Phát hiện gây sốc về loài hoa ưu đàm '3000 năm mới nở'

(PLO) -Gần đây trên nhiều phương tiện thông tin đưa tin có loại hoa ưu đàm, 3000 năm mới nở một lần gây xôn xao dư luận. Vậy sự thực về loài hoa này như thế nào? Câu chuyện Pháp luật xin giới thiệu một số quan niệm trong Phật giáo về loài hoa này để bạn đọc tham khảo và nhận định đúng đắn về loài hoa này.
Loài hoa lạ nghi hoa Ưu Đàm mà anh Thuận bất ngờ phát hiện.
Loài hoa lạ nghi hoa Ưu Đàm mà anh Thuận bất ngờ phát hiện.

Liên tục xuất hiện “hoa ưu đàm”

Ngày 8/7, anh Nguyễn Quang Thuận (26 tuổi, nhân viên kỹ thuật Viettel) trong lúc sửa cáp quang cho một gia đình ở thị trấn Thanh Ba (Phú Thọ) đã phát hiện loài hoa lạ nghi là hoa ưu đàm. Theo anh Thuận, vào trưa cùng ngày, trong lúc đang kéo cáp quang để sửa chữa, anh bỗng phát hiện những vật nhỏ li ti màu trắng, khoảng vài chục sợi thân mỏng như tơ mọc trên cáp quang.

Nhìn gần trông chúng rất giống loài hoa ưu đàm quý hiếm mà anh đã trông thấy trên mạng nên chụp lại rồi đưa lên mạng xã hội. Nhiều bạn bè anh cũng cho rằng đây là loài hoa quý, được gọi là hoa ưu đàm.

“Nghe nói loài hoa này 3.000 năm mới nở và mang lại may mắn. Tôi không biết thực hư thế nào nhưng cũng thấy vui”, anh Thuận chia sẻ.

Trước đó, ngày 5/7 rất nhiều cán bộ, nhân viên của UBND xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bất ngờ khi nhìn thấy một loài hoa lạ nghi là hoa ưu đàm ngay trên sợi dây thép gai ở cổng vào. Hay tin hoa ưu đàm xuất hiện, rất nhiều người dân địa phương đã tới xem vì hiếu kỳ.

Một người dân cho biết: “Không biết đây có đúng là hoa ưu đàm hay không, nhưng dựa vào đặc điểm bên ngoài, nhìn rất giống hoa ưu đàm trong kinh Phật. Hy vọng, sự xuất hiện của loài hoa này sẽ mang điều may mắn đến cho người dân địa phương”.

Trong khi đó, những bông hoa nở ở Quảng Trị được phát hiện trên chiếc xe máy của nhà anh Nhất (thành phố Đông Hà) vào ngày 12/6. Chùm hoa gồm 29 bông cao khoảng 1cm, phía trên đầu có đốm trắng, thân mỏng như tơ nhện được mọc ra từ phần thân làm bằng nhựa của chiếc xe máy màu đỏ.

Những năm gần đây, hoa ưu đàm cũng được cho là đã nhiều lần xuất hiện trên khắp các tỉnh thành của trong cả nước. Ví như ở tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi, Sài Gòn, Hải Phòng… đã phát hiện thấy loài hoa này khai nở trên thân cây, cửa kính, tủ gỗ, nơi làm việc...

Trên thế giới, hơn 2 thập kỷ sau khi có phát hiện 24 bông hoa được cho là ưu đàm mọc trên ngực của một bức tượng đồng tại một ngôi chùa ở Hàn Quốc, hồi năm 1997, từ đó đến nhiều nguồn tin đưa rằng loài hoa này đã xuất hiện ở Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia, Singapore, Australia, Pháp, Mỹ và Việt Nam.

Cụ thể, hồi năm 2009, một nữ tu đã tìm thấy một chùm có 18 bông hoa trắng hiếm có dưới một máy giặt. Trước đó vài năm, một nông dân ở Trung Quốc cũng tìm thấy một chùm gồm 38 bông hoa mọc trên một ống thép trong vườn nhà mình.

Hiện tượng tương tự cũng từng có tại chùa Chonggye-sa ở Seoul (Hàn Quốc), nơi loài hoa được cho là ưu đàm nở trên trán của một bức tượng Phật. Có nguồn tin đưa loài hoa này còn được thấy tại sân sau của người tên là Tony Fu, một tín đồ Phật giáo đến từ Đài Loan, ở La Puente, bang California (Mỹ).

Fu cho biết ông bắt đầu nghiên cứu kinh Phật từ năm 2000 và chuyện chẳng biết thực hư đến đâu nhưng người này nói rằng, thỉnh thoảng ông nghe thấy các đồ vật xung quanh nói chuyện với mình.

