Hôm qua (19/4), Cục Bồi thường nhà nước (BTNN), Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp Tổ soạn thảo về dự thảo Thông tư liên tịch (TTLT) hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng. Một vấn đề rất được quan tâm của dự thảo TTLT là nên hay không quy định “điểm dừng” khi xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
Biếm họa: Internet |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan quyết định cao nhất?
Thường trực Tổ soạn thảo cho biết: Qua hơn 2 năm triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN), với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư pháp đã phối hợp với TANDTC, VKSNDTC và một số bộ, ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động như phối hợp xây dựng các dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện TNBTCNN, họp định kỳ liên ngành để trao đổi thông tin và cùng đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành Luật…
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác phối hợp quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng lại phát sinh nhiều vướng mắc khiến cho công tác phối hợp quản lý không đạt được hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, trong năm 2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã giao cho Cục BTNN nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo TTLT.
Xác định cơ quan có TNBT trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có TNBT là một trong những nội dung phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng của dự thảo TTLT.
Theo đó, việc xác định cơ quan có TNBT trong nội bộ một ngành thì thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng của ngành. Còn trong trường hợp không có sự thống nhất giữa các ngành thì Thủ trưởng của các ngành liên quan thống nhất việc gửi hồ sơ vụ việc tới Bộ Tư pháp đề nghị tham gia việc xác định cơ quan có TNBT.
Về trách nhiệm của Bộ Tư pháp, trong thời hạn 10 ngày làm việc, trên cơ sở hồ sơ vụ việc, Bộ Tư pháp thể hiện quan điểm về xác định cơ quan có TNBT và gửi văn bản tới các cơ quan liên quan. Nếu các cơ quan vẫn không thống nhất được về việc xác định cơ quan có TNBT, Bộ Tư pháp tổ chức họp với Thủ trưởng các ngành liên quan để trao đổi, thống nhất về việc xác định cơ quan có TNBT.
Trường hợp các bên vẫn không thống nhất được với nhau về việc xác định cơ quan có TNBT, Bộ Tư pháp xây dựng văn bản kèm theo biên bản cuộc họp có chữ ký của Thủ trưởng các ngành liên quan và hồ sơ vụ việc gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chỉ cần thành lập Hội đồng liên ngành
Theo Cục trưởng Cục BTNN Nguyễn Thanh Tịnh, sở dĩ dự thảo TTLT được xây dựng như trên là bởi trước khi ban hành Luật TNBTCNN, việc thực hiện TNBT cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng được tiến hành theo quy định của Nghị quyết số 388 về bồi thường cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
Nhưng thực tiễn thi hành Nghị quyết cho thấy, đã xảy ra trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương và cả ở Trung ương đều không thống nhất được về việc xác định cơ quan có TNBT và đã phải trình vụ việc lên xin ý kiến cuối cùng của cấp có thẩm quyền cao hơn (cụ thể chính là Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Đối với dự thảo TTLT này, việc gửi hồ sơ vụ việc lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến là một phương án “mở” nhằm thu thập các ý kiến đóng góp.
Băn khoăn về tính khả thi của quy định “gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, bà Phùng Thị Hoàn (Viện Khoa học xét xử, TANDTC) đề nghị thường trực Tổ soạn thảo cần cân nhắc lại. Bà Hoàn gợi ý, trong trường hợp có sự không thống nhất, nên chăng thành lập Hội đồng liên ngành gồm lãnh đạo của 5 ngành liên quan (Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) để quyết định theo đa số, quyết định của Hội đồng liên ngành là quyết định quyết định.
Đồng tình với việc thành lập Hội đồng liên ngành, ông Nguyễn Văn Thông (Bộ Quốc phòng) bổ sung, chỉ trong trường hợp mà Hội đồng không quyết định được thì mới gửi hồ sơ vụ việc lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Những trường hợp nào gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải quy định cụ thể trong dự thảo TTLT để giảm bớt gánh nặng cho cơ quan có thẩm quyền cao hơn, đồng thời tăng cường trách nhiệm của các ngành liên quan” – ông Thông đề xuất.
Thục Quyên