Xăng E5 “nóng”, nguồn cung ethanol “nguội”

(PLO) - Thông tin Bộ Công Thương đồng ý cho phá sản 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Phú Thọ khiến dư luận lo lắng về việc thực hiện lộ trình thay thế toàn bộ xăng A92 bằng xăng E5 ngày càng hiện hữu.
Thiếu ethanol đang khiến lộ trình sử dụng toàn bộ xăng E5 gặp nhiều khó khăn
Thiếu ethanol đang khiến lộ trình sử dụng toàn bộ xăng E5 gặp nhiều khó khăn

Với mức tiêu thụ xăng A92 hiện nay, lượng ethanol cần cung cấp phải lên tới 7-8 triệu m3/năm. Việt Nam sẽ tìm đâu ra nguồn ethanol để cung cấp cho việc phối trộn xăng?

Nguồn cung ethanol từ Bình Phước có kịp lộ trình 01/01/2018?

Cuối tuần trước, sau các cuộc họp cấp bách và quyết liệt, Bộ Công Thương đã thống nhất phá sản 2 nhà máy là Nhà máy Bio - Ethanol Phú Thọ và Nhà máy Bio - Ethanol Dung Quất. Theo công suất thiết kế, mỗi năm 2 nhà máy này sẽ cung cấp khoảng 200 triệu m3 ethanol. Hai nhà máy này trước đây nằm trong lộ trình “có thể khởi động lại dự án” để phục vụ cho kế hoạch thay thế toàn bộ xăng A92. 

Theo nhiều ý kiến, việc vận hành trở lại các dự án ethanol có thể sẽ có đủ nguồn ethanol cung cấp cho lộ trình dừng xăng A92 của Chính phủ vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chi phí để vận hành lại máy móc sau vài năm không hoạt động rất tốn kém, chưa kể ảnh hưởng quá lớn đến môi trường. Nhưng, khi các luồng dư luận còn chưa thống nhất về các nguồn ethanol cung cấp cho lộ trình thay thế thì Bộ Công Thương đã chính thức công bố “cho phá sản” các dự án vẫn đang được dự đoán sẽ được khởi động lại.

Cùng với việc quyết định cho phá sản 2 nhà máy ethanol lớn nhất nước, Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước cần làm việc với đối tác nước ngoài để sớm khởi động lại dự án. Bởi việc khởi động dự án không chỉ liên quan đến nguồn vốn mà còn liên quan đến lộ trình thay thế và sử dụng xăng sinh học E5 từ đầu năm 2018. 

Nhưng liệu việc khởi động dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước có kịp để cung cấp nguồn ethanol cho phối trộn xăng E5 khi thời gian thực hiện lộ trình chỉ còn chưa đến 6 tháng? Trong khi đó, ngoài Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (đại diện là PV Oil) góp vốn, nhà máy này còn có sự góp vốn của Công ty Toyo Thai New Energy và Công ty Cổ phần Licogi16. Liệu có thể có được sự thống nhất của 3 đơn vị này trong thời gian sớm nhất để kịp với lộ trình? 

Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa hết. Bởi theo ý kiến của một chuyên gia về nông nghiệp, việc khởi động dự án chỉ là một yếu tố cần cho thực hiện lộ trình. Vị chuyên gia này cho rằng, cần phải xem xét vùng nguyên liệu cung cấp có gặp vấn đề gì về chất lượng không. Cũng theo vị chuyên gia này, sắn trồng ở Đắk Nông đạt chất lượng tốt nhất với tiêu chuẩn thế giới vì đạt yêu cầu 1-2kg sắn cho thành phẩm l lít ethanol, còn các khu vực khác chất lượng kém phải mất đến 4-5 kg mới làm được 1 lít ethanol.  

“Bài toán” ethanol bị giải sai phương pháp?

Theo nhiều nguồn tin, kế hoạch nhập ethanol cũng được đặt ra. Nếu nhập ethanol, giá thành sẽ thấp hơn so với sản xuất trong nước. Trước đây, trong một lần trả lời báo chí, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng cho biết, xăng E5 do Tập đoàn sản xuất ra có giá khoảng 17.000-18.000 đồng/lít nhưng giá xuất khẩu lại chỉ được 15.000 đồng/lít. Như vậy, việc nhập ethanol sẽ khiến giá thành xăng E5 giảm là có cơ sở. 

Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin chính thức từ Bộ Công Thương về việc liệu có cho nhập khẩu ethanol hay không. Như vậy, bài toán thay thế toàn bộ xăng A92 bằng xăng E5 ngày càng trở nên khó khăn, bởi nguồn ethanol hiện nay không đủ để sản xuất xăng E5. Tính đến thời điểm này, mới chỉ có 1 cơ sở duy nhất ở Đồng Nai (Nhà máy ethanol Tùng Lâm) cung cấp ethanol nhưng công suất rất nhỏ, chỉ vào khoảng 200.000-300.000m3/tháng. 

Trong khi đó, tính sơ sơ, mỗi năm nhu cầu của cả nước vào khoảng 16-17 triệu tấn xăng, điều đó có nghĩa, lượng ethanol cung cấp cần khoảng 8 triệu m3. Ngoài việc lo sợ thiếu nguồn ethanol cung cấp, lãnh đạo Công ty Xăng dầu Khu vực I còn khẳng định, việc lựa chọn công nghệ phối trộn cũng là một vấn đề không nhỏ trong quá trình thay thế toàn bộ xăng A92 bằng E5. Vị lãnh đạo này cho biết, kể từ khi quyết định lựa chọn công nghệ phối trộn nào, cần từ 4-5 tháng để tiến hành thay thế, chuẩn bị rồi mới bắt đầu cung cấp xăng E5 ra thị trường được. 

Dù dư luận liên tục đặt ra vấn đề về nguồn nguyên liệu ethanol để phối trộn xăng E5 sẽ không đủ để phục vụ cho lộ trình vào ngày 01/01/2018 nhưng thông tin chính thức từ Bộ Công Thương vẫn khẳng định: “Năng lực sản xuất ethanol nhiên liệu của các cơ sở sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu phối trộn để thay thế hoàn toàn xăng khoáng A92 bằng xăng E5 theo lộ trình đã đề ra”. Liệu có phải Bộ đang tìm cách trấn an dư luận?

Cùng với khẳng định này, tin chính thức từ Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ vẫn đang phối hợp tích cực với Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát việc điều hành giá xăng dầu đảm bảo không làm tăng giá thành sản phẩm xăng sinh học (E5, E10), tiến tới giá xăng E5 và xăng E10 có mức giá hấp dẫn người sử dụng. 

Tuy nhiên, liệu có thể có phương án “giá hấp dẫn” như Bộ Công Thương đã khẳng định? Vì hiện nay, nguồn cung cấp ethanol (nguyên liệu pha chế xăng E5) cho cả nước chỉ có thể trông chờ vào Nhà máy Ethanol Tùng Lâm (ở Đồng Nai) và sau này có thể là Bình Phước (trong trường hợp việc khôi phục sản xuất đạt kết quả). Điều này dẫn đến việc phải vận chuyển xa, chi phí cao và điều chắc chắn, chi phí vận chuyển này sẽ tác động trực tiếp lên giá xăng.  

Đọc thêm