Vườn tượng Thành cổ - hoài niệm thời hoa lửa

(PLO) - Suốt gần tháng qua, tại khuôn viên Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, dưới cái nắng chang chang của miền đất lửa, hàng chục nhà điêu khắc (NĐK), nghệ nhân, thợ chế tác đá đến từ nhiều vùng miền trên Tổ quốc vẫn miệt mài gọt, xẻ các khối đá lớn để tạo thành những bức tượng sống động thể hiện tinh thần bi tráng, khí phách oai hùng của những năm tháng đất nước viết tên mình bằng máu và hoa. 
Một tác phẩm tại Trại sáng tác điêu khắc Thành cổ Quảng Trị
Một tác phẩm tại Trại sáng tác điêu khắc Thành cổ Quảng Trị

Đến nay, các tác phẩm nghệ thuật đã hoàn thành và được sắp đặt hài hòa, kết nối với các khu vực Đài tưởng niệm trung tâm, Khu chứng tích sinh viên, Lao xá, Bảo tàng... tạo thành một quần thể tham quan, tưởng niệm ý nghĩa và ấn tượng.

Mỗi bức tượng là một bài ca bất tử

Được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt cách đây gần 2 năm, đề án Trại sáng tác điêu khắc Thành cổ Quảng Trị ra đời thể theo nguyện vọng của đông đảo cựu chiến binh và nhân dân cả nước nhằm tôn vinh những chiến công bất tử, ngợi ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đó là sự suy ngẫm về quá khứ, hoài niệm về chiến trường xưa, về chiến tranh và hòa bình, về lẽ sống và cái chết, sự hủy diệt và hồi sinh...

Với chủ đề “Thành cổ Quảng Trị - Bất tử và hồi sinh”, các tác phẩm tại trại sáng tác điêu khắc đá đã chuyển tải những nội dung ý nghĩa phong phú, thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, bất khuất, sự hy sinh oanh liệt của quân và dân ta trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị năm 1972, sự hồi sinh rực rỡ nhờ vào nghị lực vươn lên của người dân nơi đây.

Các tác phẩm “Mẹ” của NĐK Phạm Văn Hạng, “Quyết tử” của NĐK Phạm Hồng, “Vượt sông” của NĐK Võ Ngọc Lân, “Bất tử” của NĐK Trần Luân Tín, “Kết quả chiến thắng Quảng Trị” của NĐK Lưu Thanh Danh, “Hồi sinh” của NĐK Nguyễn Phú Cường, “Mầm sống” của NĐK Mai Thu Vân đã thể hiện ý chí quật cường của quân và dân Quảng Trị xây dựng lại quê hương sau chiến tranh tàn phá... 

22 bức tượng cũng chính là ngần ấy câu chuyện mà tác giả muốn gửi gắm đến người xem về hình ảnh vùng đất Quảng Trị anh dũng, kiên cường. Trong những năm tháng bom đạn giày xéo, những con người nơi đây vẫn hiên ngang sừng sững như những bức tượng đài kỳ vĩ, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Những khúc tráng ca bất tử vẫn mãi ngân vang giữa bầu trời quê hương ngời sáng.

Đó là những câu chuyện về người mẹ hiền lành chất phác, quanh năm lam lũ tảo tần, luôn vì con vì cháu. Thế nhưng khi quân giặc kéo đến, người mẹ ấy quyết xông pha trận mạc, đánh đuổi bè lũ cướp nước và bán nước, sẵn sàng đánh đổi tính mạng để giữ yên bờ cõi,  thống nhất nước nhà. 

Hay đó là người chiến sỹ Thành cổ, bất chấp hiểm nguy của mưa bom bão đạn, đêm đêm vượt sông Thạch Hãn để tiếp tế cho đồng đội rồi chặn vòng vây kẻ thù, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Hàng vạn người lính ấy tuổi chỉ mười tám đôi mươi nhưng quyết ngã xuống để giữ từng tấc đất thiêng Thành cổ, góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973 và đại thắng mùa xuân năm 1975. Hay lại là câu chuyện về những lão ngư, cô du kích, bác nông phu… bất chấp hiểm nguy mở đường, tiếp lương tải đạn, chèo thyền đưa bộ đội qua sông đánh giặc.

Trong cuộc chiến tàn khốc ấy, hàng triệu tấn bom đạn vẫn không thể vùi chôn được sự sống đang trỗi dậy giữa những hoang tàn đổ nát. Và khi chiến tranh kết thúc, những người còn lại quyết bám đất, bám làng kiên cường đứng dậy, cần mẫn lao động để tái thiết quê hương, xây dựng nơi đây thành đô thị phát triển. Những mầm sống cỏ cây vẫn tiếp tục đâm chồi nảy nhánh phủ xanh những bãi đất vốn bị đạn bom cày nát. 

Thay lời tri ân dành cho mảnh đất anh hùng

Trong 16ha diện tích của Thành cổ nhỏ hẹp hôm nay, hàng nghìn hài cốt của các chiến sỹ giải phóng quân vẫn nằm dưới đó. Các anh hy sinh, hình hài các anh không còn nguyên vẹn nữa, máu và xương thịt của các anh đã hòa vào lòng đất, vào dòng sông Thạch Hãn huyền thoại. Tất cả các anh chỉ nằm trong một nấm mồ chung mà chẳng thể nào phân định gọi tên.

Thấm đượm nỗi day dứt trăn trở ấy mà 22 NĐK cả nước đến với Quảng Trị lần này đều mang trong mình niềm mong mỏi đưa đến những tác phẩm nghệ thuật thay lời tri ân sâu sắc dành cho mảnh đất thiêng liêng anh dũng. Bởi lẽ, tất cả chúng ta đang thụ hưởng cuộc sống hòa bình như hôm nay là nhờ vào sự hy sinh xương máu của bao thế hệ cha ông.

Góp mặt tại Trại sáng tác điêu khắc Thành cổ có duy nhất một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị và nổi tiếng với tự truyện “Được sống và kể lại” viết về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị năm 1972 chính là NĐK Trần Luân Tín. Vốn là một nhân chứng của cuộc chiến nên ông càng hiểu rõ hơn về những đóng góp lớn lao của mảnh đất Quảng Trị đối với nước nhà. Cuộc trở về chiến trường cũ của người lính năm xưa nay càng thấm đượm nghĩa tình. Và rồi tất cả những tâm tư, những ký ức đó đều được ông chuyển tải qua từng họa tiết điêu khắc đầy tỉ mỉ như một lời tạ ơn.

Còn NĐK Võ Ngọc Lân thì muốn thông qua tác phẩm để bày tỏ sự ngưỡng mộ về những con người ở miền đất lửa, trong hiểm nguy của cuộc chiến, các anh vẫn hiên ngang tiến bước, sát cánh cùng nhau đập tan gọng kìm bọn đế quốc, tay sai. 

“Tôi thấy mình đang nợ mảnh đất Quảng Trị một lời cảm ơn nhưng mãi vẫn chưa có cơ hội để bày tỏ nên khi hay tin có đề án tổ chức Trại sáng tác điêu khắc đá tôi liền gửi bản vẽ phác thảo tham dự và rồi may mắn được chọn. Vì thế tôi cố gắng dồn cả tâm huyết của mình để hoàn thành tác phẩm, tái hiện lại một phần hình ảnh của cuộc chiến để những người vào Thành cổ tham quan có thể hiểu thêm về những chiến công oanh liệt, chói ngời trang sử mà quân và dân Quảng Trị đã tạo dựng nên” - NĐK Võ Ngọc Lân đến từ TP HCM bộc bạch.

Đọc thêm