Ở sân sau nhà ông thuê có cây ổi và ông thường ra đó ngắm cây xem có quả không. Một lần, Fu nghe thấy cây ổi nói hãy tưới nước cho cây. Lo ngại chủ thuê nhà phàn nàn lãng phí nước nên Fu chỉ tưới rất ít nước.

"Lần thứ 2 tưới cây, tôi nghe thấy cây ổi nói nếu tôi tiếp tục tưới nước, nó sẽ cho thấy gì đó thú vị. Tôi chỉ nghĩ đơn giản chắc cây ổi này sẽ ra quả" – Fu kể với  tờ The Epoch Times.

Nhưng vài ngày sau, Fu nhìn thấy một đốm trắng trên lá cây. Ban đầu ông nghĩ đó là con rệp, song sau đó nhận ra đó là một bông hoa trắng. Fu nhớ đã đọc bài về loài hoa ưu đàm và kiểm tra trên mạng. Fu phát hiện ra bông hoa nhỏ bé trên lá ổi chính là hoa ưu đàm. Fu rất mừng và coi đây là một dấu hiệu tốt lành.

Thực hư về loài hoa này như thế nào?

Hoa ưu đàm trong kinh Phật

Hoa ưu đàm hay còn gọi Hoa Ưu đàm bà la…, trong tiếng phạn được phiên âm là Udumbara. Một trong bốn loài hoa đem lại may mắn, hay còn gọi “tứ đại cát hoa” của phật giáo là Ưu đàm, Hoa cà độc dược, Hoa sen và Chi mộc lan hoặc Sơn ngọc lan. 

Đây là loài cây mà một trong bảy vị Phật, có tên Câu Na Hàm ngồi tu luyện, loại cây này giúp che mưa che nắng cho vị phật ấy. Khi vị phật này ngộ đạo, cây này bỗng ra hoa kết trái.

Cây Ưu đàm có địa vị ngang với cây bồ đề của nhà phật. Loài hoa này thường xuyên xuất hiện trong kinh phật và thông thường để hình dung việc gặp được đức phật đà xuất thế khó như thế nào. 

Vì vậy, trong “Diệu pháp liên hoa kinh” quyển 7 mới nói: “Khó gặp được đức phật giống như hoa Ưu đàm vậy”. Hiện tại có rất nhiều thuyết nói về loài hoa Ưu đàm, có người cho rằng đó là một loại nấm, có thể mọc trên gỗ, trên kính và kim loại, hoa màu trắng có kích thước khoảng 1cm. 

Trước đây hiện tượng này được phát hiện sớm nhất vào tháng 7/1997 tại Hàn Quốc, lúc đó phát hiện được 24 đóa hoa nở trước ngực bức tượng phật Như lai ngồi, đặt trong phòng một phương trượng. Đường kính bông hoa khoảng 3mm, cao khoảng 1cm, hình dạng giống như chiếc chuông, màu trắng, cuống hoa như một sợi cước màu bạc. 

Thấy sự kiện này người ta liền cho rằng đây là loài hoa trong truyền thuyết 3000 năm mới nở một lần. Sự kiện này đã lôi cuốn nhiều người hiếu kì đến xem. Sau khi hiện tượng trên được coi là hoa Ưu đàm, người ta bắt đầu mới chú ý đến loài hoa này và sao đó ở khắp nơi trên thế giới bỗng nhiên cũng lần lượt xuất hiện. 

Vậy thực sự đây có phải hoa Ưu đàm bà la như trong kinh phật đã nói? Trước hết có thể khẳng định những hiện tượng mà chúng ta phát hiện được ở Hàn Quốc và các nơi trên thế giới, thậm chí ở Việt Nam không phải là hoa Ưu đàm. Có thể nói như vậy là do, trong kinh Phật thường nhắc đến loài hoa này, nhưng hoàn toàn không giống như những “bông hoa” nhỏ xíu như chúng ta đã thấy.

Trong “Ưu đàm bà na kinh” có nhắc đến loại cây này, đây là loại cây có quả, khi quả chín có thể ăn được, có vị ngọt, khỉ và vượn rất thích. Minh chứng đó thể hiện trong đoạn đối thoại giữa một con vượn mặt đen và một con mặt đỏ. Do trời mưa bảy tuần liên tục, vượn mặt đỏ ở trong hang không bị mưa ướt còn vượn mặt đen ở ngoài lạnh lẽo. 

Vượn mặt đen nghĩ ra kế lừa vượn mặt đỏ ra ngoài để chiếm chỗ ở nên nói với vượn mặt đỏ rằng: Này cậu, quả Ưu đàm bà na đã chín mọng rồi, sao không qua đây mà ăn đi, tội gì phải ngồi đó mà chờ chết đói.

