"Chúng tôi chưa biết nhiều về biến chủng này. Những gì chúng ta biết là biến chủng này có lượng lớn đột biến. Mối lo ngại là khi có quá nhiều đột biến, nó có thể tác động đến cách thức hoạt động của virus", tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết hôm 25/11.
Cơ quan này đang theo dõi sát sao biến chủng B.1.1.529 và mở cuộc gặp đặc biệt vào ngày 26/11 để thảo luận về tác động tiềm tàng của biến chủng này tới vaccine và phương pháp điều trị.
Tiến sĩ Van Kerkhove nói thêm nhóm nghiên cứu sẽ xem xét liệu B.1.1.529 có trở thành biến chủng đáng quan tâm hay đáng lo ngại hay không, sau đó WHO sẽ đặt tên cho biến chủng theo bảng chữ cái Hy Lạp.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove trong một cuộc họp ở Geneva hồi tháng 7/2020. Ảnh: Reuters.
Biến chủng B.1.1.529 có 32 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để tạo ra hệ thống miễn dịch chống nCoV. Các đột biến protein gai có thể ảnh hưởng tới khả năng nhiễm bệnh và tốc độ lây lan của virus, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.
Châu Phi đã ghi nhận một vài ca nhiễm biến chủng này. Chính phủ Anh hôm 25/11 nói B.1.1.529 là "biến chủng tồi tệ nhất" và áp loạt hạn chế đi lại với 6 nước châu Phi.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết ca nhiễm biến chủng B.1.1.529 cũng đã được phát hiện ở Botswana và đặc khu hành chính Hong Kong.
Gần hơn 260 triệu người nhiễm nCoV và gần 5,2 triệu người đã chết trên toàn cầu kể từ khi COVID-19 bùng phát vào cuối năm 2019.