Xã hội học pháp luật là một chuyên ngành của xã hội học, nghiên cứu các quy luật xã hội, các quá trình xã hội về sự xuất hiện, tồn tại và vận hành của pháp luật trong xã hội. Xã hội học pháp luật là một định hướng nghiên cứu lý luận chung tạo thành một hệ thống hiểu biết độc lập tương đối về pháp luật như một hiện tượng pháp lý - xã hội được nhìn nhận từ quan điểm nguồn gốc và tác động của pháp luật trong xã hội.
Trên thế giới, xã hội học pháp luật có lịch sử phát triển hơn một trăm năm và đã hình thành nên một cách tiếp cận, hướng nghiên cứu độc lập về pháp luật, đã hình thành nên lý luận xã hội học pháp luật với nhiều trường phái khác nhau. Tuy vậy, đến nay các nhà luật học Việt Nam chưa quan tâm thỏa đáng đến xã hội học pháp luật.
Trong giai đoạn đổi mới ở nước ta và sự thay đổi tư duy, nhận thức pháp lý do đổi mới đem lại, xã hội học pháp luật có nhiệm vụ nghiên cứu các quá trình và hiện tượng pháp lý - xã hội, không thể không có được “sự cư trú thường xuyên” trong hệ thống luật học Việt Nam, bao gồm cả luật học hàn lâm, luật học đào tạo, luật học thực tiễn.
Cuốn sách làm sáng tỏ mối liên hệ của xã hội học pháp luật với lý luận nhà nước và pháp luật, triết học pháp luật cũng như với các khoa học pháp lý chuyên ngành. |
Cuốn “Xã hội học pháp luật: Lý luận và thực tiễn” của GS.TS Võ Khánh Vinh đề cập và phân tích một cách sâu sắc lý luận và thực tiễn về xã hội học pháp luật, được biên soạn trên cơ sở cân nhắc những thành tựu cơ bản của các nhà luật học - xã hội học Việt Nam cũng như các tác giả nước ngoài đương đại; gồm 3 vấn đề lớn:
(i) Phần thứ nhất của cuốn sách luận giải xã hội học pháp luật là một khoa học, làm sáng tỏ mối liên hệ của xã hội học pháp luật với lý luận nhà nước và pháp luật, triết học pháp luật cũng như với các khoa học pháp lý chuyên ngành, trình bày hệ thống môn học này, phân tích phương pháp luận nghiên cứu xã hội học pháp luật, lịch sử hình thành và phát triển xã hội học pháp luật, những đặc điểm cơ bản của xã hội học pháp luật nước ngoài.
(ii) Phần thứu hai của cuốn sách làm sáng tỏ những bộ phận cấu thành cơ bản của cơ chế pháp lý - xã hội của điều chỉnh các quan hệ xã hội. Đó là pháp luật là một hiện tượng xã hội, hiện tượng văn hóa trong hệ thống xã hội, mối liên hệ và tương tác lẫn nhau của nhà nước, pháp luật và xã hội, vai trò và chức năng xã hội của pháp luật, cơ chế xã hội của điều chỉnh pháp luật, xã hội hóa pháp luật của cá nhân, chính sách pháp luật, hoạt động pháp luật, sự hình thành quyết định xây dựng pháp luật, xã hội học xây dựng pháp luật, thông tin pháp luật, xã hội học ý thức pháp luật, hành vi pháp luật của cá nhân, xã hội học áp dụng pháp luật, xã hội học tổ chức pháp lý, xung đột pháp luật, kiểm soát pháp lý - xã hội, hiệu quả của các quy phạm pháp luật, dự báo pháp luật.
(iii) Phần thứ ba của cuốn sách làm sáng tỏ các phương pháp nghiên cứu pháp lý - xã hội, trong đó làm sáng tỏ khái niệm và các loại nghiên cứu pháp lý - xã hội, trật tự chuẩn bị chương trình nghiên cứu pháp lý - xã hội, các hình thức nghiên cứu, việc tiến hành các thủ tục nghiên cứu xã hội học như quan sát, thăm dò dư luận, tổng kết thông tin xã hội học, tổ chức nghiên cứu pháp lý - xã hội.
Cuốn sách được phát hành tại Nhà xuất bản Tư pháp: Số 35 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, TP Hà Nội; hoặc số 200C, đường Võ Văn Tần, phường 5, quận 3 TP Hồ Chí Minh. Hotline: 0989819688.