quá trình trồng, thu hoạch, không hề sử dụng hóa chất bảo quản. Quả hồng ngâm có vị giòn, ngọt, không chát. Trong khi đó hồng ủ sẽ chín mềm, chuyển màu đỏ thắm nên được ưa chuộng, tìm mua.

Với những ưu biệt của hồng cổ mà từ năm 2018, Sở KH&CN Nghệ An đã tìm cách phục hồi giống hồng Nam Anh, nhằm bảo tồn nguồn gốc và giống gen quý hiếm. Cơ quan chuyên môn đã hướng người dân chiết, ghép cành để tạo ra hàng ngàn cây giống mới, trồng trên diện tích khoảng 3ha. Với những gốc hồng còn khỏe, người dân được hướng dẫn ghép để tạo ra những cây cho sản lượng cao, chất lượng quả tốt.

Gần đây, tại những vườn hồng cổ, ngoài việc thu hoạch quả để bán, một số chủ vườn còn mở cửa phục vụ du lịch trải nghiệm. Vào dịp cuối tuần, các vườn hồng lại thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan chụp hình. Đây cũng là địa điểm gần Khu di tích đặc biệt Kim Liên và chùa Đại Tuệ nên đã tạo được điểm tham quan, du lịch liên hoàn cho địa phương.

Đọc thêm