Các cơ quan quản lý thì cho rằng, nhiều khi họ cũng muốn giải quyết triệt để, nhưng người đưa đơn khiếu kiện lại đưa những chứng cứ không đủ tính pháp lý.
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, dù đã thành lập hơn 10 năm nay nhưng ít có vụ việc xâm phạm bản quyền các ca khúc độc quyền được đưa ra giải quyết công khai, cũng như chưa khởi kiện bất kỳ tổ chức, cá nhân vi phạm nào. Có lẽ chính thái độ dễ dãi, “hòa cả làng” của những người trong cuộc đã khiến những nghệ sĩ trẻ đi sau càng ít ý thức tôn trọng bản quyền.
“Thà hát “nhầm” còn hơn bỏ sót”
Khái niệm “ca khúc độc quyền” đã không còn xa lạ ở Việt Nam từ gần 20 năm nay. Nhạc sĩ Lê Quang từng nói: “Mặt bằng âm nhạc TP.Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung hiện nay quá phong phú, sân khấu quá nhiều, ca sĩ cũng quá nhiều, nếu như không mua ca khúc độc quyền thì sẽ hát trùng lắp nhau”. Trước sự bùng nổ của các game show và sự khủng hoảng thiếu của các ca khúc Việt được giới trẻ ưa thích, các sự cố “hát nhầm”, “vô tình” hát ca khúc độc quyền lại càng xảy ra nhiều hơn.
Mấy năm trở lại đây, showbiz Việt đã xảy ra khá nhiều vụ lùm xùm giữa các ca sĩ, nhạc sĩ xung quanh chuyện bản quyền tác phẩm. Ca khúc “Cô đơn mình em” đã được Thanh Thảo mua độc quyền từ nhạc sĩ Phương Uyên với giá 500 USD bằng hình thức “trao tay”, nhưng sau đó lại thấy Hiền Thục thể hiện. Tương tự, ca khúc “Tình yêu” của nhạc sĩ Lê Quốc Thắng được Thu Minh mua độc quyền và phát hành trong album “Nếu như thế”, nhưng Hiền Thục vẫn hồn nhiên hát bài này ở nhiều sân khấu và cả trong một chương trình truyền hình thực tế.
Nhạc sĩ, ca sĩ Duy Mạnh rất bức xúc khi phát hiện ra ca khúc “Hãy về đây bên anh” của mình đã bị ca sĩ Đan Trường hát bằng tiếng Thái trong DVD “Thập nhị mỹ nhân” mà không một lời xin phép. Duy Mạnh còn chỉ rõ, HT Production, đơn vị quản lý ca sĩ Đan Trường không chỉ vi phạm khi sử dụng ca khúc đã được mua độc quyền mà còn tự ý dịch bài hát sang tiếng Hoa, tiếng Thái và kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ cũng như biểu diễn trên sân khấu ca khúc này.
Bỏ ngỏ khởi kiện vì “ngại” luật?
Không chỉ có các đàn anh, đàn chị “vô tình” hát bài độc quyền của người khác mà ngay cả các ca sĩ trẻ mới “chân ướt, chân ráo” vào showbiz cũng “dính chàm”. Với ca khúc “Đường cong”, Uyên Linh đã giành được nhiều sự bình chọn của khán giả và tự tin bước lên ngôi vị Quán quân âm nhạc Idol. Tuy nhiên, ngay sau đó nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đã lên tiếng về việc Uyên Linh không xin phép anh sử dụng ca khúc này trong và sau cuộc thi. Chưa kể, ca khúc này đã được ca sĩ Thu Minh mua độc quyền.
Tương tự, sau khi thí sinh Bùi Anh Tuấn khiến các khán giả trẻ phát cuồng vì ca khúc “Nơi tình yêu bắt đầu” trong cuộc thi “Tiếng hát Việt” thì nhạc sĩ Minh Tiến lên tiếng cho biết trước khi hát, Bùi Anh Tuấn cũng chưa từng xin phép tác giả. Ca khúc này anh đã bán độc quyền cho một đơn vị sản xuất phim. Nhà sản xuất phim đang rất bức xúc vì bộ phim chưa phát hành nhưng bài hát đã ầm ĩ trên mạng.
Nguyễn Đình Thanh Tâm - Quán quân “Sao Mai điểm hẹn” bức xúc vì ca khúc “Chạy mưa” do anh mua độc quyền bị hai học trò đội Hồng Nhung tự do “hát nhầm” trên sân khấu vòng thi “Đối đầu”.
Mới đây, ca sĩ Tuấn Hưng và nhạc sĩ Khắc Việt bày tỏ bức xúc khi ca khúc “Tìm lại bầu trời” bị thí sinh cuộc thi X-Factor tự ý sử dụng mà không xin phép. Nhạc sĩ Khắc Việt cho biết: “Trong hơn 100 bài hát ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, riêng bài “Tìm lại bầu trời” được anh đánh dấu đặc biệt lưu ý là “không bao giờ cho bất kỳ đơn vị hay công ty nào khai thác và tự ý sử dụng”.
Làng văn nghệ trước nay chứng kiến không ít trường hợp một tác phẩm được “gả bán” nhiều nơi, để rồi đến khi có tranh chấp thì bên nào cũng giành phần lý, dù cái lý ấy thường rất mập mờ trên các bản hợp đồng. Vụ kiện giữa ca sĩ Lâm Thái Uyên và Thiên Đăng năm 2008 quanh các ca khúc “Nhật ký mùa đông”, “Mật đắng tình yêu”, “Giấc mơ vô vọng” là ví dụ rõ nhất khi “hợp đồng” giữa người bán và người mua chỉ là vài dòng viết tay, không có họ tên người bán, cũng chẳng có chữ ký người mua, không ngày mua bán, thậm chí người làm chứng hay xác nhận của cơ quan nhà nước cũng không có nốt.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam cho hay: “Trong hầu hết các trường hợp, các vụ kiện tụng ca khúc độc quyền của giới nghệ sĩ thường chỉ nằm trên mặt báo, trong những lời dọa dẫm nhau chứ hiếm khi được đưa ra tòa án để giải quyết đến nơi đến chốn. Khi một sự việc bị phát giác, bên này lập tức đòi kiện, bên kia tuyên bố mời luật sư, thậm chí hạn định thời gian vài ngày cho nhau và… kết thúc trong im lặng, cùng lắm chỉ là lời xin lỗi suông”.
Và hiện nay, theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, việc độc quyền ca khúc thực tế vẫn là giao dịch dân sự của tác giả với người mua chứ chưa có nơi nào đứng ra xác nhận làm nhân chứng hợp pháp cho sự độc quyền đó. Chưa kể hiện nay, Việt Nam còn chưa có tòa chuyên trách và thẩm phán chuyên trách về quyền tác giả nên các tổ chức, cá nhân lại càng dè dặt khi sử dụng quyền khởi kiện tại tòa. Bởi vậy, vấn đề tác quyền và độc quyền ca khúc ở nước ta vẫn phải chủ yếu dựa vào tinh thần tự giác, lòng tự trọng của người làm nghệ thuật.