Xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ của người có liên quan trong thi hành án dân sự

(PLVN) - Một trong những quyền, nghĩa vụ quan trọng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong THADS đó là quyền được thông báo về THADS. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quyền này còn một số bất cập.

Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thông báo về THADS đã được ghi nhận tại các Điều 7b, Điều 39 Luật THADS, Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 1/8/2016. 

Theo đó, về nguyên tắc, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền được thông báo về THADS (quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án) theo các hình thức: trực tiếp, niêm yết công khai hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn có quyền được nhận thông báo về thi hành án bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác. Việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan THADS. Họ cũng có quyền từ chối không nhận thông báo về THADS, khi đó, việc thông báo sẽ được lập thành biên bản, có chữ ký của người chứng kiến và được coi là hợp lệ.

Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thay đổi về địa chỉ liên lạc thì phải kịp thời thông báo cho cơ quan THADS có thẩm quyền tổ chức thi hành án biết, nếu không thông báo địa chỉ mới thì việc thông báo theo địa chỉ được xác định trước đó được coi là hợp lệ.

Như vậy, việc thực hiện thông báo, tống đạt các văn bản, giấy tờ về thi hành án đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được quy định tương đối đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay vẫn còn một vướng mắc.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 40 Luật THADS mới chỉ quy định về việc giao thông báo cho người thân thích của đương sự trong trường hợp đương sự vắng mặt mà chưa quy định trong trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì văn bản thông báo có được giao cho người thân thích của họ hay được giao cho ai và được thực hiện như thế nào?

Để giải quyết vướng mắc nêu trên và thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cần bổ sung thêm quy định tại khoản 2 Điều 12 về thông báo cho người thân thích của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong trường hợp họ vắng mặt: “Trường hợp người được thông báo là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì việc thông báo cho họ thông qua người thân thích được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật THADS”.

Ngoài quyền được thông báo về THADS, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn có quyền và nghĩa vụ trong một số trường hợp áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 7b Luật THADS. Theo đó, đối với từng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế cụ thể, Chấp hành viên cần phải căn cứ vào các quy định pháp luật về THADS để xác định quyền, nghĩa vụ cụ thể của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ví dụ, theo quy định tại Điều 76 Luật THADS và Điều 21 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về khấu trừ tiền trong tài khoản thì: Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng có trách nhiệm thực hiện ngay quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản; nếu không thực hiện ngay mà đương sự tẩu tán tiền trong tài khoản dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Hay theo quy định tại Điều 81 Luật THADS và Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về thu tiền, tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ thì: tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc giao nộp số tiền, tài sản của người phải thi hành án thì bị áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án.

Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên mà giao tiền, tài sản đó cho người phải thi hành án hoặc người khác dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân đang phải trả tiền, tài sản cho người phải thi hành án mà khoản tiền, tài sản đó đã được xác định bằng bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu tổ chức, cá nhân đó giao nộp số tiền, tài sản cho cơ quan THADS để thi hành án. Nếu tổ chức, cá nhân đó không thực hiện thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cần thiết đối với tổ chức, cá nhân đó để thu tiền, tài sản thi hành án. 

Đọc thêm