Hơn 2 năm bị giam, Bùi Minh Lý (SN 1989, ngụ ấp Trung, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) một mực kêu oan, cho rằng mình không thực hiện hành vi “cướp giật tài sản” như cáo buộc. Tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm điều tra lại, Lý được tại ngoại hơn 2 tháng qua.
Trở về nhà, Lý không còn được giữ chức Bí thư chi đoàn, ấp đội trưởng. Thanh niên này vẫn hi vọng một ngày nào đó sẽ được minh oan để hết “nhục” với làng xóm.
Bị bắt trên đường đón vợ
Sau khi cấp phúc thẩm TAND TP HCM tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND quận Bình Thạnh để điều tra xét xử lại, bị cáo Bùi Minh Lý được tại ngoại từ 1/6. Hơn 2 tháng qua, anh vẫn chờ đợi công lý được thực thi để mình sớm được minh oan.
Lý vướng vào nghi án oan “Cướp giật tài sản” xảy ra vào khoảng 21h ngày 19/01/2014, tại một con hẻm thuộc đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 25, quận Bình Thạnh). Người bị hại là bà Nguyễn Thị Tâm (SN 1970, ngụ phường 25).
Nhà Lý nằm trước cánh đồng lúa bạt ngàn. Sáu tháng trước khi bị bắt, Lý cưới vợ, không ngờ “tai bay vạ gió” khiến ngay cái Tết đầu tiên, Lý phải ăn cơm “tù”.
Theo lời kể của Lý, sau ngày cưới, người vợ vẫn làm thợ tóc ở một tiệm tóc trên đường Thanh Đa (thuộc phường 27, quận Bình Thạnh). Còn Lý ở quê vừa làm thợ hồ kiếm sống, vừa tham gia sinh hoạt công tác ở ấp và được giao chức Bí thư chi đoàn và ấp đội trưởng của ấp Trung. Vợ chồng son, không nỡ xa mặt cách lòng, nên cứ độ một hay hai tuần, vào chiều tối chủ nhật, Lý lại chạy xe lên Sài Gòn đón vợ về nhà, sáng thứ ba lại đưa lên.
Hôm xảy ra sự việc là ngày 19/1/2014, cũng là ngày 19/12 (âm lịch) gần Tết. Khoảng 19h30, như thường lệ, Lý chạy xe từ nhà đến quận Bình Thạnh đón vợ, đi vào con hẻm từ đường Ung Văn Khiêm tắt ngang qua đường Xô Viết Nghệ Tĩnh để đến đường Thanh Đa. Theo Lý, đây là con đường ngắn nhất và là đường anh thường đi đón vợ.
Lý (bên phải) và người cha sau khi được tại ngoại |
“Từ nhà, tôi mặc áo khoác màu đen có ba sọc trắng chạy dọc theo tay áo, đội nón bảo hiểm màu trắng và xanh, có dòng chữ “Đại hội Đoàn huyện Cần Giuộc nhiệm kỳ 2012 – 2107”. Loại nón này không bán bên ngoài, tôi đeo khẩu trang màu đỏ sọc.
Thường ngày đến 21h, vợ tôi mới xong việc. Coi đồng hồ còn khoảng 10 phút nữa mới đến 21h, tôi cho xe chạy tà tà chừng 20 - 30km/h. Đang đi, cách tiệm tóc vợ tôi làm khoảng 800m, tôi nghe phía sau có tiếng tri hô “nó kìa, nó kìa, bắt lấy”. Tôi nhìn lại phía sau thấy có chiếc xe máy đang chạy tới. Vì tôi có làm gì đâu nên vẫn cứ chạy bình thường”, Lý kể.
Theo lời kể, bất ngờ Lý bị ép xe ngã vào bờ tường. Tiếp đó, hai người đàn ông lao vào đánh, đấm Lý và luôn miệng nói: “Cướp hả mày”. Lý vừa dùng tay chống đỡ vừa phân trần là đánh nhầm người, nhưng hai người này không dừng lại. Còn thêm một số người nữa lao vào đánh Lý.
Một lúc sau, những người đánh Lý nói: “Nếu không cướp thì đi theo về hiện trường và về công an sẽ rõ”. Cho rằng mình vô tội, Lý đi theo.
Lý được chở về cho người bị hại nhận dạng. Người này cho rằng chính Lý là thủ phạm giật sợi dây chuyền của mình.
Lý tiếp tục được chở lại nơi bị bắt. Tại đây, có một người đàn ông có mùi rượu bia, lao đến đánh Lý rất nhiều. Sau này, anh mới biết đó là cảnh sát khu vực trên.
