Vai trò không thể thiếu của VNPT trong phát triển công nghệ thông tin
Ngay từ những năm 2000, Đảng và Chính phủ đã luôn coi trọng việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động của cơ quan nhà nước. Ứng dụng CNTT còn là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ đó cho đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành một số Nghị quyết về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với quan điểm “Ứng dụng, phát triển CNTT trong tất cả các lĩnh vực trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…”.
Là Tập đoàn Viễn thông và CNTT hàng đầu Việt Nam, VNPT đã đề ra những mục tiêu cụ thể và sớm có những bước chuẩn bị để tham gia vào cuộc cách mạng 4.0 bằng việc tập trung xây dựng và không ngừng nâng cấp hạ tầng băng rộng và siêu rộng trên cả mạng cố định cũng như di động.
Trên nền tảng đó, VNPT đã thử nghiệm và vận hành các công nghệ mới, tạo ra các kết nối thông minh, cung cấp các dịch vụ tiện ích thông minh, các dịch vụ ứng dụng CNTT thông minh… đáp ứng tối đa các yêu cầu của khách hàng, trong đó VNPT luôn chú trọng các nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra.
VNPT luôn có kế hoạch hành động quyết liệt cụ thể để tận dụng mọi cơ hội, phát huy mọi nguồn lực cho phát triển CNTT để bắt kịp với xu thế phát triển thế giới. Trong đó, tập trung xây dựng, góp phần phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh được VNPT coi là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong các giai đoạn tái cấu trúc.
Chuyển đổi thành một doanh nghiệp số
Theo ông Phạm Đức Long – Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, trước khi chuyển đổi nền kinh tế số, đô thị số, chính quyền số thì VNPT phải chuyển đổi thành một doanh nghiệp số. Vì lẽ đó mà công ty chuyên về CNTT của VNPT được thành lập. Công ty VNPT – IT có nhiệm vụ chính là phát triển các sản phẩm phần mềm ứng dụng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, y tế, giáo dục. Các sản phẩm dịch vụ do VNPT-IT nghiên cứu phát triển sẽ góp phần đáng kể nâng cao đời sống xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền bằng chính sản phẩm của CNTT.
Để chuyển dịch từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống (Telco) sang nhà cung cấp dịch vụ truyền thông kỷ nguyên số (DSP), VNPT đã tập trung xây dựng và phát triển chiến lược VNPT 3.0 nhằm chuyển đổi sang kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng, CNTT, truyền thông và công nghiệp CNTT. Trên nền tảng đó, dịch vụ 4G và băng rộng cố định chính là nhân tố thúc đẩy VNPT phát triển kinh tế số trong thời gian tới.
Hiện tại, VNPT là tập đoàn đi đầu với những sản phẩm dịch vụ chủ lực về hạ tầng viễn thông, chính quyền điện tử/chính quyền số, các giải pháp về Y tế, Giáo dục, An ninh trật tự, Du lịch, Nông nghiệp, Môi trường, An ninh thông tin… Nhiều tỉnh, thành phố trong quá trình hợp tác với VNPT đã có sự phát triển vượt bậc về chỉ số ICT Index của cả nước, đồng thời đang thực hiện những bước đi đầu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng đô thị thông minh, hiện đại, bền vững.
Về phía mình, VNPT luôn nhận được sự tin tưởng của các cơ quan chính quyền các cấp thể hiện qua các chương trình hợp tác triển khai Chính quyền điện tử; triển khai thành phố thông minh và hợp tác triển khai các hệ thống dịch vụ CNTT trong lĩnh vực Y tế điện tử và Giáo dục điện tử. Tại buổi làm việc về xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông – CNTT, trong đó có Tập đoàn VNPT cử các chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này để hỗ trợ Văn phòng Chính phủ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.
Trong tháng 07/2018, VNPT cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký kết hợp đồng thực hiện các đề tài KH&CN thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước về Chính phủ điện tử. Mục tiêu chính của sự hợp tác này là VNPT sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng mô hình, nền tảng và các giải pháp kỹ thuật cho phát triển Chính phủ điện tử; nghiên cứu làm chủ công nghệ, thiết kế và chế tạo các thiết bị phần cứng, phần mềm chuyên dụng, dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử; nghiên cứu, xây dựng một số tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật làm nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử; đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước.