Chậm nhiều thủ tục
Theo ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, dự án đường cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), có tổng chiều dài khoảng 60km, bao gồm hai đoạn tuyến. Tuyến cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43km và tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh với cửa khẩu Cốc Nam dài khoảng 17km.
Sơ bộ tổng vốn đầu tư của dự án giai đoạn phân kỳ hơn 10.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 5.620 tỷ đồng (chiếm 52,92% tổng mức đầu tư), vốn Nhà nước khoảng 5.000 tỷ đồng (chiếm 47,08%, trong đó ngân sách TW 2.500 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lạng Sơn 2.500 tỷ đồng). Theo kế hoạch, thời gian thu phí hoàn vốn dự án giai đoạn phân kỳ dự kiến khoảng 27 năm 4 tháng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện địa phương đang tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dự án đang gặp nhiều khó khăn, khiến tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch.
Cụ thể, thủ tục đầu tư dự án nhóm A phải thực hiện nhiều khâu, một số khâu UBND tỉnh Lạng Sơn không chủ động được về thời gian, ví dụ như việc giao chi tiết kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025; xin ý kiến các Bộ, ngành, đánh giá tác động môi trường. Quy trình về thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ, do đó cần phải rà soát, điều chỉnh theo quy định mới.
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng chỉ được thực hiện sau khi phê duyệt dự án và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa và công tác giải phóng mặt bằng cần thực hiện nhiều bước theo quy định của pháp luật. Do đó, dự kiến chỉ có khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án và triển khai, giải ngân vốn ngân sách TW từ năm 2024, trong khi vốn giao ban đầu là phải giải ngân từ năm 2023.
Kiến nghị gỡ khó
Đánh giá về các nguyên nhân khiến thủ tục dự án chậm tiến độ, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cụ thể, qua rà soát, chỉ tiêu đất giao thông của Lạng Sơn còn thiếu để thực hiện các dự án giao thông quan trọng, cấp bách. Chỉ tiêu diện tích đất giao thông của tỉnh Lạng Sơn được phân bổ trong kỳ 2021 - 2025 còn thiếu khoảng 748ha để thực hiện, trong đó đối với dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng thiếu khoảng 380ha.
“Đây là dự án do nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đề xuất, lập hồ sơ nên tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư phụ thuộc nhiều vào quá trình lập, hoàn thiện hồ sơ của nhà đầu tư đề xuất dự án. Thực tế triển khai, việc tổ chức lập, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của nhà đầu tư đề xuất dự án thực hiện chậm, phải chỉnh sửa nhiều lần sau thẩm tra, thẩm định”, UBND tỉnh Lạng Sơn đánh giá về nguyên nhân chủ quan.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cũng thừa nhận, địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các bước đầu tư dự án nhóm A theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư nên quá trình thực hiện còn lúng túng.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép tỉnh Lạng Sơn sử dụng chỉ tiêu các loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp được phân bổ trong kỳ 2021 - 2025 nhưng chưa thực hiện như đất cơ sở thể dục thể thao, đất công trình năng lượng, đất cụm công nghiệp… để chuyển sang thực hiện các dự án, công trình giao thông còn thiếu chỉ tiêu sử dụng đất.
Ngoài ra, Lạng Sơn mong muốn Bộ KH&ĐT quan tâm xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tổng kế hoạch vốn ngân sách TW năm 2023 của dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị 500 tỷ đồng để thực hiện trong năm sau.
Hiện nay, nhà đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường theo ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Lạng Sơn mong muốn Bộ này xem xét, sớm trình Thủ tướng Chính phủ sau khi nhà đầu tư nộp lại hồ sơ hoàn thiện sau thẩm định để bảo đảm đủ điều kiện trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định.