Không nhầm lẫn giữa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử
Đây là những chia sẻ của ông Lê Thành Hưng, Trưởng Phòng Tiêu chuẩn nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ tại Hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức mới đây. Theo đó, ông Hưng nhắc lại hướng dẫn phân biệt và quản lý riêng từ WHO đối với 2 chủng loại sản phẩm này.
Trong phần phát biểu tại hội thảo, ông Hưng đã nêu: “Năm 2018, tại Phiên họp thứ tám của Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát tác hại của thuốc lá (WHO FCTC), WHO đã công nhận thuốc lá làm nóng (TLLN) là sản phẩm thuốc lá và khuyến nghị các quốc gia thành viên phân loại TLLN là sản phẩm thuốc lá”.
Ông Hưng cũng nhắc thêm, theo báo cáo của WHO, đến tháng 7/2021 đã có 184/195 quốc gia thành viên đưa mặt hàng TLLN vào quy định quản lý các sản phẩm thuốc lá (sản phẩm khác) theo luật hiện hành hoặc là ngầm định (chưa cấm nhưng cũng chưa cho phép).
Tại Hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có hiệu quả”, ông Lê Thành Hưng cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn có những cơ sở kĩ thuật nhất định để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, đồng thời giúp giám sát các hóa chất độc hại ở trong các sản phẩm thuốc lá mới, góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng”.
|
Ông Lê Thành Hưng phát biểu tại hội thảo do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức vừa qua. |
WHO khuyến nghị quản lý thuốc lá làm nóng
Được biết, WHO xếp TLLN và thuốc lá điện tử (TLĐT) vào danh mục những sản phẩm thuốc lá mới. Thay vì đốt cháy điếu thuốc để tạo ra khói chứa nicotine, các sản phẩm thuốc lá mới sử dụng thiết bị điện tử để tạo ra khí hơi (aerosol) có chứa nicotine.
Điểm chung duy nhất giữa TLLN và TLĐT là đều có thành phần nước và glycerin (chiếm tỉ lệ 90% hàm lượng khí hơi).
Về mặt khác biệt, TLĐT không chứa nguyên liệu thuốc lá mà hóa hơi dung dịch tinh dầu có hoặc không có nicotine, cùng với hương liệu và các chất khác. Nicotine có trong TLĐT được phân tách từ thuốc lá hoặc từ nguồn nicotine tổng hợp. Hương liệu trong tinh dầu TLĐT hiện có khoảng 16.000 loại. TLĐT còn đa dạng hình thức sử dụng: loại dùng một lần, hoặc loại cho phép tái sử dụng - tức người dùng có thể tùy ý thêm tinh dầu ưa thích hoặc thay thế bình tinh dầu. WHO nhận định, sự phức tạp này sẽ gây khó khăn cho hệ thống quản lý TLĐT. Luật hiện hành cũng chưa bắt kịp những thay đổi “chóng mặt” đó.
Trong khi đó, WHO và FDA Hoa Kỳ xác nhận điếu thuốc đặc chế của TLLN chỉ chứa thành phần thuốc lá tự nhiên từ thân, cây và lá thuốc lá. Sau khi kích hoạt thiết bị làm nóng, người dùng sẽ hút nicotine trực tiếp từ nguyên liệu thuốc lá có trong sản phẩm này. Theo WHO, dù đều được tạo ra từ nguyên liệu thuốc lá tự nhiên, nhưng khí hơi aerosol của TLLN có nồng độ các chất gây hại thấp hơn so với khói của thuốc lá điếu thông thường.
Bên cạnh đó, theo FDA, TLLN còn được phân loại rõ ràng hơn, dưới tên gọi thuốc lá không đốt cháy (non-combusted cigarette), để phân biệt với thuốc lá điếu là loại thuốc lá đốt cháy (combusted cigarette) và TLĐT sử dụng dung dịch tinh dầu (e-cigs, vape, pod).
Riêng TLĐT đã có khung quy định do WHO hướng dẫn ngay từ Hội nghị Các bên lần thứ 7 (COP7), nếu việc cấm sản phẩm là không khả thi. Một số quốc gia xem TLĐT như một mặt hàng tiêu dùng, thuốc lá thông thường hoặc sản phẩm thuốc lá khác; số khác xếp TLĐT như một loại dược phẩm kê đơn từ bác sĩ, điển hình là Úc. Tại Nhật Bản, TLĐT được xem như như một loại dược phẩm, trong khi TLLN được quản lý bằng những điều luật được nới lỏng hơn so với thuốc lá điếu nhằm khuyến khích người dùng chuyển đổi sử dụng.
|
TLLN chứa nguyên liệu thuốc lá, phù hợp với định nghĩa của luật hiện hành tại Việt Nam. |
Sẽ thí điểm sản xuất, kinh doanh TLLN trong 5 năm
Tại Việt Nam, thuốc lá mới vẫn là nằm ngoài vòng pháp luật. Hàng lậu kém chất lượng tràn lan từ mạng xã hội đến các cửa hàng tại mặt tiền các con phố lớn. Một số kẻ gian còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của thanh thiếu niên để dụ dỗ dùng thử sản phẩm và từ đó tiếp tay bán hàng.
Tới đây, ông Trần Thành Trung, đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương sẽ có văn bản xin ý kiến bộ, ngành. Bộ dự kiến sẽ thí điểm sản xuất, kinh doanh TLLN trong 5 năm, sau đó có đánh giá và báo cáo Chính phủ. Ngược lại, riêng với TLĐT, ông Trung cho biết sẽ cần nghiên cứu lại trước khi thống nhất phương án kiểm soát phù hợp.
Xét trên quan ngại của Bộ Y tế về sức khỏe cộng đồng, cơ chế thí điểm này được cho là đủ thận trọng để đánh giá toàn diện về tác động xã hội của sản phẩm. Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ cố gắng thống nhất quan điểm với Bộ Y tế. Từ đó, đẩy nhanh tiến trình đề xuất để sớm đưa loại thuốc lá mới nào đã phù hợp theo định nghĩa của luật như TLLN vào điều chỉnh theo khung pháp lý, giảm gánh nặng cho cơ quan chức năng.