Xã hội hóa truyền tải điện có dễ?

(PLVN) - Bộ Công Thương cho rằng, hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) có thể là lối ra cho hoạt động xã hội hóa đầu tư đường dây truyền tải điện. Nhưng Luật Điện lực lại đang quy định: “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện”. 
Giới chuyên môn cho rằng, riêng hệ thống truyền tải điện quốc gia, Nhà nước cần nắm độc quyền trong đầu tư, quản lý vận hành
Giới chuyên môn cho rằng, riêng hệ thống truyền tải điện quốc gia, Nhà nước cần nắm độc quyền trong đầu tư, quản lý vận hành

Kiến nghị làm rõ quy định trong luật

Trong bối cảnh việc thực hiện đầu tư các dự án truyền tải điện đang gặp không ít khó khăn, Chính phủ đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để giải thích, làm rõ quy định trong Luật Điện lực về độc quyền Nhà nước trong hoạt động truyền tải điện, theo hướng Nhà nước chỉ độc quyền trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải. 

Theo Bộ Công Thương, việc ban hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP sẽ trở thành lối thoát, cho phép tư nhân tham gia đầu tư đường dây truyền tải điện. Vì thế, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, trình Quốc hội ban hành Luật PPP, trong đó cho phép áp dụng các quy định về xã hội hoá đối với lưới điện truyền tải. Nhưng Bộ Công Thương cũng lưu ý, đối với hệ thống truyền tải điện có tính chất xương sống, huyết mạch thì cần cân nhắc kỹ có nên cho phép đầu tư tư nhân hay không để đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh quốc gia.

Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cũng đã đưa ra nhiều phân tích, góp ý về vấn đề xã hội hóa hoạt động đầu tư lưới điện truyền tải. Theo đó, cần xác định rõ phạm vi giữa “Hệ thống truyền tải điện quốc gia” và “Hệ thống truyền tải điện phục vụ đấu nối” từ các nhà máy điện/cụm nhà máy điện tới điểm đấu nối vào Hệ thống truyền tải điện quốc gia để từ đó đưa ra các quyết định cho phép tư nhân tham gia.

Cụ thể, theo EVNNPT, hệ thống truyền tải điện quốc gia là hệ thống mang tính xương sống và huyết mạch của hệ thống điện quốc gia, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Quá trình đầu tư và quản lý vận hành đối với hệ thống này đều phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy trình, quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ về thiết bị, ghép nối… và đảm bảo sự an toàn, ổn định, tin cậy trong quá trình quản lý vận hành. EVNNPT cho rằng, đối với Hệ thống truyền tải điện quốc gia, Nhà nước cần độc quyền trong cả lĩnh vực đầu tư và quản lý vận hành.

Tư nhân có mặn mà?

Đồng tình với ý kiến về hệ thống truyền tải điện quốc gia là huyết mạch của hệ thống điện nên Nhà nước cần độc quyền đầu tư và quản lý vận hành, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, không hề dễ dàng để tư nhân có thể “nhảy” vào đầu tư lưới truyền tải điện vì lĩnh vực này quá khó. 

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam 

Theo ông Ngãi, đề nghị ban hành Luật PPP và nhà đầu tư tư nhân tham gia vào quá trình đầu tư lưới điện thông qua luật này, về mặt nguyên lý không có vấn đề gì nhưng thực tế rất khó khăn vì đường dây truyền tải có nhiều yếu tố độc quyền riêng, không giống các dự án hạ tầng cơ sở khác vì nguồn vốn khá lớn. Nếu tư nhân đầu tư phải tự thu xếp vốn, trong khi số vốn dành cho đầu tư truyền tải điện có thể lên tới hàng nghìn tỷ, thậm chí hàng chục nghìn tỷ. Ngoài ra còn chưa kể, định mức đơn giá đã có sẵn rồi, để có lãi là không hề đơn giản. Chưa kể, còn việc giám sát, đảm bảo chất lượng, thiết kế là cả một chuỗi dài. 

“Việc Bộ Công Thương đưa ra ý kiến này là vì muốn tranh thủ nguồn vốn xã hội hóa nhưng việc đầu tư này không dễ gì thực hiện được vì không có nhiều lợi nhuận, quá trình đầu tư phức tạp, kỹ thuật cao. Liệu các nhà đầu tư tư nhân có thể làm được không? Tư nhân chỉ có thể “nhảy” vào đầu tư lĩnh vực truyền tải điện nếu các đường dây truyền tải nằm trong thành phần dự án của họ”, ông Ngãi khẳng định.  

EVNNPT cũng cho rằng, tư nhân chỉ có thể tham gia đầu tư và quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện phục vụ đấu nối một/một cụm nhà máy điện lên hệ thống điện quốc gia vì lưới điện này chỉ mang tính cục bộ và có phạm vi ảnh hưởng không lớn khi có sự cố xảy ra. Để “mở đường” cho tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải cục bộ, EVNNPT đã có đề xuất chi phí đầu tư và chi phí quản lý vận hành của các chủ đầu tư tư nhân được hạch toán vào giá bán điện của dự án nhà máy điện của các chủ đầu tư. 

Ngoài ra, theo EVNNPT,  khi thực hiện cơ chế này cần có quy định cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước về việc thỏa thuận đấu nối và tính chi phí truyền tải điện (hoặc chia sẻ chi phí đầu tư, quản lý vận hành) giữa các chủ đầu tư nếu có nhiều nhà máy của nhiều chủ đầu tư khác nhau đấu nối lên lưới điện truyền tải do chủ đầu tư tư nhân đầu tư và quản lý vận hành. 

“Việc Bộ Công Thương đưa ra ý kiến này là vì muốn tranh thủ nguồn vốn xã hội hóa nhưng việc đầu tư này không dễ gì thực hiện được vì không có nhiều lợi nhuận, quá trình đầu tư phức tạp, kỹ thuật cao. Liệu các nhà đầu tư tư nhân có thể làm được không? Tư nhân chỉ có thể “nhảy” vào đầu tư lĩnh vực truyền tải điện nếu các đường dây truyền tải nằm trong thành phần dự án của họ”, chuyên gia năng lượng Trần Viết Ngãi.

Đọc thêm