Qua câu nói này có thể thấy, cây U đàm bà na là loại cây có quả ăn được, thân cây phải lớn thì mới đủ sức chịu đựng để vượn leo trèo hái quả. Vì vậy, có thể nói, mấy “bông hoa” mọc trên chuông đồng ở Hải Phòng không phải là hoa Ưu đàm bà la.

Xét về thân cây, trong “Trường a hàm kinh” quyển 26 có nói, Ưu đàm bà na là một trong năm loại cây phát triển to lớn, có thể che khuất những cây nhỏ phía dưới, khiến chúng không có ánh sáng và không thể phát triển được. Loài cây này không chỉ to lớn mà còn có tiên khí, phía dưới không được có cây nhỏ tạp sinh sống. 

Ngoài ra, trong “Pháp hoa kinh tam đại bổ chú” quyển 4 khi nói đến quả Ưu đàm bà na: “Hoa ưu đàm hay còn gọi Ưu đàm bát na là hoa báo ứng sự may mắn, lá của nó như lá cây lê, to như bàn tay”.

Hoa ưu đàm xuất hiện là dự báo điềm lành, trong kinh phật có nói “Hoa ưu đàm là đại diện cho sự linh thiêng và may mắn, được coi là hoa của trời, ở nhân gian không có loại hoa này. Chỉ khi nào Phật Như Lai hạ thế, kim luân vương xuất hiện trên thế gian, lấy phúc đức phổ độ chúng sinh thì mới gây cảm ứng và hoa xuất hiện”. 

Thông thường hoa nở về đêm, mùi thơm, sáng hôm sau là héo. Vì vậy, nếu dựa theo những tài liệu này thì cái được gọi là “hoa ưu đàm” ở Phú Thọ, Quảng Trị, Hải Phòng... cũng không phù hợp với bất kì điểm nào giống như trên. Hơn nữa khi đức phật ngồi tu luyện, bóng cây còn có thể che mưa che nắng nên chắc chắn phải có cành lá xum xuê, không thể chỉ có một bông hoa nhỏ xíu vài milimet như vậy được.

Xét về đóa của hoa, trong truyền thuyết Hoa ưu đàm là loài hoa kì phẩm của giới thần tiên, bởi đây là loài hoa không nhuốm màu trần tục, trắng muốt, vì vậy được tôn làm hoa của nhà phật. Hoa ưu đàm ở Hiền kiến thành của phật quốc tây phương cực lạc được sánh với hoa sen của thành A-tu-la, hoa thủy tiên của Thiên thành, hoa mẫu đơn của Minh vương thành, đều là những loài kì hoa.

Kinh Phật miêu tả hoa Ưu đàm 3000 năm mới nở, hình dạng bông hoa to tròn như mặt trăng đầy, từ xa nhìn lại đóa hoa trắng giống như có hàng ngàn đống tuyết cuộn lại, người nhìn thấy sẽ nhận được phúc đức.

Từ những miêu tả trên, có thể thấy Hoa ưu đàm phải lớn thì mới nhìn được từ xa, phải có nhiều cánh thì mới xếp thành hình giống như ngàn đóa tuyết cuộn lại, đóa hoa phải tròn xoe chứ không có hình trụ tròn.

Theo cuốn bách khoa phật giáo Trung Hoa miêu tả về Ưu đàm bà na như sau: Ưu đàm bà la là tên một loài cây, dịch âm theo tiếng Phạn có các tên gọi khác là Ô đàm bà la, Ưu đàm bà la, Ô đàm mộng hoặc Ưu đàm bát, Ưu đàm, Ô đàm.

Tên khoa học là Ficus glomerata, thuộc họ dâu, thường mọc ở nơi khí hậu nóng ẩm như vùng núi thấp Himalaya, cao nguyên Deccan và Sri Lanka. Cây cao hơn trượng, lá to như lá cây Lê, quả to thì như nắm tay trẻ em, quả nhỏ thì như ngón tay cái, mọc trên cành nhánh của cây. Quả chín hay xanh đều ăn được, nhưng mùi vị không ngon. Hoa ẩn trong đài hoa, bằng mắt thường khó có thể nhìn được. 

Hiện có nhiều giả định khác nhau.

Trong đại từ điển phật học viết: Loài hoa này là loại quả không hoa. Mọc ở các vùng núi thấp Himalaya, cao nguyên Deccan, Ceylon. Cây cao hơn trượng. Lá có hai loại: một loại trơn nhẵn, một loại thô gồ ghề. Lá đều dài 4-5 thốn, đầu lá nhọn, hoa đơn tính, nhỏ, ẩn trong đài hoa.