Lý được đưa về trụ sở công an phường 25. Theo Lý, tại đây anh tiếp tục bị đánh, sau đó bị ép ký vào “biên bản bắt người phạm tội quả tang”. Lý kể: “Tôi không được phép đọc, chỉ được ký tên và ghi hàng chữ “tôi đã đọc và không có ý kiến gì””. Sau đó, Lý được đưa lên Công an quận Bình Thạnh tạm giam.
Chiếc mũ bảo hiểm “thất lạc” màu gì?
Theo hồ sơ vụ án, lúc 21h tối 19/1/2014, bà Tâm (người bị hại) đang nấu tiệc tất niên cho tổ dân phố tại phường 25, quận Bình Thạnh. Trong lúc bà bưng thức ăn ra bàn (bày ra đường), định vào bưng tiếp thì bị một nam thanh niên chạy xe máy đến áp sát, một tay lái xe, tay kia giật sợi dây chuyền trên cổ bà. Bà Tâm chụp lại sợi dây chuyền không được nên tri hô: “Cướp, cướp, cướp! Nó giật dây chuyền”. Tên cướp rồ ga bỏ chạy.
Đang ngồi trong bữa tiệc, nghe tri hô, ông Võ Trọng Nghĩa (chồng bà Tâm) và một người bạn đang ngồi trong bàn tiệc liền lấy xe đuổi theo tên cướp. Hai người chạy đến chùa Bảo Minh (trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) thì thấy một thanh niên (là Lý) đang chạy xe trên đường nên ép xe rồi xông vào đánh.
Do bị đánh tới tấp, Lý dùng cây roi điện mang theo đánh trả, bị ông Nghĩa giật lại đánh vào đầu làm gãy cả roi. Sau đó, họ khống chế đưa Lý về nhà, gọi tổ trưởng dân phố và công an đến làm việc.
Về sợi dây chuyền, trong lúc chồng đuổi theo tên cướp, bà Tâm phát hiện sợi dây chuyền bị đứt rơi đúng nơi bị giật. Bà Tâm cho biết bị giật bất ngờ vào ban đêm, dưới ánh sáng chập choạng vì đường có nhiều cây, bà vẫn nhìn rõ mặt tên cướp chính là Lý.
Quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Lý |
Các nhân chứng, trong đó có chồng bà Tâm, ngồi trong bàn tiệc, đang uống bia chúc tụng cũng nhìn thấy mặt tên cướp chính là Lý.
Theo lời khai của ông Nghĩa, ông chạy xe với tốc độ 70km/h để đuổi theo tên cướp và nhìn thấy phía sau lưng. Nhưng qua một đoạn cua, tên cướp biến mất. Khi đi một đoạn nữa thì bắt gặp Lý đang chạy xe chậm chậm nên cho rằng đây chính là tên cướp.
Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án khẳng định, qua đoạn cua còn có một con hẻm khác. Lý cho rằng rất có thể tên cướp đã thoát đi từ con hẻm này, còn anh thì tự nhiên “ách giữa đàng bị quàng vào cổ”.
Lý thừa nhận: “Trong cốp xe của tôi đúng là có một roi điện. Nhưng tôi không lấy ra để chống trả như ông Nghĩa nói. Đây là roi điện của một anh làm chung trong ban bảo vệ trật tự ấp nên được phép sử dụng.
Do roi điện bị hỏng, anh ấy đưa tôi đi sửa giúp. Vào lần đi đón vợ tuần trước, khi đi về, vợ tôi bị ép xe. Thời điểm trên cũng gần Tết, từ Cần Giuộc lên Sài Gòn gần 50km, đường khá vắng nên tôi bỏ roi điện trong cốp xe phòng hờ, không phải để cướp như bị quy kết”.
Về chiếc nón bảo hiểm, vợ chồng bà Tâm đều cho rằng tên cướp đội nón màu xám. Trong khi Lý lại khai nón màu trắng và xanh, được huyện Đoàn tặng.
Một số nhân chứng cho biết khi bị bắt giữ, Lý vẫn đội nón bảo hiểm. Nhưng sau đó không rõ tại sao cả nón màu xám như bị hại nêu và nón màu trắng và xanh như Lý nói đều bị... thất lạc.
