Xã hội học tập

(PLVN) - Đề cao sự học đã và đang là quan niệm ăn sâu vào mỗi người Việt Nam.

Có lẽ những người tầm tuổi trung niên hiện nay, khi hồi ức về mái trường thời thơ ấu, không chỉ “khắc cốt ghi tâm” quan điểm “Tiên học lễ, hậu học văn” mà còn nhớ đến câu nói bất hủ của danh nhân thế giới V.I.Lenin: “Học, học nữa, học mãi”.

Tri thức thế giới mênh mông như biển cả, mà hiểu biết của mỗi người chỉ nhỏ nhoi như giọt nước. Thế nên không ngừng trau dồi nâng cao kiến thức của bản thân không chỉ là đam mê mà giúp mỗi người hoàn thiện mình hơn, hữu ích cho bản thân mình và cuộc đời.

Tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (1996-2021) diễn ra hôm qua (1/12), một lần nữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lại trăn trở vấn đề làm sao để phát huy tinh thần “Học, học nữa, học mãi”; mà nói cụ thể hơn là phát huy hơn nữa các mô hình công dân học tập, gia đình học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập hướng tới xã hội học tập.

Trước tiên, phải khẳng định quan niệm đề cao sự học đã và đang là quan niệm ăn sâu vào mỗi người Việt Nam. Mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ đều có ước muốn trước tiên và cao nhất là lo cho con cái ăn học đủ đầy “bằng bạn, bằng bè”. Những ai không được may mắn học nhiều đều ít nhiều có sự mặc cảm.

Phong trào học thậm chí còn “lên tầm cao” khi nhà nhà, người người, ai có điều kiện đều muốn cho con cái đi du học, thụ hưởng những tinh hoa của các hệ thống giáo dục tiên tiến, hiện đại. Trong mỗi gia đình, khoản tiền chi cho con cái và bản thân mình học hành đều là khoản lớn nhất, nhiều nhất, tốn kém bậc nhất.

Định hướng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta qua mọi thời kỳ cũng đều đề cao sự học. Ngay tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3 vừa mới diễn ra gần đây, các ý kiến một lần nữa khẳng định học tập là một trong những nội dung, yêu cầu tối quan trọng của việc xây dựng con người, xây dựng nền văn hóa Việt Nam.

Thế nhưng tới đây, một câu hỏi khác đặt ra: Tại sao nhiều ý kiến vẫn cho rằng sự học của chúng ta ngày nay vẫn “có vấn đề”? Vì sao thế hệ trẻ vẫn thiếu kiến thức về văn hóa, lịch sử, kiến thức tổng hợp, phong cách ứng xử? Vì sao người với người sống có vẻ ngày càng nghi ngờ nhau hơn, dễ mâu thuẫn với nhau hơn?

Một trong những nguyên nhân đến từ internet. Ngày xưa phương tiện phổ biến tri thức thiếu thốn hạn hẹp, một đứa trẻ gặp một cuốn sách có thể “quý như bắt được vàng”.

Nhưng ở thời công nghệ 4.0, cả kho tri thức hiện lên màn hình điện thoại trong lòng bàn tay, khiến người tiếp thu “lười” đi, ít động não hơn. Từ những đứa trẻ mới tập nói cho đến cả một số người không còn trẻ đều chỉ thích xem hình ảnh, xem những clip giải trí, xem những gì ngắn gọn “không phải suy nghĩ nhiều”…

Đúng là cả xã hội ham “học”, nhưng không ít những thông tin được “học” đó chỉ là những chuyện nhảm nhí vô bổ, dễ dãi. Tri thức thu nạp được không nhiều, chuyện tầm phào thì lắm, nên mới nói sự học của chúng ta ngày nay “có vấn đề”.

Chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế không thể đảo ngược, nhưng không phải vì thế mà chúng ta buông xuôi, để tràn lan cỏ độc, cỏ dại mọc thành những cánh đồng hoang trên mạng. Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ dành cho người trẻ mà cũng vô cùng quan trọng đối với những người cao tuổi”. Các bậc ông bà, cha mẹ cũng cần biết công nghệ để có thể quản lý con em mình.

Và Nhà nước phải mạnh tay hơn trong quản lý, quyết dọn sạch những rác rưởi trên mạng, để mọi người có một môi trường học tập thực sự trong sạch, phù hợp văn hóa đạo lý dân tộc, phù hợp xu thế văn minh thế giới.

Đọc thêm