Theo Thủ tướng, 6 “cơn gió ngược” là: (1) suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng… khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; (2) hậu quả của đại dịch COVID-19 với nền kinh tế thế giới và các nước còn kéo dài; (3) cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ; (4) các cuộc xung đột, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu; (5) các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất và có khả năng hạn chế trong thích ứng và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài; (6) biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nêu 6 định hướng quan trọng để đương đầu những “cơn gió ngược”. Chúng ta quan tâm đến định hướng để vượt qua “cơn gió ngược” về kinh tế (định hướng thứ 2). Theo Thủ tướng, cần tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo ra dòng vốn, thị trường, sản phẩm.
Theo đó, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế, các nước lớn cần có chính sách khơi thông nguồn lực, kích hoạt các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, đa dạng hóa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt ưu tiên các nước nghèo, các nước đang phát triển.
Với Việt Nam, các chủ trương gần đây của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội và chính sách của Chính phủ đều cho thấy, đã và đang ưu tiên “tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo ra dòng vốn, thị trường, sản phẩm”.
Xin nhắc lại, ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong Nghị quyết này, Chính phủ đặt mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh...; tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm. Cùng với đó, Chính phủ cũng đề ra các nhiệm vụ giải pháp hỗ trợ cụ thể để phục hồi kinh tế - xã hội.
Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ đạo ráo riết giải ngân đầu tư công, tạo ra động lực thúc đẩy các ngành nghề trong nền kinh tế quốc dân tăng trưởng và phát triển. Đồng thời, giải quyết những “điểm nghẽn” của nền kinh tế. Cùng với đó, đẩy mạnh chương trình số hóa nền kinh tế, trong đó tiếp tục thực hiện Chính phủ số.
Việt Nam có cơ sở, có quyết tâm, có niềm tin, rằng kinh tế - xã hội tiếp tục vượt qua những “cơn gió ngược” để phát triển.