Gần 140.000 người chết vì rắn mỗi năm
Theo CNN, khi anh Pinyo Pookpinyo, một lính cứu hỏa ở Thái Lan bị rắn hổ mang chúa cắn vào đầu ngón tay cái, anh đến ngay bệnh viện ở Bangkok trong vòng 15 phút. Ở đó, anh ta được tiêm một loại huyết thanh ngăn chặn nọc độc, vốn có thể tấn công hệ thống thần kinh và gây tử vong. “Lúc đầu bác sĩ không tin tôi bị rắn hổ mang chúa cắn. Tôi phải giải thích rằng tôi là một chuyên gia về rắn, giảng dạy cách phân loại cho đội cứu hộ mới khiến bác sĩ tin. Độc rắn ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi khoảng 2 tháng. Tôi phải quay lại bệnh viện thêm 2 lần nữa để loại bỏ hoàn toàn các mô chết từ ngón tay cái. Dù sao tôi cũng cảm thấy mình rất may mắn khi bị rắn hổ mang cắn mà không chết”.
Tuy nhiên, hầu hết những người bị rắn cắn không sống gần bệnh viện, họ cũng không có kiến thức chuyên môn về rắn như anh Pinyo Pookpinyo. Đối với họ, chỉ cần bước chân không đúng chỗ, đúng lúc có thể gây tử vong ngay lập tức.
Theo WHO, mỗi năm có từ 81.000 đến 138.000 người trên thế giới thiệt mạng vì bị rắn độc cắn, đưa số người chết vì nguyên nhân này vượt qua con số tử vong toàn cầu từ những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh dại hay sốt xuất huyết. Đây được xem là một trong những nguyên nhân mang đến chết chóc lớn nhất đối với loài người nhưng chưa được nhắc tới nhiều, cũng như chưa được đánh giá một cách đầy đủ.
WHO cũng cho biết, ngoài việc giết chết khoảng 200 người mỗi ngày trên khắp thế giới, những vết cắn từ rắn độc, mỗi năm còn để lại những thương tổn nặng nề cho khoảng 400.000 người từ bại liệt, cắt bỏ chi đến sang chấn tâm lý lâu dài.
Theo thống kê, châu Á và châu Phi là hai khu vực có số người tử vong vì bị rắn độc cắn nhiều nhất với con số lần lượt là 57.000-100.000 người và 20.000-32.000 người, tiếp theo là Mỹ Latinh -Caribe (3.400-5.000 người), châu Đại Dương (200-500 người) và cuối cùng là châu Âu (30-130 người). Lý giải cho số tử vong cao tại châu Á và châu Phi, WHO cho rằng ngoài khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi cho nhiều loài rắn độc sinh trưởng.
Trong khi đó, theo Quỹ Wellcome Trust của Anh, rắn cắn gây ra nhiều cái chết và tàn tật hơn bất kỳ bệnh nhiệt đới bị bỏ quên nào khác. “Khi bị rắn cắn, nhất thiết phải được sơ cứu kịp thời và đúng cách, chỉ có vậy mới có cơ hội sống sót cao. Hiện nay số lượng nạn nhân bị rắn độc cắn có dấu hiệu gia tăng, cần phải làm gì đó để không ai phải chết oan uổng”, Giáo sư Mike Turner, Giám đốc của Quỹ Wellcome Trust chia sẻ.
Phương pháp cũ không còn hiệu quả và thiếu hụt
Hiện tại mới chỉ có phương pháp chữa trị kể từ thế kỷ 19: Chiết nọc độc từ một con rắn, sau đó đem một lượng độc vừa phải đưa vào ngựa hoặc một số động vật khác nhằm kích hoạt phản ứng miễn dịch. Máu của động vật sau đó được rút ra và tinh chế thành kháng thể chống lại nọc độc.
Theo ông Phil Price, chuyên gia về rắn tại Wellcome Trust cho hay, “Phương pháp này chưa chắc đã an toàn và không có rủi ro. Tỷ lệ phản ứng bất lợi tương đối cao, nhẹ như phát ban và ngứa, hoặc nghiêm trọng hơn như sốc phản vệ. Hơn nữa, phương pháo này không được các công ty dược phẩm ưa chuộng vì không mang lại nhiều lợi nhuận. Điển hình vào năm 2010, công ty Sanofi Pasteur đã ngừng sản xuất thuốc chống nọc độc FAV-Afrique, có hiệu quả đối với một số loài rắn châu Phi”. Do vậy, các nhà khoa học cho hay, cần phải có thêm phương pháp chữa trị mới nhằm tạo ra chất chống nọc độc an toàn hơn, rẻ hơn và hiệu quả hơn.
Trong khi đó, Quỹ Wellcome Trust thông tin, thế giới có ít hơn một nửa lượng nọc độc cần thiết để điều chế huyết thanh. Số chất chống nọc độc có sẵn ở một số nơi thường không hiệu quả vì không phù hợp với các loài địa phương. Thuốc chống nọc độc hiện tại chỉ được phát triển cho khoảng 60% số rắn độc trên thế giới. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn do tình trạng thiếu huyết thanh nọc rắn trên toàn cầu, đặc biệt là ở các vùng nông thôn thuộc châu Phi hạ Sahara và châu Á, nơi các cơ sở chăm sóc sức khỏe phù hợp rất ít.
Ngay cả khi có sẵn, loại thuốc này cũng rất tốn kém, khiến nạn nhân rơi vào tình trạng khó khăn. Trung bình, một lọ thuốc chống nọc độc có giá 160 USD, và một phác đồ điều trị đến khi hết nọc độc cần nhiều lọ thuốc. Một nghiên cứu từ năm 2013 ở Ấn Độ cho thấy, hơn 40% nạn nhân phải vay tiền hoặc bán đồ đạc để trả tiền điều trị.
Trước thực trạng này, WHO mới đây đã đưa ra một chiến lược nhằm đối phó với các vấn đề sức khỏe liên quan đến rắn. Nhiều người nói rằng, đây là cuộc khủng hoảng sức khỏe tiềm ẩn lớn nhất thế giới. Chiến lược nhằm mục đích giảm một nửa trường hợp tử vong và tàn tật từ rắn cắn vào năm 2030 bằng cách đầu tư 136 triệu USD vào việc giáo dục cộng đồng, thực hiện các phương pháp điều trị hiệu quả hơn và cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Để khắc phục thực trạng này, Quỹ Wellcome Trust cũng cam kết đầu tư 101,3 triệu USD trong 7 năm tới, nhằm tìm ra phương thức chữa trị rắn cắn hiện đại và hiệu quả hơn. Theo đó, các nhà khoa học thuộc Quỹ Wellcome Trust đang có kế hoạch phát triển một loại thuốc chống nọc độc phổ quát. Loại thuốc này được xem xét giải pháp thay thế an toàn hơn.
Ngoài việc tìm ra loại thuốc chống nọc độc tốt hơn, WHO cũng có kế hoạch tập trung vào việc tăng cường các hệ thống chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa và giáo dục, đảm bảo mọi người có thể nhận ra những con rắn độc trong cộng đồng của họ và thực hiện những thay đổi đơn giản trong hành vi, chẳng hạn như quan sát kỹ trước khi mang giày.