Vướng mắc khi áp dụng Luật Phá sản

(PLVN) - Năm 2015, Luật Phá sản 2014 có hiệu lực đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ và con nợ. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, trong quá trình thực tiễn thi hành, cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh nhiều vướng mắc của Luật cần cân nhắc và xem xét lại.

Căn cứ xác định tình trạng phá sản chưa rõ ràng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản thì “doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) mất khả năng thanh toán là DN, HTX không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”. 

Tuy nhiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đơn vị đại diện cộng đồng DN cho rằng, căn cứ này vẫn chưa rõ ràng và chính xác để xác định một DN, HTX thực sự lâm vào tình trạng “mất khả năng thanh toán” và khó để phân biệt với tình huống “không chịu thanh toán”. Thực tế, có nhiều DN có đầy đủ khả năng thanh toán, nhưng do nhiều nguyên nhân không chịu thanh toán hoặc không thể thanh toán tại thời điểm bị đòi nợ. 

“Căn cứ này có khả năng trở thành “công cụ” để cho các đối tác “đòi nợ” lẫn nhau. Điều này có thể dẫn tới hậu quả là DN bị đòi nợ bị thiệt hại về uy tín và thiệt hại trên thực tế” – VCCI nhấn mạnh. 

Do đó, VCCI đề nghị tổng kết lại tình hình thực hiện Luật Phá sản về vấn đề này để xây dựng quy định về căn cứ xác định DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản phù hợp và hạn chế được tình trạng nêu ở trên.

Về thông báo mất khả năng thanh toán, khoản 1 Điều 6 Luật Phá sản quy định “cá nhân, cơ quan, tổ chức khi phát hiện DN, HTX mất khả năng thanh toán có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho những người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản quy định tại Điều 5 của Luật này”.

Đại diện một số DN cho rằng, quy định này áp dụng đối với các tổ chức tín dụng là chưa phù hợp, vì theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng. 

Như vậy, các tổ chức tín dụng nếu biết được tình trạng mất khả năng thanh toán của khách hàng cũng không thể thông báo cho những người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản. Do đó, VCCI kiến nghị điều chỉnh lại quy định này để phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Băn khoăn quy định về kiểm kê, định giá tài sản

Cũng theo quy định tại Luật Phá sản, DN, HTX mất khả năng thanh toán phải tiến hành kiểm kê tài sản và xác định giá trị tài sản đó sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản. Trường hợp người đại diện theo pháp luật của DN, HTX vắng mặt thì người được quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản chỉ định làm đại diện của DN, HTX thực hiện công việc kiểm kê và xác định giá trị tài sản của DN, HTX (Điều 65).

Tuy nhiên trên thực tế, việc kiểm kê tài sản gặp rất nhiều khó khăn vì người đại diện của DN vắng mặt, người được quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản chỉ định thường là không chịu làm hoặc không biết về tình hình công ty nên thực hiện việc này rất khó khăn. Mặc dù pháp luật có quy định về chế tài xử lý đối với việc không hợp tác về việc kiểm kê tài sản, tuy nhiên chế tài này cũng không hiệu quả và khả thi.

“Do đó, cần có quy định có tính khả thi hơn để giải quyết đối với trường hợp DN, HTX không còn người có trách nhiệm tiến hành các công việc kiểm kê tài sản, cung cấp giao nộp thông tin hồ sơ kế toán tài sản” – một số DN kiến nghị.

Còn về trường hợp định giá lại tài sản, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự (THADS) thì việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp: Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản; đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản…

Trong khi đó, pháp luật về phá sản quy định “việc định giá lại tài sản được thực hiện khi có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 122 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản”, nếu phát hiện quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phá sản, pháp luật về định giá tài sản dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản, chấp hành viên yêu cầu quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc định giá lại tài sản, trừ trường hợp quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản đó bị thay đổi theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18 Nghị định 22/2015/NĐ-CP.

Như vậy, so với Luật THADS thì quy định tại Luật Phá sản đã thu hẹp lại trường hợp định giá lại tài sản. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến quyền lợi của các chủ nợ.  Theo đó, để đảm bảo tính thống nhất và quyền lợi hợp pháp của các chủ nợ, cộng đồng DN đề nghị sửa đổi Luật Phá sản theo hướng tương thích với Luật THADS.

Đọc thêm