Thường được hiểu lầm là thực vật ẩn hoa. Đài hoa to như nắm tay hoặc như ngón tay cái, nhiều đài cùng chung trên một cành. Có thể ăn nhưng vị chát. Ngoài ra, trong đại từ điển phật quang cũng có miêu tả tương tự về hoa Ưu đàm bà la.

Từ những luận điểm trên, có thể nhận định rằng “loài hoa” mà gần đây gây xôn xao không phải là hoa Ưu đàm. Và đa số các tài liệu khoa học đều chứng minh: Hoa ưu đàm thực chất là cây sung (có tên khoa học Ficus racemosa, tiếng Phạn उडुम्बर,udumbara), họ dâu có phân bố cả ở Ấn độ, Việt nam Sri lanka, Papua New Guinea, Nepal, Pakistan, Australia, Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc.

Loài cây này sinh trưởng tại khu vực cách mặt nước biển 130m – 2500m, là loại thực vật xuất hiện trong kinh phật, loại cây rụng lá này chủ yếu phân bổ ở khu vực nam á.

Vì vậy, Hoa ưu đàm có thể nói chỉ xuất hiện trong kinh phật, đó là một cách so sánh để ví với việc khó gặp được đức phật như thế nào, cũng giống như cây sung không bao giờ nở hoa vậy.

Ý nghĩa của Hoa ưu đàm ở chỗ, chỉ khi nào con người hướng thiện, yêu thương và quan tâm nhau, xã hội được bình an, người người được hạnh phúc thì Hoa ưu đàm mới nở. Ý nghĩa của nó cũng giống như việc đức phật Câu Na Hàm ngộ đạo vậy, chỉ khi nào con người thực sự hướng thiện, tìm đến phật pháp thì mới cảm ứng được cây Ưu đàm nở hoa mà thôi.

Sự thực chỉ là trứng côn trùng săn mồi

Khảo sát một số tài liệu khoa học, thực chất “Hoa ưu đàm” mà gần đây mọi người nhầm tưởng, thực chất chỉ là trứng của loài côn trùng có tên khoa học là Chrysopa perla hoặc  Lacewings, tức loài muỗi cỏ. Đây là loài côn trùng săn mồi, đẻ trứng trên gỗ, kính, kim loại trên cửa sổ. 

Loài này có đến hơn 1300 dạng khác nhau, trừ một số ít còn lại đại bộ phận trứng của chúng đều có hình dạng nhỏ dài, phần cuối của trứng được cố định trên cành cây, lá cây, vỏ cây…phần trứng nằm ở phần đầu tách biệt hẳn với các vật thể trên, như vậy trứng của chúng có thể tránh bị các côn trùng khác tấn công.

Muỗi cỏ khi trưởng thành và khi còn non đều có khả năng săn mồi rất mạnh, chủ yếu ăn các loài rệp, nhện và trứng côn trùng và ấu trùng bướm.

Trứng của loài này có khi tập trung hàng chục quả tại một chỗ, có loại lại chỉ đẻ một vài trứng, có loại đẻ hàng chục trứng trên một thân, nhìn bề ngoài giống như một chùm hoa.

Thông thường, sau khi đẻ khoảng 3-4 ngày, ấu trùng sẽ tách vỏ chui ra ngoài và đậu ở trên vỏ trứng khoảng 30 phút đến 120 phút. Động tác này sẽ giúp cơ thể ấu trùng cứng cáp ngoài không khí và trở lên nhanh nhẹn, sau đó sẽ bò xuống dưới theo chiếc que đỡ trứng. 

Thông thường muỗi cỏ cái thường chọn những nơi có nhiều rệp để đẻ trứng, để khi ấu trùng vừa sinh ra có thể lập tức săn mồi ở xung quanh. Nếu xung quanh không có hoặc có ít thức ăn, chúng sẽ quay sang tàn sát lẫn nhau. Thông thường, khoảng 10 ngày sau ấu trùng muỗi cỏ sẽ sinh trưởng trở lên trưởng thành, ngừng săn mồi và bắt đầu làm kén. 

Chúng thường làm kén sau lá cây, dưới vỏ cây, lá cây cuốn tròn hoặc khe tường. Sau khi phá kén có đủ lông cánh, tức trở thành côn trùng chúng sẽ đi săn mồi như những con muỗi bình thường, chủ yếu là các loài rệp, côn trùng có hại. Vì vậy, đây là loài côn trùng có ích. Cả vòng đời của chúng chỉ giao phối một lần nhưng mỗi lần sinh có khi tới cả ngàn trứng.

Đọc thêm