Nhân chứng không thấy cướp, chỉ thấy bị cáo bị đánh
Lý kể: “Trong suốt 2 năm 4 tháng 10 ngày bị tạm giam, tôi bị đưa ra tòa tổng cộng 5 lần, 3 phiên sơ thẩm và 2 phiên phúc thẩm (một bị hoãn và một tuyên hủy bản án sơ thẩm). Ở phiên sơ thẩm lần một, CQĐT nói rằng đã triệu tập đủ người làm chứng nhưng không đủ kết tội, tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Phiên sơ thẩm lần 2, bị hoãn và lần thứ 3, CQĐT lại cho xuất hiện nhiều nhân chứng khác, tất cả đều khai tương tự nhau. Nhưng họ nói không thấy bà Tâm bị cướp mà chỉ thấy tôi bị bắt, bị đánh và đưa về công an như thế nào. Vậy mà tòa sơ thẩm ở quận Bình Thạnh vẫn quy kết, vẫn tuyên án tôi 3 năm tù giam”.
Anh này cho biết ngay từ đầu mình đã kêu oan không hề thực hiện hành vi cướp giật. Chỉ duy nhất có biên bản bắt người quả tang ở phường 25, Lý cho rằng mình bị ép nên ký, còn lại những tờ cung, lời khai khác đều khai không thực hiện hành vi cướp.
Ở phiên phúc thẩm, VKS nhận định: cấp sơ thẩm không đưa ra được những những căn cứ trực tiếp đủ cơ sở buộc tội bị cáo. Lời khai của những người làm chứng, của chồng bị hại trước sau bất nhất.
Bản vẽ hiện trường giao nộp cho tòa chưa thể hiện hết những con hẻm gần hiện trường vụ cướp và nơi bắt giữ bị cáo, vì có thể kẻ cướp đã tẩu thoát từ những con hẻm đó và bị cáo cũng theo những con hẻm đó đi vào và bị ông Nghĩa đang đuổi theo tên cướp bắt gặp.
Cũng theo VKS, hiện trường vụ án có nhiều cây nên ánh sáng bị hạn chế, tầm nhìn kém. Biên bản thực nghiệm hiện trường có nhiều mâu thuẫn, thực hiện không đúng quy trình. Tòa án cấp sơ thẩm cũng có nhiều tình tiết chưa làm rõ, vi phạm tố tụng. Vì thế, VKS yêu cầu hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại.
Luật sư bào chữa cho Lý đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh Lý vô tội, yêu cầu tòa phúc thẩm tuyên Lý vô tội, thả ngay tại tòa.
Tuy nhiên, tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung. Phiên phúc thẩm vắng mặt người bị hại và nhân chứng.
“Sau khi trả hồ sơ điều tra lại được 9 tháng, tôi được mời lên lấy cung 2 lần có sự chứng kiến của luật sư. Sau đó, tôi bất ngờ được thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng cách cho tại ngoại. Từ ngày 1/6 đến nay, tôi không được phép đi khỏi nơi cư trú, chỉ quanh quẩn làm thợ hồ trong khu vực xã Đông Thạnh. Ngay từ đầu, tôi xác định mình không thực hiện hành vi cướp giật nên không sợ, nhưng thực sự rất thất vọng khi bị bắt ép, bị đưa đến đường cùng, rơi vào lao lý suốt hơn 2 năm qua”, Lý chia sẻ.
Trở về nhà, tính thời gian Lý cưới vợ được hơn 3 năm nhưng được gần nhau chẳng bao lâu nên con cái chưa có “mụn” nào. Trước khi bị tạm giam vì nghi án “cướp giật tài sản”, Lý là lao động chính trong nhà, dù nghề thợ hồ bấp bênh, cực nhọc.
Cha mẹ Lý trước đây bị thương nặng trong một vụ tai nạn, sức khỏe kém. Vì thế, khi Lý bị tạm giam, người vợ phải ở lại Sài Gòn làm thuê phụ giúp cha mẹ chồng, vừa thăm nuôi, vừa gõ cửa cơ quan chức năng kêu oan cho chồng.
Ông Luân cho rằng con trai bị oan |
Lý chia sẻ: “Được tại ngoại là một điều đáng mừng. Ở ngoài tự do đi lại, kêu oan cũng dễ. Nhưng trước sau như một, tôi khẳng định mình bị oan, không hề cướp giật. Trong lúc tôi bị tạm giam cho đến khi tôi được tại ngoại, nhiều người trong ấp xì xào, bàn tán, chê cười, nhưng tôi có được sự đồng cảm, thấu hiểu của gia đình và sự giúp đỡ của nhiều người khác, kể cả những người không quen biết như luật sư. Tôi nhất định sẽ kêu oan đến cùng”.
Được biết, việc điều tra lại đã có kết luận điều tra từ 4/2016. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cáo trạng, VKS quận Bình Thạnh chưa mời Lý làm việc.