Xây dựng các đặc khu kinh tế: Cơ hội tăng trưởng kinh tế nhưng cần cơ chế phù hợp

(PLO) - Hứa hẹn là đòn bẩy cho việc thu hút đầu tư và phát triển nền kinh tế, nhưng việc xây dựng 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cần có một cơ chế phù hợp.
Một góc vịnh Vân Phong, một trong 3 đặc khu hình thành trong tương lai
Một góc vịnh Vân Phong, một trong 3 đặc khu hình thành trong tương lai

Hình thành các khu kinh tế mũi nhọn

Theo ông Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt hay còn gọi là đặc khu kinh tế sẽ là nơi thể hiện rõ nhất nền kinh tế thị trường tự do, hiện đại và hội nhập. “Với nhiều ưu đãi, đây sẽ nơi đón nhận nhiều nguồn hàng, tài chính, dân cư và cả các ý tưởng sáng tạo”, ông Cung cho biết.

Trong các đề án thành lập các đặc khu, thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020 dự kiến tại Vân Đồn là 5.000 USD, Bắc Vân Phong là 4.000 USD và Phú Quốc dự kiến là 5.300 USD. Đến năm 2030, mức thu nhập tại các khu vực này tương ứng là 12.500 USD, 9.500 USD và 13.000 USD. So với thu nhập bình quân đầu người của Vân Đồn năm 2016 là 1.750 USD/người thì các con số trên thực sự rất ấn tượng.

Còn PGS. TS Bùi Tất Thắng (Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì cho rằng, sự phát triển của 3 đặc khu kinh tế sẽ tạo đòn bẩy cho cả nền kinh tế. Điều đó có nghĩa là sẽ không chỉ người dân Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc mà kinh tế cả nước cũng được hưởng lợi.

Theo phân tích của ông Thắng, khi đó Nhà nước sẽ thu được 3,3 tỷ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất. Tại Vân Đồn và Bắc Vân Phong, con số này lần lượt là 1,9 và 1 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Các doanh nghiệp tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc dự kiến tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030, tại Bắc Vân Phong là 10 tỷ USD và tại Vân Đồn là 9,7 tỷ USD (giai đoạn 2021-2030). 

Từ những dự báo chiến lược này, việc hình thành các đặc khu kinh tế sẽ tạo nên các mũi nhọn cho nền kinh tế nước ta trong tương lai.

Cần một thể chế phù hợp

Đánh giá cơ hội phát triển cho các địa phương và cả nước khi hình thành đặc khu kinh tế, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc chỉ là đặc khu kinh tế nếu được xây dựng thành nền kinh tế thị trường tự do, hiện đại và hội nhập. Việc xây dựng hệ thống thể chế cho 3 khu vực này phải có ý nghĩa sống còn, thay vì chỉ có những ưu đãi thuần túy về thuế, phí. Có nghĩa đây phải là nơi rào cản phải ít nhất, môi trường thuận lợi nhất, an toàn nhất mà chi phí lại thấp nhất, là nơi thị trường phát triển hoàn thiện nhất”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Trung (Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mục tiêu của Việt Nam là sẽ thiết kế một mô hình chính quyền địa phương, ở đấy khẳng định vai trò của trưởng đặc khu và các cơ quan giúp việc. Tại đó, sẽ tổ chức một số mô hình như mô hình “một đầu mối-một cửa”, đây là một cơ quan nhân danh chính quyền để giải quyết tất cả các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, việc giám sát sẽ gắn với giám sát từ các kênh khác nhau, từ cơ quan nhà nước, cơ quan dân cử và xã hội. “Đặc biệt, nếu chúng ta tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trên cơ sở chính phủ điện tử thì mọi người dân có thể giám sát được, có thể biết được dòng văn bản đang xử lý ở đâu, thủ tục đang đạt đến mức độ nào trong quá trình đi đến kết quả cuối cùng”, Thứ trưởng Trung nhấn mạnh.

Hiện các vấn đề như thẩm quyền của trưởng đặc khu ra sao, việc miễn visa thì quản lý thế nào, trong khi đường sắt, đường bộ xuyên qua đặc khu? Có phải nhà đầu tư nào cũng được thuê đất tới 99 năm hay chỉ những dự án có số vốn đầu tư trên 300 triệu đôla Mỹ? Đặc khu sẽ chịu sự giám sát và quản lý của cơ quan nào và các nhà đầu tư chiến lược có được tham gia cấp quản lý hay không? là những băn khoăn lớn nhất trong việc hình thành đặc khu kinh tế tại địa phương.

Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về các vấn đề liên quan đến đặc khu kinh tế đã nhấn mạnh, việc ra đời một đặc khu kinh tế tại Việt Nam tuy mới nhưng so với thế giới là chậm. Ông Uông Chu Lưu cho rằng, việc hình thành các đặc khu kinh tế là cơ hội và thách thức, quan trọng là làm thế nào để phát triển lợi thế của đặc khu, đem lại nhưng hiệu quả như mong muốn.

Bất động sản hưởng lợi gì từ đặc khu?

Về hoạt động casino: Thời gian thuê đất tối đa 99 năm; người Việt được phép vào chơi casino; tự do lưu thông USD; thuế tiêu thụ đặc biệt giảm chỉ còn 15% đối với casino thường và 5% đối với casino Vip. Đặc biệt, người thắng được phép mang tiền ra nước ngoài không cần giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

Về việc mua nhà của người nước ngoài: Tự do mua bán nhà; Thời gian sở hữu lâu dài như người Việt Nam đối với biệt thự và nhà ở riêng lẻ; Thời gian sở hữu chung cư 99 năm; Cho phép thế chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng nước ngoài; Được phép chuyển nhượng bất động sản như người Việt Nam.

Về thuế suất: Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống còn 10% trong 30 năm; Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 17% trong 10 năm kể từ khi có thu nhập từ dự án đầu tư bất động sản.

Đọc thêm