Xài “chùa” mã số vùng trồng: Bao giờ có chế tài xử lý?

(PLVN) - Dễ dàng cấp mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói trong khi chưa có chế tài xử lý vi phạm khiến cho các mã số này được xài vô tư bất chấp nguồn gốc sản phẩm có thuộc vùng được cấp mã số hay không. Việc Hải quan Trung Quốc mới đây ra thông báo ngừng nhập khẩu xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo.
Hiện chưa có quy định về hành vi cấm hay không được mượn MSVT, mã số nhà đóng gói nên không có cơ sở để xử phạt. (Ảnh minh họa)
Hiện chưa có quy định về hành vi cấm hay không được mượn MSVT, mã số nhà đóng gói nên không có cơ sở để xử phạt. (Ảnh minh họa)

Vô tư xài “mã chùa”

Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng 6 vừa qua Hải quan Trung Quốc thông báo về 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020 (chiếm khoảng 0,43% tổng lượng XK) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng XK xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục BVTV), trong số các vùng trồng và cơ sở đóng gói này có 2/82 vùng trồng xoài và 1/12 cơ sở đóng gói của Đồng Tháp trong danh sách vi phạm.

“Ngay khi nhận được thông tin về sự việc này, Cục BVTV đã thông báo  cho các đơn vị kiểm dịch cửa khẩu và địa phương để thực hiện theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan và tiến hành điều tra nguyên nhân, biện pháp khắc phục theo quy định…”, Đại diện Cục BVTV cho biết.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Đồng Tháp, thời gian qua, việc quản lý mã số vùng trồng (MSVT) trái cây XK chưa chặt chẽ, kể cả đơn vị cấp mã số và địa phương. Gần đây đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp (DN) “mượn” MSVT “VN-DTOR-0017” và “VN-DTOR-0018” của sản phẩm xoài Đồng Tháp để XK sang Trung Quốc mặc dù thực tế không có sản lượng xoài theo mã này được thu hoạch.

“Việc này không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của xoài Việt Nam XK mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số ngay trong vụ XK tới đây…”, Đại diện Sở NN&PTNT lo ngại.

Tỉnh Đồng Tháp hiện có 110 MSVT cây ăn trái và 13 mã nhà đóng gói quả tươi XK sang thị trường Trung Quốc; 23 mã vùng cây ăn trái XK sang thị trường khó tính (Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Đài Loan và EU).

Được biết 2 mã số vùng trồng của Đồng Tháp bị ngưng là của HTX xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) và 1 mã số nhà đóng gói là của Công ty TNHH Kim Nhung. Theo đại diện Công ty TNHH Kim Nhung, khi tìm hiểu các DN đã sử dụng mã số nhà đóng gói của mình thì được trả lời là do thương lái Trung Quốc bảo in mã số đó (!?). Trớ trêu, khi  mới đây nhận được đơn đặt hàng từ phía Trung Quốc, DN này lại được thương lái  Trung Quốc “cho” mã số nhà đóng gói của… chính mình (!?).

Cấp như… cho

Nếu như việc cấp mã số đóng gói xuất sang châu Âu rất chặt chẽ, có người trực tiếp xuống kiểm tra, yêu cầu khắc phục nếu chưa đạt thì việc cấp mã số sang Trung Quốc rất đơn giản.

Theo Công văn 3906/BNN-BVTV ngày 23/5/2018 do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh ký, Sở NN&PTNT, UBND cấp huyện chỉ cần thống kê thông tin vùng trồng cây ăn quả, cơ sở đóng gói quả tươi theo quy định của Trung Quốc rồi gửi về Cục BVTV. Trên cơ sở đó, Cục Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản rà soát, bổ sung và tổng hợp thông tin, cung cấp cho nước nhập khẩu trước (Trung Quốc).

Theo đại diện Cục BVTV, việc cấp MSVT và mã số nhà đóng gói xuất phát từ yêu cầu của phía Hải quan Trung Quốc. “Quy định này được thông báo từ năm 2018 và bắt đầu áp dụng từ năm 2019, theo đó trước khi các lô hàng quả tươi XK chính ngạch sang thị trường phải ghi MSVT và cơ sở đóng gói lên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật XK…”, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục BVTV) cho hay.

Ông Hiếu cũng cho biết thêm, do lượng mã số lớn trải dài ở tất cả các địa phương nên trong năm 2019 Cục BVTV đã phối hợp với nhiều địa phương để tiến hành tập huấn, phổ biến thông tin liên quan đến nội dung quy trình cấp mã số cho thị trường Trung Quốc, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò địa phương trong việc xác minh thông tin các vùng trồng có yêu cầu cấp mã và thực hiện vùng giám sát các MSVT đã được phía Trung Quốc chấp nhận.

Về phía địa phương, trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Hà, Phó Phòng Quản lý chất lượng - an toàn thực phẩm, Chi cục BVTV Đồng Tháp, cho biết, địa phương cũng lúng túng khi cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn hoặc quy định về việc quản lý, bảo hộ. 

Đại diện Cục BVTV cũng thừa nhận, hiện vẫn chưa có chế tài xử phạt hành chính cho hành vi vi phạm MSVT, mã số nhà đóng gói mà mới chỉ có biện pháp tạm treo mã số đó. 

“Trước mắt, việc này chưa gây ảnh hưởng đến việc XK xoài do mùa vụ tại phía Nam đã kết thúc. Chúng tôi sẽ làm việc với Hải quan Trung Quốc để làm rõ sự việc, hướng đến gỡ lệnh tạm ngừng XK với mã số này. Để tránh lặp lại các vi phạm tương tự cũng như tăng cường các biện pháp quản lý để không gây thiệt hại. Trong thời gian tới, Cục BVTV sẽ làm việc cụ thể với từng địa phương nói chung và Đồng Tháp nói riêng để  thảo luận cụ thể hơn về việc phân công trách nhiệm, thống nhất về cách thức triển khải thực hiện và tăng cường công tác quản lý vùng trồng không chỉ với sản phẩm xoài...”, ông Hiếu cho hay.

Không dễ xử phạt!

Nghị định 31/2006/NĐ-CP ngày 5/6/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, không điều chỉnh hành vi nào liên quan đến vi phạm về việc sử dụng MSVT hay mã số nhà đóng gói. Đây là vấn đề mới phát sinh từ cuối năm 2018 và triển khai từ năm 2019. 

Tuy nhiên, trong Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 3/1/2020  sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định  31/2016/NĐ-CP ngày 6/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/ 2017 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực thú y, hành vi vi phạm này cũng không đuợc quy định.

 

Trao đổi với PLVN, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho biết, về nguyên tắc, phải có quy định nội dung ứng xử như “cấm”, “không được làm”, “không được cho mượn” hoặc “phải làm”,… thì mới được phép xử phạt VPHC nếu có vi phạm. Điều này cũng giống như, phải có quy định “không được đi khi có tín hiệu cấm” hay “không được uống rượu bia khi lái xe” thì mới xử phạt được hành vi “vượt đèn đỏ” hay “có nồng độ cồn trong máu khi lái xe”… 

Cũng về nguyên tắc, quy định về nội dung cấm đoán hay hạn chế quyền của DN, cá nhân thì phải được điều chỉnh bằng Luật, còn quy định xử phạt thì phải bằng Nghị định. “Một điều quan trọng nữa là, chỉ xử phạt được nếu như hành vi vi phạm xảy ra sau khi quy định về nội dung ứng xử và chế tài xử phạt đã có hiệu lực pháp luật…”, Luật sư Đức cho hay.

Đọc thêm