Chỉ có tác dụng tức thời
Ngày 9-10/7, Công ty Thoát nước Hà Nội xả hơn 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây ra sông Tô Lịch. Việc mở cửa xả nước là do mực nước Hồ Tây đang cao hơn quy định và đó cũng là để làm sạch sông Tô Lịch.
Theo ghi nhận của PV vào ngày 11/7, khu vực đầu nguồn sông Tô Lịch, đoạn qua đường Nguyễn Đình Hoàn đang thí điểm xử lý bằng công nghệ Nano Nhật Bản, nước sông đã trong xanh, có dòng chảy mạnh, không đục và đen như những ngày trước đó. Chia sẻ với PV, anh Lê Văn Bảy sống gần sông cho biết: “Khoảng hai hôm nay có nước từ Hồ Tây đổ về đây nên nước sông thay đổi khá nhiều, màu nước trong sạch, không còn dấu hiệu của dòng nước đen bẩn dạo trước”.
Theo nhiều chuyên gia, nước sông Tô Lịch đang ô nhiễm nặng bởi gần 300 cống xả trực tiếp với gần 150 nghìn m3 nước bẩn xuống lòng sông mỗi ngày. Tận dụng nước hồ Tây để làm sạch sông Tô Lịch như vậy chẳng khác gì “muối bỏ biển”, chỉ vài ngày sau con sông này sẽ lại về trạng thái ban đầu.
Việc dẫn nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch ở thời điểm hiện tại chỉ giúp pha loãng sự ô nhiễm, thực chất là dịch chuyển nguồn nước ô nhiễm từ chỗ này đến chỗ khác. Ở phía cuối nguồn, nước sẽ ô nhiễm trầm trọng hơn.
Trên thực tế, nước sông chỉ xanh ở phần thượng nguồn đoạn từ đường Bưởi tới Ngã Tư Sở và ngả màu đen dần từ đoạn giữa sông tới hạ lưu. Theo tìm hiểu ở khu vực cuối nguồn sông Tô Lịch đoạn nhập vào sông Nhuệ ở Thanh Trì (Hà Nội), nước sông vẫn đen kịt, bốc mùi hôi thối. Tại đây, không có một tác động nào của việc xả nước hồ Tây đối với đoạn sông chảy qua khu vực này.
Đúng như nhận định trước đó của một số chuyên gia môi trường, sau khi dừng bổ sung nước từ Hồ Tây, mực nước sông Tô Lịch cạn dần và tái ô nhiễm. Trở lại đoạn đầu nguồn sông Tô Lịch vào ngày 14/7, qua quan sát có thể thấy tình trạng ô nhiễm tại đây, nước sông đổi màu đen kịt, cùng với một lượng cá chết khiến mùi hôi thối nồng nặc bốc lên.
Bà Nguyễn Thị Lan sống cạnh đoạn sông chia sẻ: “Từ hôm qua (ngày 13/7 – PV), tại đây bắt đầu xuất hiện cá chết, càng lúc càng nhiều. Mùi hôi thối bởi những xác cá khiến chúng tôi rất khó chịu, đặc biệt là lúc thời tiết oi nóng như thế này. Bình thường ở đây không có cá sinh sống nhưng khi xả nước từ Hồ Tây, có thể cá đã theo dòng nước vào sông. Việc thay đổi môi trường sống rất có thể làm cá chết hàng loạt”.
Bài toán nan giải
Trước đó, nói về việc mở cửa xả dẫn nước vào sông Tô Lịch, ông Bùi Ngọc Uyên – Công ty thoát nước Hà Nội cho rằng, bình thường không có nước sạch bổ cập thì nước bẩn vẫn thường xuyên chảy xuống hạ lưu. Bây giờ có một lượng nước sạch sẽ pha loãng lượng nước bẩn này thì độ ô nhiễm sẽ giảm đi.
Tuy nhiên thực tế, tình trạng ô nhiễm không được giải quyết. Trái lại, việc xả nước vào sông Tô Lịch còn ảnh hưởng đến việc thí nghiệm công nghệ Nhật Bản: “Nếu kiểm tra mẫu thì nước hiện tại thì sẽ bị loãng và kết quả không khách quan. Đến ngày 17/7, việc xả cống vẫn còn tiếp tục, chúng tôi sẽ gửi công văn lùi ngày lấy mẫu đến khi nước sông Tô Lịch trở lại trạng thái bình thường, là nước đen và có mùi”, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) nói.
Theo GS.TS.NGND Ngô Đình Tuấn - Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam: “Trước hết, muốn đưa sông Tô Lịch trở lại như ngày xưa, làm sống được sông Tô Lịch, thì chúng ta cần phải làm theo trình tự, đầu tiên làm trẻ hoá hai bờ sông Tô Lịch, tiếp theo là xử lý ô nhiễm sông, cuối cùng là đưa nước vào sông”.
Vị giáo sư này cho rằng: “Công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch tại chỗ bước đầu cho kết quả khả quan. Khi dòng sông được làm sạch bằng công nghệ này, chúng ta bơm nước vào tạo dòng chảy để lan tỏa về phía hạ lưu, từ đó nguồn nước cuối dòng sông cũng được cải thiện, chứ không phải cứ đưa nước vào được mà chưa xử lý ô nhiễm nguồn nước”.
Khách quan nhìn nhận, thành phố Hà Nội vẫn đang loay hoay trong việc tìm giải pháp làm sạch dòng sông ô nhiễm. Trong khi đó, nơi đây hàng ngày vẫn phải tiếp nhận hàng trăm nghìn m3 nước thải thì dùng biện pháp nào vẫn khó để hồi sinh sông Tô Lịch. Thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch đã được thành phố đưa ra từ hơn 10 năm qua nhưng đều không hiệu quả.
Giữa tháng 5/2019, Hà Nội bắt đầu thí điểm dùng công nghệ Nano - Bioreactor để làm sạch đoạn cuối sông Tô Lịch giáp với đường Hoàng Quốc Việt. Trong khi chờ đợi kết quả cuối cùng của việc áp dụng công nghệ Nano - Bioreacto Nhật Bản để xử lý ô nhiễm, bất kì tác động nào đưa vào dòng sông cũng gây ảnh hưởng nhất định.